Báo Công An Đà Nẵng

Khai thông thế bế tắc

Thứ ba, 02/07/2019 11:55

Cuộc gặp đặc biệt và bất ngờ giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là một quyết định mà ông Trump bất chợt đưa ra. Cho dù đó là một quyết định ngẫu hứng hay một sự sắp xếp phức tạp, cuộc gặp Kim-Trump này rõ ràng đã giúp phá vỡ thế bế tắc đáng lo ngại giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Sau khi cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 thất bại, Mỹ-Triều rơi vào bế tắc. Ông Trump phải đối mặt với sức ép to lớn nếu cuộc họp Kim-Trump lần 3 được tổ chức. Tuy nhiên, tất cả các đối thủ đã bất ngờ trước cuộc chào hỏi và gặp gỡ không hẹn trước của ông Trump tại DMZ. Cuộc gặp này có vẻ mang tính tượng trưng, nhưng nó đã phá vỡ thế bế tắc giữa hai bên và thúc đẩy việc nối lại đối thoại. Trên thực tế, đó là một bước ngoặt vi mô khác trong quan hệ song phương Mỹ-Triều.

Ông Trump là bậc thầy trong việc xây dựng các mối quan hệ giữa các cá nhân. Một điều kỳ diệu là ông đã có thể tạo mối liên hệ cá nhân với ông Kim Jong-un trong bối cảnh các cuộc đối đầu nghiêm trọng giữa hai bên. Mối quan hệ này đã góp phần giúp ổn định tình hình và giảm leo thang khủng hoảng. Tuy nhiên, tình bạn cá nhân của các nhà lãnh đạo không bao giờ có thể thay thế được lợi ích quốc gia của các nước, vì vai trò của tình bạn trong việc giải quyết những bất đồng chính trị lớn luôn bị giới hạn.

Triều Tiên hiện đang thực hiện một chiến lược mới và tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. Do đó, nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế là điều rất cần thiết. Đó sẽ là một món quà nếu ông Trump đồng ý nới lỏng một số biện pháp trừng phạt. Nhưng ông chủ Nhà Trắng đã không làm vậy. Washington vẫn mong muốn chứng kiến nhiều cam kết hơn từ Bình Nhưỡng đối với tiến trình phi hạt nhân hóa. Sự chia rẽ nghiêm trọng giữa hai nước rõ ràng lớn hơn mối quan hệ cá nhân của các nhà lãnh đạo.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã chuyển từ một trong những cuộc đối đầu khốc liệt sang tình trạng tương đối ổn định, đó là một tiến bộ đáng kể. Cả hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đã góp phần cho kết quả này. Và ông Trump đang từng ngày cho thấy nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận được xác định là di sản chính trị, khi trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước chân vào lãnh thổ của Triều Tiên.

THANH VĂN