Báo Công An Đà Nẵng

Khám phá đất nước Chùa Tháp (2)

Thứ tư, 10/09/2014 08:52

* Bài 2:  Angkor Wat-tráng lệ và huyền bí

(Cadn.com.vn) - Quần thể Angkor với hơn 200 ngôi đền lớn nhỏ trải dài  trên diện tích khoảng  hơn 248 dặm vuông (400 km2) nằm ở tỉnh Seam Reap, cách thủ đô Pnom Penh khoảng hơn 300km về phía bắc và chỉ cách Thái Lan  khoảng 150km. Đây là kinh đô của Vương quốc Campuchia (CPC) từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV, sau đó nó bị lãng quên đến gần 400 năm, mãi đến cuối thế kỷ XIX mới được người phương Tây phát hiện và được CPC tập trung khai thác thế mạnh về du lịch trong khoảng 20 năm trở lại đây. Các ngọn tháp Angkor đã trở thành biểu tượng của đất nước CPC, năm 1992, quần thể Angkor được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Angkor Wat có hình 5 ngọn tháp.

Lớn nhất và nổi tiếng nhất trong quần thể Angkor là ngôi đền Angkor Wat (tiếng Khơ Me có nghĩa là "Thành phố của những đền thờ" đến nay đã 901 năm tuổi. Đây là tổ hợp đền thờ Hindu được xây dựng trong vòng 37 năm (từ khoảng năm 1113 đến năm 1150) để tưởng nhớ thần Vishnu. Với sự hoàn hảo về cấu trúc, sự cân đối và hài hòa  giữa các ngôi đền, tháp cùng những bức phù điêu bằng đá dài hàng trăm mét được chạm trổ tinh vi, mô tả vẻ đẹp lý tưởng, hoàn mỹ của người phụ nữ Khơ Me trong vũ điệu Apsara ở hàng vạn tư thế khác nhau, công trình này được coi là một trong những đền đài tinh xảo nhất thế giới.

Theo giới thiệu của Duy thì trong đền Angkor Wat có tất cả 16 tấm phù điêu như vậy với tổng chiều dài gần 2 cây số. Công trình đền Angkor Wat gồm 5 ngọn tháp, trong đó 4 ngọn xây dựng thẳng hàng, đối xứng nhau ở 4 góc, cao nhất là ngọn ở vị trí trung tâm gọi là thánh điện (còn gọi là ngọn Thiên đường) cao hơn 65m, vì vậy nếu nhìn chính diện ở cả 4 hướng thì chỉ thấy 3 ngọn tháp (đây cũng là biểu tượng của đất nước CPC), nhưng nếu nhìn chéo sang một bên sẽ thấy được cả 5 ngọn tháp. Cổng chính vào Angkor Wat có 3 cửa, cửa chính giữa dành cho vua, cửa bên trái cho tu sĩ và cửa còn lại cho dân thường.

 Các tháp và công trình kiến trúc khác ở Angkor Wat được xây dựng  bằng các khối đá xếp chồng lên nhau với tổng trọng lượng hơn 5 triệu tấn, có những khối đá nặng từ 1,5 đến 5  tấn, phần móng tháp được xếp đá tổ ong, phần trên là đá sa thạch. Theo giải thích của Duy thì khi xây dựng người ta xếp đá tổ ong ở độ sâu 15 m, sau đó đổ cát và lóng cho chặt sau đó mới xếp đá sa thạch lên trên, sở dĩ phải làm như vậy vì đá tổ ong khi gặp nước càng cứng, không bị sụt lún, còn đá sa thạch mềm hơn dễ điêu khắc, chạm trổ.  Các khối đá sa thạch được khai thác từ núi Kulen cách địa điểm xây Angkor Wat khoảng 35 dặm.

Từ  quả  núi có độ cao hơn 1.900 m, sau khi bị khai thác để lấy đá xây dựng quần thể Angkor, núi Kulen hiện chỉ còn cao 320 m. Hiện nay, các khối đá ở  đền Angkor Wat đều bị lõm ở  phần dưới, theo suy đoán của nhiều người thì phần lõm này là để buộc cây cho voi kéo từ núi Kulen tới một con sông rồi thả bè để xuôi theo dòng nước tới hồ Tonle Sap, nhưng còn việc làm sao để xếp những khối đá với trọng lượng hàng tấn này chồng lên nhau, ở độ cao hơn 160 m vào thời điểm cách đây gần 1.000 năm thì đến nay vẫn chưa có giải thích nào được coi là thỏa đáng và trong suy nghĩ của phần lớn người dân CPC và những người đã từng đến Angkor Wat thì chỉ có... thần thánh mới làm được điều này!

Những bức phù điêu bằng đá dài hàng trăm mét mô tả vẻ đẹp lý tưởng, hoàn mỹ
của người phụ nữ Khơ Me trong vũ điệu Apsara ở Angkor Wat.

Cách đây 2 năm, khi tham quan quần thể cố đô Angkor trong 1 tháng, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Trung Quốc Trương Nghệ Mưu đã so sánh công trình này với Vạn Lý Trường Thành và đưa ra nhận xét: Về tuổi đời, về diện tích thì Angkor Wat không bằng Vạn Lý Trường Thành nhưng về kiến trúc thì Angkor Wat hơn hẳn. Vạn Lý Trường Thành xây dựng bằng việc sử dụng nô lệ, còn Angkor Wat được xây dựng bằng... tâm linh nên mới sắc sảo, huyền bí, có những điều mà đến nay con người vẫn không lý giải được.

Chẳng hạn các hồ tắm của nhà vua trước khi vào làm lễ chỉ là các phiến đá xếp chồng lên nhau, không có mạch hồ vữa nhưng nước vẫn không thấm ra ngoài, nhiều người đưa ra giả thiết là người xưa mài hai phiến đá cho đến khi khít vào nhau đến mức nước không thể lọt qua, nhưng đến nay giả thiết vẫn chỉ là giả thiết. Xung quanh các hồ tắm của nhà vua có gắn rất nhiều tượng vũ nữ Apsara (tổng cộng 1.700 tượng) và hàng ngày có rất nhiều du khách (phần lớn là nữ) đến xoa tay vào bộ ngực thanh tân của các vũ nữ. Duy bảo rằng làm như vậy để ngực cô nào nhỏ thì sẽ to lên, to quá thì sẽ nhỏ bớt, không cân đối thì sẽ cân đối... Chẳng biết những gì Duy nói có bao nhiêu phần trăm sự thật nhưng hầu hết các tượng vũ nữ Apsara ở đây đều láng bóng vì có rất nhiều người xoa vào.

Trong Angkor Wat có một gian khá đặc biệt,  mỗi bề chỉ rộng khoảng 2 m, khi người đứng ở đây đập tay lên ngực trái sẽ nghe tiếng vang (đập lên các bộ phận khác của cơ thể thì không có). Duy bảo đây là gian chữa bệnh, trước đây những người dân ốm đau thường đến đây cầu nguyện thì mọi bệnh tật sẽ rơi xuống một cái hố nằm dưới nền nhà và tiêu tan (chỉ cầu nguyện về sức khỏe, không cầu tiền bạc, danh vọng). Duy kể vào năm ngoái có một cô gái phát hiện bị bệnh ung thư đã đến đây cầu nguyện, về đi tái khám thì bác sĩ bảo không còn thấy virus ung thư nữa, tuy nhiên khoảng vài tháng sau thì cô gái này lại chết vì ung thư phát nặng. Sau đó người ta đã phát hiện ra là sau lần bớt bệnh, cô gái lại vào đây cầu nguyện và đập tay lên ngực thêm lần nữa nên đã bị phản tác dụng, điều này nhắc nhở mọi người rằng đừng nên quá tham lam, rằng thần thánh giúp ai cũng chỉ giúp một lần.

K.Thanh
(Còn nữa)