Khám phá đất nước Chùa Tháp (4)
* Bài 4: Hoàng cung lộng lẫy và thi vị
(Cadn.com.vn) - Cung điện Hoàng gia Campuchia ở thủ đô Phom Penh được xây dựng năm 1866, trùng tu năm 1917 là một khu phức hợp bao gồm Hoàng cung và Chùa Bạc với nhiều công trình hình tháp cao chót vót - một kiến trúc tiêu biểu của xứ sở chùa Tháp. Theo giới thiệu của HDV thì CPC là quốc gia duy nhất trên thế giới mà hoàng cung vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc của vua. Cổng chính của Hoàng cung ít khi mở, chỉ trừ khi nhà vua đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, cổng bên phải dành cho khách tham quan, còn cổng bên trái được gọi là cổng tử thần, khi cổng này được mở ra thì người dân biết rằng trong Hoàng cung có chuyện không hay. Lần gần đây nhất cổng này được mở ra là khi Thái thượng hoàng Norodom Sihanouk băng hà và được đưa đi hỏa táng vào tháng 2-2013. Trừ hậu cung, các nơi khác trong Hoàng Cung và Chùa Bạc được mở cửa cho du khách tham quan với giá vé 25.000 ria.
Cung điện Ánh Trăng trong hoàng cung. |
Hoàng cung CPC có rất nhiều công trình đẹp và lộng lẫy như: Phòng Khánh tiết (tiếng Khmer có nghĩa là "Thánh vị phán xử"), là nơi nhà vua cùng nội các thiết triều, hiện nay được sử dụng để cử hành nghi lễ hoàng gia và tôn giáo như lễ đăng quang của nhà vua, lễ kết hôn của các thành viên trong hoàng gia và nơi nhà vua tiếp khách. Tòa nhà có đỉnh tháp cao 59m, bên trong có ngai vàng được sử dụng làm lễ đăng quang cho các vị vua, tính đến nay đã có 9 đời vua CPC đăng quang trên ngai vàng này, vị vua hiện nay là Norodom Sihanmoni (tên của nhà vua được ghép từ tên của 3 người: Ông cố, bố và mẹ của nhà vua) đã 61 tuổi nhưng vẫn chưa làm lễ đăng quang trên ngai vàng này và vua cũng chưa có hoàng hậu.
Trong Hoàng cung CPC chỉ có 2 dòng họ thay nhau trị vì, đó là họ nội và họ ngoại của nhà vua hiện nay, không lấy người ngoài hoàng tộc nên dù vua hiện nay không có vợ con thì ngai vàng sẽ được nhường cho người của một trong 2 họ trên. Việc lập hoàng hậu cũng không đơn giản, cô gái phải là người trong hoàng tộc và phải do Bộ Hoàng cung (gồm 9 người) quyết định và bỏ phiếu, nếu quá bán mới được chọn. Vua CPC Norodom Sihanmoni đã 61 tuổi nhưng chưa lập hoàng hậu, theo HDV Duy cho biết không phải do vua kén chọn mà là vì lời hứa với người em gái đã mất. Vua Norodom Sihanmoni rất thương em gái và hứa sẽ để tang em suốt đời. Nhà vua không tham gia vào chính trị và chỉ có 2 quyền, đó là thăng chức và ân xá.
Vườn hoa Hoàng cung. |
Bên phải của Phòng Khánh tiết là hậu cung- nơi sinh sống của Hoàng gia. Duy bảo nếu may mắn, khách du lịch có thể gặp được nhà vua. Nhưng vào thời điểm chúng tôi đến Hoàng cung, Duy cho biết nhà vua đang ở nước ngoài. Duy biết điều này là nhìn vào những lá cờ treo trước hoàng cung, cao nhất là quốc kỳ, thấp hơn 1 chút là cờ Phật giáo, thấp nhất là cờ của Hoàng gia, hôm nay không thấy treo cờ Hoàng gia có nghĩa là nhà vua hiện không ở trong nước. Bên trái Phòng khánh tiết là Bộ Hoàng cung CPC với biểu tượng hình tam giác, bên trong có các hình: quốc huy, bảo kiếm, hình 2 con tỳ hưu... là biểu trưng sức mạnh tổng hợp của nhà vua, Bộ Hoàng cung, Chính phủ và người dân CPC.
Điện Napoleon (tên khác là Tòa Khâm sứ Pháp) nằm cạnh Bộ Hoàng cung là tòa nhà mang kiến trúc Châu Âu, khác biệt hoàn toàn với các công trình khác trong Hoàng cung. Đây là món quà mà hoàng đế Napoleon III nước Pháp gửi tặng nhà vua Norodom vào năm 1876, ngày nay được sử dụng làm một bảo tàng nhỏ, trưng bày các bức ảnh về những sự kiện đáng nhớ của Hoàng gia. Điện Napoleon được trùng tu lần đầu vào năm 1991 với sự tài trợ của Chính phủ Pháp và hiện đang sửa chữa. Trong khu vực Hoàng cung còn có công trình Chanchhaya (Sân khấu Ánh trăng) là nơi tổ chức các điệu múa cung đình, cũng là khán đài để nhà vua diễn thuyết trước nhân dân; tổ chức các sự kiện và những bữa tiệc lớn của Hoàng gia. Năm 2004, khu sân khấu này đã được sử dụng để tổ chức bữa tiệc lớn mừng quốc vương Norodom Sihamoni lên ngôi.
Điện Damnak Chan ở bên phải phòng Khánh tiết là nơi làm việc của Hoàng cung, được xây dựng năm 1953. Kiến trúc Điện Damnak Chan là sự pha trộn giữa phong cách phương Tây và nghệ thuật truyền thống người Khmer, trong đó mái nhà hình tháp theo kiến trúc Khmer nhưng tường nhà lại mang phong cách phương Tây. Vườn hoa cũng là điểm nhấn đẹp trong Hoàng cung, nơi đây tập hợp nhiều cây kiểng quý và đẹp, thu hút rất đông khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Ở cổng sau của Hoàng cung có nhiều cây Sala, theo truyền thuyết thì loại cây này là của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì nó mọc ở nơi Phật ra đời và nhập niết bàn. Hoa của cây Sala rất đẹp và độc đáo, màu vàng, nở vào buổi sáng đến chiều thì rụng, người dân thường nhặt hoa về phơi khô sắc nước cho những phụ nữ mang thai uống cho dễ sinh nở. Vỏ cây có thể chữa bệnh khớp...
K.Thanh
(còn nữa)