Báo Công An Đà Nẵng

Khám phá đất nước Chùa Tháp (3)

Thứ năm, 11/09/2014 08:03

* Bài 3: Bí ẩn nụ cười Bayon

(Cadn.com.vn) - Nằm ở trung tâm kinh thành Angkor Thom là đền Bayon, được xây dựng từ cuối thế kỷ XII theo kiến trúc Phật giáo với những gương mặt người bằng đá khổng lồ và nụ cười thần bí. Đến nay, đền Bayon còn lại 37/54  ngọn tháp, trên mỗi tháp khắc 4 khuôn mặt của thần Lokesvara nhìn về bốn hướng tượng trưng cho sự quan sát và bảo vệ của thần linh đối với người dân Campuchia (CPC). Trải qua hơn 900 năm với  bao biến cố thăng trầm nhưng những khuôn mặt, những nụ cười thần bí ở đền Bayon vẫn thách thức các nhà khoa học, thách thức với thời gian.

Đền Bayon gồm 3 tầng hiện đã bị đổ nát nhiều, hai tầng dưới bố trí theo hình vuông, trên tường gắn khoảng 11.000 bức phù điêu đá miêu tả nhiều hoạt động như: cảnh diễu hành của vua và hoàng gia, những trận đánh của vua Jayavarman VII, đời sống thường nhật của dân chúng... Tầng ba được sắp xếp theo hình tròn với nhiều tháp mà 4 mặt của mỗi tháp đều có hình khuôn mặt người khổng lồ với nụ cười bí ẩn, ánh mắt nhìn chăm chú, từ bi, thế nên dù đứng ở góc độ nào người xem cũng có cảm giác được che chở, bảo vệ.

Đền Bayon hiện vẫn còn nhiều bí ẩn: Đền thờ ai? Hình ảnh biểu tượng đó là của ai?... Trong khi đó nhiều người dân CPC vẫn tin rằng đó là gương mặt, nụ cười của vua Jayavarman VII. Vị vua này đã tự cho mình là một vị vua thần hiển thị qua hình ảnh của một vị Phật sống. Theo giới thiệu của Duy, vua Jayavarman VII là người có công lao lớn trong việc đánh đuổi ngoại xâm Chiêm Thành, mở rộng lãnh thổ CPC. Vào thời kỳ trị vì, vua Jayavarman VII đã cho xây 102 trạm xá, 103 bệnh viện, hơn 100 nhà nghỉ... Ông vừa là vua, vừa là bác sĩ chữa bệnh cho nhân dân vì thế hình ảnh của ông được tôn thờ ở khắp mọi nơi, người dân coi ông một vị Phật sống. Đến thăm đền Bayon, nhiều du khách rất thích chụp ảnh lưu niệm bên những khuôn mặt tượng đá cười, nhất là ở góc độ mà khi nhìn vào có cảm giác đang được hôn bức tượng. Đền Bayon chủ yếu được xây dựng bằng loại đá sa thạch già, có kích thước nhỏ vì đá lớn đã được dùng để xây Angkor Wat.

Những tượng đá với nụ cười thần bí hút hồn du khách.

Đền Ta Prohm nổi tiếng

Đây là một trong những ngôi đền đẹp nhất trong quần thể Angkor, với những bộ rễ cây bao phủ lên tường thành cổ kính trông như những vòi bạch tuộc khổng lồ. Đền Ta Prohm đã được Hollywood chọn làm bối cảnh để quay bộ phim "Bí mật ngôi mộ cổ" cách đây vài năm. Trên con đường rợp mát bóng cây dẫn vào cổng đền, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy một nhóm nhạc người CPC chào đón bằng bài hát tiếng Việt. Duy cho biết đây là nhóm nhạc thuộc hội những nạn nhân tàn tật do bom mìn sau chiến tranh, trước đây họ làm nghề ăn xin nhưng nay là "ăn xin có đẳng cấp". Họ ngồi một chỗ hát và được  du khách cho tiền. Điều thú vị là khi có đoàn du khách nước nào đến họ sẽ hát bài hát nổi tiếng của nước đó, gặp lúc có nhiều đoàn khách của nhiều nước cùng đến, họ sẽ hát liên khúc bằng chính tiếng của các quốc gia đó khiến du khách rất thích thú.

Bước qua cổng chính đền Ta Prohm đổ nát, hiện được gia cố bằng các khung sắt, du khách ngỡ ngàng khi bắt gặp những  bộ rễ cây spông (tên Việt Nam là cây tung) khổng lồ mọc ra từ các khối đá xây đền hoặc xây tường thành. Tùy theo hình dáng của từng bộ rễ cây, người ta đặt cho chúng những cái tên nghe rất thú vị như: cây ngai vàng, cây chung thủy, cây phản bội... Chẳng hạn bộ rễ cây mang tên "phản bội", Duy bảo có một cách giải thích đó là do cây si (còn gọi là cây da theo tiếng Việt Nam, là loài cây chuyên sống bám vào các cây khác) lúc còn nhỏ sống bám vào cây tung, hút hết sức lực của cây tung và giờ đây nó bao phủ gần như toàn bộ bên ngoài khiến cây tung chết khô ở bên trong.

Những bức phù điêu hình vũ nữ Apsara ở đền Bayon.

Người Tây thì gọi đây là cây Hollywood vì đây là nơi được chọn làm bối cảnh chính của phim "Bí mật ngôi mộ cổ". Sự đổ nát của đền Ta Prohm một phần là do chiến tranh, một thời gian dài bị lãng quên nhưng nguyên nhân chính hiện nay là do các bộ rễ cây quá lớn, ăn sâu vào kết cấu của đền làm cho nhiều khu vực bị sập đổ hoàn toàn như vừa qua một cơn địa chấn. Có giả thiết cho rằng trong thời gian ngôi đền bị lãng quên, có loài chim ăn trái trong rừng rồi nhả hạt lên các phiến đá, từ đó mọc lên các cây cổ thụ độc đáo như ngày nay.

Ta Prohm là tên của một người đàn ông sống độc thân coi giữ đền, khi người Pháp phát hiện ra nơi này đã lấy tên của ông đặt cho ngôi đền. Duy cho biết, trong đền có một gian dùng làm lăng mộ của một bà hoàng thái hậu,  tro cốt  của bà sau khi hỏa táng được đặt xuống hầm mộ, trên tường gắn hàng ngàn viên ruby để khi đêm rằm, ánh trăng sẽ phản chiếu vào các viên ruby và soi xuống hầm mộ. Vào khoảng năm 1431, những viên ruby này đã bị người Xiêm La đục lấy đi, tại đây hiện vẫn còn lưu lại  dấu vết là những lỗ đục nham nhở...

K.Thanh
(còn nữa)