Báo Công An Đà Nẵng

Khai thác thủy sản Cù Lao Chàm: Trong giữ ngoài phá

Thứ tư, 22/05/2019 13:15

Tình trạng khai thác kiểu tận diệt ở vùng lân cận Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang ở mức báo động đỏ. Điều đáng nói, gần đây các phương tiện vi phạm với mức độ tinh vi và đối tượng vi phạm rất manh động, liều lĩnh. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng tăng cường quản lý kiểm soát nhưng sự bất cập trong qui định xử phạt khiến các đối tượng vẫn khai thác theo kiểu tận diệt.

Việc đánh bắt, buôn bán hải sản tại Cù Lao Chàm luôn được kiểm soát để bảo tồn nguồn lợi biển.

Trong khi việc giữ gìn tài nguyên biển được ngư dân trên Cù Lao Chàm chấp hành hết sức nghiêm ngặt thì các đối tượng khai thác tận diệt đến từ các địa phương khác  như H. Núi Thành (Quảng Nam) và một số vùng ở Quảng Ngãi lại chọn đây là ngư trường chính hoạt động bởi nơi đây có môi trường biển phong phú. Trao đổi với PV, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm Lê Vĩnh Thuận cho biết tình hình khai thác tận diệt là vấn đề khiến BQL “đau đầu” suốt nhiều năm nay.

Theo đó, từ năm 2018 trở lại đây, tình hình vi phạm khai thác thủy hải sản trong Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm diễn ra khá thường xuyên và phức tạp, phải kể đến là các trường hợp của các phương tiện có công suất lớn như lặn đêm, lưới vây…Trong đó đặc biệt nghiêm trọng phải kể đến là 2 trường hợp vi phạm khai thác trái phép tại khu vực Hòn Tai do tổ tuần tra cộng đồng thôn Bãi Hương phát hiện và cùng phối hợp xử lý.

Hai trường hợp được phát hiện là ông Huỳnh Thanh Bích (tàu QNa 05475TS) trú H. Thăng Bình khai thác bằng nghề lưới vây kết hợp ánh sáng và ông Phạm Quốc Hùng (tàu QNa00595TS) trú xã Tam Hải, H. Núi Thành khai thác bằng nghề lặn đêm. Theo số liệu của các đợt tuần tra trước ghi lại thì ông Hùng đã vi phạm nhiều lần trước đó. Không những không chịu tuân theo những qui định, chế tài của lực lượng tuần tra mà các đối tượng này lại có hành vi chống đối chạy trốn lực lượng chức năng. “Gần đây nhất vào giữa tháng 5 chúng tôi có đợt tuần tra kiểm soát trên biển. Lúc này tổ tuần tra phát hiện tàu cá đang hành nghề lưới vây đang hoạt động, tổ công tác đã phát tín hiệu yêu cầu chủ tàu ngưng hành vi vi phạm. Tuy nhiên nhìn thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng chủ tàu này đã nhanh chóng phủ bạt che biển số tàu đồng thời cho tàu chạy nhanh khiêu khích lực lượng chức năng. Thấy chủ tàu manh động anh em bắn súng chỉ thiên yêu cầu dừng lại nhưng họ vẫn không dừng”, ông Thuận kể lại.

Ông Thuận cho biết sở dĩ các đối tượng xâm lấn ngư trường thường “điếc không sợ súng” là vì chế tài xử phạt chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó qui định về việc quản lý ngư trường cũng còn có nhiều bất cập. “Đây là vùng biển nằm trong khu bảo tồn vì vậy từ nhiều năm nay cán bộ BQL và người dân ra sức bảo vệ vừa để giữ gìn sinh vật biển phong phú vừa là phát triển du lịch bền vững. Trong khi người dân rất có ý thức bảo vệ thì những người không phải cư dân Cù Lao Chàm lại bất chấp để có lợi nhuận gây tổn hại môi trường. Chúng tôi càng ra sức bảo vệ, biển càng được giữ gìn dồi dào phong phú bao nhiêu thì lại càng tạo điều kiện cho những đối tượng xấu. Trong khi đó ngư trường là ngư trường chung chúng tôi cũng không thể cấm họ khai thác còn đối với các tàu khai thác kiểu tận diệt thì mức xử phạt lại không đủ răn đe. Chúng tôi cũng đã rất nhiều lần ý kiến lên cơ quan cấp trên nhưng vẫn chưa có cách xử lý hiệu quả ”, ông Thuận cho biết.

Đồng Dao

Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm là vùng biển được đánh giá cao về sự đa dạng sinh học với hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển với nhiều loại thủy hải sản có giá trị cư ngụ. Để có được một bức tranh đại dương đầy màu sắc như vậy không phải tự nhiên mà đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm công tác bảo tồn, từ việc nghiên cứu phục hồi san hô, phân vùng bảo vệ… cho đến việc tuần tra ngăn chặn các đối tượng khai thác trái phép. Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất, các nhà khoa học đã xác định được ở Cù Lao Chàm có khoảng 277 loài san hô tạo rạn thuộc 40 giống và 17 họ; 270 loài cá thuộc 105 giống, 40 họ; 5 loài tôm hùm; 97 loài nhuyễn thể và rất nhiều loài có giá trị về sinh thái, giá trị kinh tế và cảnh quan. Các rạn san hô ở Cù Lao Chàm phân bố chủ yếu ở phía tây, tây nam đảo Hòn Lao và xung quanh các đảo nhỏ với tổng khoảng 165 ha mặt nước nhưng đa phần đều bị hư hại.

Trước thực trạng đó, khu bảo tồn đã phối hợp với các chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang triển khai dự án nuôi cấy phục hồi các rạn san hô, phục vụ hoạt động du lịch và bảo tồn các nguồn gen quý hiếm tại vùng biển này. Ngoài san hô thì rất nhiều loại thủy hải sản khác tại Cù Lao Chàm cũng bị tận diệt trong đó có những loài ở mức báo động như rùa biển, cua đá cũng đang được đưa vào danh sách bảo tồn. Trong đó để bảo tồn loài cua đá một trong những loài đặc trưng tại Cù Lao Chàm thì chính quyền địa phương cũng đã ra chỉ thị cấm khai thác cua đá tại Hòn Dài từ năm 2017 đến tháng 9-2019. Đối với loài rùa biển, BQL đang phối hợp với các chuyên gia thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo thực hiện phương pháp chuyển vị về Cù Lao Chàm.