Báo Công An Đà Nẵng

Khai trương Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2

Thứ sáu, 17/01/2025 06:50
Các đại biểu tham gia nghi thức khai trương.

Các đại biểu tham dự cắt băng khai trương Khu CVPM số 2.

Đến dự, về phía Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương. Về phía địa phương có: Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh; Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh; Chủ tịch HĐND TP Ngô Xuân Thắng.

Chặng đường hình thành và phát triển

Năm 2000, CNTT đã được Đà Nẵng xác định là lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn phát triển. Với cách tiếp cận lấy ứng dụng CNTT tạo động lực để phát triển công nghiệp CNTT, TP đã bố trí ngân sách đầu tư xây dựng Khu CVPM Đà Nẵng - mô hình điểm đầu tiên trong phát triển công nghiệp CNTT của TP. Khu CVPM Đà Nẵng đưa vào sử dụng từ tháng 10-2008. Với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, hiệu suất sử dụng đất, đây là mô hình minh chứng cho chiến lược và quyết sách đúng đắn của TP trong phát triển công nghiệp CNTT trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Tỷ lệ lấp đầy toàn Khu là 99%, thu hút 66 DN (trong đó 18 DN FDI) với hơn 2.000 nhân lực làm việc. Tổng doanh thu của các DN hoạt động đạt gần 58 triệu USD với diện tích 1,08 ha, hiệu suất sử dụng đất khoảng 55 triệu USD/ha/năm. Năng suất lao động trung bình 540 triệu VND/năm, gấp 3 lần năng suất lao động trung bình của TP. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng 16 triệu đồng/tháng/người.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao Quyết định mở rộng Khu CNTT tập trung CVPM Đà Nẵng.

Từ thành công mô hình Khu CVPM Đà Nẵng, nhằm tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và với chiến lược chuyển từ gia công sang làm sản phẩm, dịch vụ CNTT, chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo hướng kinh tế số, TP đã triển khai các thủ tục quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Khu CVPM số 2, với 3 tòa nhà ICT1, ICT2 và ICT có tổng diện tích đất là 2,8 ha, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 92.000 m2, dự kiến thu hút 6.000 nhân lực làm việc. Tuy nhiên sau 2 lần tổ chức đấu giá nhưng đều không lựa chọn được nhà đầu tư, TP đã quyết định sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư Khu CVPM số 2 và khởi công xây dựng công trình vào ngày 10-10-2020. Trong quá trình triển khai, do vướng mắc từ các quy định, việc tiếp tục triển khai dự án Khu CVPM số 2 chậm tiến độ. Ngày 1-2-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 20-10-2024 mở rộng Khu CNTT tập trung CVPM Đà Nẵng số 2, tạo hành lang pháp lý cho việc tiếp tục đầu tư ngân sách TP cho Khu CVPM số 2. HĐND TP tiếp tục bố trí vốn đầu tư công, nâng tổng mức đầu tư dự án lên gần 1.400 tỷ đồng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Khu CVPM số 2.

Như vậy, sau hơn 15 năm nỗ lực, quyết tâm, đến nay Đà Nẵng đã hình thành thêm 1 khu CVPM. Hiện, TP có 4 khu CNTT tập trung, cùng với các khu CNTT đang quy hoạch, xây dựng đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Từ một nơi gia công phần mềm ở thời kỳ đầu những năm 2000 với tỷ trọng gia công hơn 80%, nay TP đã chuyển dịch sang phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT, tỷ trọng gia công giảm xuống dưới 40%. Tỷ trọng kinh tế số năm 2023 chiếm 20,69% GRDP TP, vượt chỉ tiêu đề ra vào năm 2025 là 20%. TP Đà Nẵng từng bước định vị thương hiệu trên bản đồ CNTT Việt Nam và thế giới.

Bước lên thang bậc mới

Tại Lễ khai trương, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Khu CVPM số 2 và đưa vào sử dụng Tòa nhà ICT1 với 8 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 39.000m², diện tích khai thác 21.000m², trong đó ưu tiên cho các đối tác chiến lược, các nhà đầu tư chiến lược, các DN nhỏ, DN đổi mới sáng tạo của lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Hiện đã có hơn 30 DN đăng ký nhu cầu thuê văn phòng tại Tòa nhà ICT1 với tổng diện tích đăng ký khoảng 25.000m². Khu CNTT tập trung CVPM Đà Nẵng được xác định là công trình động lực, trọng điểm để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các phương thức sản xuất mới, hiện đại, chú trọng các lĩnh vực mũi nhọn mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, công nghệ tài chính (Fintech), góp phần phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.

Dự kiến đến năm 2030 quy mô kinh tế số chiếm 35-40% GRDP TP, hướng đến hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực Đông Nam Á” và mục tiêu đến năm 2045 “TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh và là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng các đại biểu tham quan CVPM số 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng trong phát triển công nghiệp, từng bước định vị thương hiệu trên bản đồ CNTT thời gian qua. Sự kiện mở rộng và khai trương Khu CNTT tập trung CVPM Đà Nẵng số 2, góp phần tạo nền tảng, động lực mới, khí thế mới, tâm thế mới để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong thời gian đến, đảng bộ, chính quyền TP Đà Nẵng cần tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm về tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển, đổi mới cách làm, hành động quyết liệt, chủ động quyết đoán, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng. Mô hình, cách làm hay trong xây dựng và phát triển Khu CNTT tập trung CVPM Đà Nẵng nói riêng và trong phát triển kinh tế số nói chung cần phải được tiếp tục tổng kết, phát huy nhân rộng trong các ngành, lĩnh vực khác của TP Đà Nẵng cũng như áp dụng ở phạm vi quốc gia.

Ngoài ra, Đà Nẵng cần khẩn trương ban hành Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, tập trung vào chuyển đổi số, hạ tầng số và các công nghệ cao, công nghệ lượng tử. Lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, Đà Nẵng cần khẳng định và giữ vững trong nhóm những địa phương dẫn đầu cả nước, TP thông minh ở top đầu của khu vực, thu hút nhân tài, nhân lực, mạnh dạn thí điểm những phương thức mới, cách làm mới theo tinh thần của Nghị quyết 136, từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp công nghệ số, kinh tế số trong GRDP TP phải cao hơn mức trung bình toàn quốc.

Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh trao các biên bản ký kết với các đối tác hợp tác với TP trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị TP Đà Nẵng cần tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng, phát triển Khu CNTT tập trung CVPM Đà Nẵng trở thành khu công nghệ số trọng điểm quốc gia gắn kết liền mạch với Trung tâm tài chính quốc tế và Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Từ đó, từng bước đưa Khu CNTT tập trung CVPM Đà Nẵng trở thành điểm khởi đầu triển khai các mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm, công nghệ số mới, nhất là triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn, về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo, về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối.

Đặc biệt, Đà Nẵng cần tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng đổi mới sáng tạo, hình thành Trạm cập bờ cáp quang biển quốc tế thứ hai, Trung tâm dữ liệu quy mô khu vực, Trung tâm tính toán hiệu năng cao, Phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại TP Đà Nẵng nhằm tạo nền tảng phát triển nền kinh tế số, các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, công nghệ tài chính.

Lê Anh Tuấn