Khai trương Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) thành phố Đà Nẵng
Bước tiến lớn trong quá trình triển khai chuyển đổi số
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ góp phần triển khai hoàn thành công trình Trung tâm IOC Đà Nẵng. Việc khai trương Trung tâm IOC là điểm nhấn quan trọng và là bước tiến lớn trong quá trình triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng. Song song với việc triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực thì đồng thời thành phố Đà Nẵng triển khai mô hình chính quyền đô thị, trong đó cần giám sát việc thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, ủy quyền; do vậy rất cần có trung tâm giám sát, điều hành.
Trung tâm IOC là mô hình mới, áp dụng công nghệ mới, sử dụng dữ liệu số, đặc biệt là yêu cầu cao về quy trình, nghiệp vụ liên ngành nên sau khi triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm về hiệu quả, Đà Nẵng chính thức xây dựng Trung tâm IOC với quy mô giai đoạn 1. Trung tâm kế thừa kết quả triển khai, đặc biệt là hạ tầng và dữ liệu số; là hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN, được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045”.
Sự kiện khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm IOC thể hiện cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thành phố trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của Trung tâm IOC, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị các ngành, địa phương tập trung triển khai, trong đó, cách tiếp cận trong triển khai Trung tâm IOC là không cầu toàn, vừa làm, vừa điều chỉnh, hoàn thành đến đâu đưa vào sử dụng ngay đến đó, từng bước tối ưu và mở rộng, bảo đảm tuân thủ theo khung kiến trúc, lấy hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.
Trung tâm IOC hoạt động dựa trên dữ liệu, là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực để giám sát, phân tích, hiển thị và hỗ trợ ra quyết định, chỉ đạo điều hành. Do đó, triển khai Trung tâm IOC không phải chỉ có trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông mà phải xác định đây là trách nhiệm của tất cả sở, ban, ngành, địa phương. Các ngành, địa phương phải chia sẻ, đồng bộ, cập nhật dữ liệu chuyên ngành đầy đủ, chính xác, kịp thời về Trung tâm IOC phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, tránh tình trạng cát cứ dữ liệu, bảo đảm tuân thủ mô hình quản trị dữ liệu đã ban hành; chú ý dữ liệu do đầu tư từ ngân sách, tạo ra từ hoạt động của các cơ quan, địa phương là dữ liệu thuộc Nhà nước, của UBND thành phố; việc chia sẻ để Trung tâm IOC kế thừa tạo ra giá trị mới là quyền lợi, trách nhiệm của các sở, ngành địa phương. Người đứng đầu các ngành, địa phương phân công bộ phận, cá nhân sử dụng thông tin, dữ liệu từ IOC trong hoạt động, trong họp giao ban, phục vụ chỉ đạo, điều hành; đặc biệt là trong nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, xử lý đơn thư của công dân. Người đứng đầu các ngành, địa phương phải chủ động đặt ra các nhu cầu, bài toán của ngành, địa phương để quản lý trên IOC, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tính chính xác, đầy đủ dữ liệu trên Trung tâm IOC cũng như về công tác xử lý cảnh báo từ Trung tâm IOC và hiệu quả hoạt động của trung tâm điều hành (OC) chuyên ngành, OC quận, huyện.
Về quản lý, vận hành, Trung tâm IOC là nơi ứng dụng các công nghệ số để giám sát, phân tích thông minh, là đầu mối phối hợp, điều phối xử lý với các sở, ban, ngành, địa phương. Trong khi tổ chức vận hành Trung tâm OC là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền không. Do đó, sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý vận hành và khai thác Trung tâm IOC, quy định rõ quy trình xử lý cảnh báo, trách nhiệm của các ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm bảo mật và cung cấp dữ liệu trên Trung tâm IOC. Cử một lãnh đạo sở trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ trung tâm trong phối hợp với các sở, ban, ngành, quận huyện. Từ thông tin phân tích của Trung tâm IOC, tổ chức cung cấp các thông tin, thông báo, hướng dẫn cần thiết liên quan đến an sinh, đời sống xã hội, tiện ích/dịch vụ công... qua App Danang Smart City, Cổng Thông tin điện tử thành phố, Đài Phát thanh Truyền hình thành phố và các kênh chính thống khác…
Thu thập, tổng hợp tất cả các nguồn thông tin
Từ năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã hình thành thí điểm Trung tâm Giám sát dịch vụ đô thị thông minh - hay MINI IOC - với một số dịch vụ thông minh cơ bản theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, làm cơ sở để đánh giá và triển khai Trung tâm IOC. Sau khi thí điểm, đến nay thành phố Đà Nẵng xây dựng Trung tâm IOC giai đoạn 1 cơ bản hoàn thiện các chức năng, cung cấp 15 dịch vụ đô thị thông minh sẵn sàng đưa vào hoạt động phục vụ lãnh đạo các cấp và người dân, doanh nghiệp. Trung tâm IOC sẽ giám sát, phân tích, đưa ra cảnh báo sớm, cung cấp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh tiêu biểu như xử lý góp ý, phản ánh của tổ chức cá nhân, cung cấp dịch vụ công và giải quyết các thủ tục hành chính, thông tin trên môi trường mạng, quan trắc môi trường nước không khí, số liệu chỉ tiêu kinh tế- xã hội, hành trình xe cứu thương, cứu hỏa, thu gom, xả, xử lý nước thải, lượng mưa, ngập nước đô thị, hoạt động tàu cá trên biển, thông tin y tế, khám chữa bệnh, phân tích dữ liệu hệ thống camera, flycam phục vụ quản lý địa bàn, chuyên ngành như tìm người lạc, cứu nạn cứu hộ… Đây là nơi thu thập, tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực để giám sát, phân tích, hiển thị, từ đó giúp lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, tối ưu hóa quá trình ra quyết định và quản lý hiệu quả các nguồn lực của thành phố, cung cấp các dịch vụ chất lượng cho người dân, doanh nghiệp. Người dân ngoài thụ hưởng gián tiếp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh do thành phố cung cấp, còn được trực tiếp sử dụng các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh trên ứng dụng Danang Smart City, kịp thời nhận các thông báo khi có tình trạng kẹt xe, mưa ngập, chất lượng môi trường, hoặc các tình huống thiên tai, khẩn cấp.
Hiện nay, 45/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai Trung tâm IOC theo các mức độ khác nhau về mô hình, quy mô và lĩnh vực, dịch vụ thông minh. Việc triển khai Trung tâm IOC là mô hình mới, mức độ tích hợp cao, phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn mô hình hoàn chỉnh, toàn diện cả về kiến trúc hệ thống, bộ máy tổ chức vận hành cho các địa phương tham khảo áp dụng. Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết: IOC đã kế thừa hạ tầng, dữ liệu, các ứng dụng hiện có của thành phố, đảm bảo về hiệu quả đầu tư và hoạt động. Cách tiếp cận của thành phố là thí điểm quy mô nhỏ, vừa làm vừa điều chỉnh, hoàn thiện, từng bước tối ưu và mở rộng, tuân thủ theo khung kiến trúc. Trong quá trình triển khai, đại diện các sở ngành, UBND quận huyện trực tiếp cùng tham gia chia sẻ, rà soát dữ liệu cũng như đưa ra các yêu cầu về các chỉ tiêu, dịch vụ của ngành mình và đã được tập huấn, phân quyền sử dụng, góp ý. Một số doanh nghiệp công nghệ số cũng đồng hành đóng góp dữ liệu số và một số ứng dụng. Hạ tầng và phần mềm IOC được Trung tâm Chính phủ điện tử - Bộ TT&TT kiểm thử chức năng, Đơn vị chuyên trách thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm thử an toàn thông tin. “Trong thời gian đến, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tích hợp các ứng dụng và dữ liệu chuyên ngành, hoàn thiện, bổ sung các chức năng, dịch vụ đô thị thông minh, phối hợp với các ngành, địa phương đang tham mưu ban hành Quy chế quản lý, vận hành và khai thác Trung tâm IOC nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm, phục vụ Chính quyền đô thị và hướng đến thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Lê Anh Tuấn