Báo Công An Đà Nẵng

Khám phá đất nước Chùa Tháp

Thứ ba, 09/09/2014 07:47

BÀI 1: THÀNH PHỐ TRẺ SEAM REAP

(Cadn.com.vn) - Đó là tên gọi của một tour du lịch đến Campuchia-đất nước Chùa Tháp ở Đông Nam Á. Đến đây, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị  với kỳ quan Angkor hoành tráng, quyến rũ hơn 900 năm tuổi ở thành phố Seam Reap (tỉnh Seam Reap) và Hoàng cung diễm lệ  hơn 500 năm tuổi ở thủ đô Phnom Penh mang nét kiến trúc đặc trưng của văn hóa Phật giáo Tiểu Thừa, vừa gần gũi, vừa kỳ bí...

Sau 1 giờ 20 phút cất cánh tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, chiều tối 27-8, chuyến bay số hiệu VN825 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đưa chúng tôi đến với đất nước Campuchia (CPC)-quốc gia được mệnh danh là đất nước chùa tháp. Dưới cánh bay, đất nước CPC trải dài với những vùng đất ngập nước, lúp xúp cây cối, nhiều khu vực hoang vu dường như không thấy sự hiện diện của con người. Sân bay quốc tế Seam Reap đang được nâng cấp mở rộng. Tuy mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn nhưng hiện sân bay này đã đạt quy mô  18 cửa làm thủ tục cho hành khách, trên đường băng rộng mênh mông có hàng chục máy bay của nhiều hãng hàng không trên thế giới.

Ở sân bay quốc tế Seam Reap.

Tại phòng làm thủ tục nhập cảnh, đoàn chúng tôi đã được hướng dẫn viên (HDV) giúp đỡ làm tờ khai từ khi còn trên máy bay nên được qua cửa kiểm soát trước. Thời điểm này chỉ có 1 chuyến bay đến Seam Reap nên các cửa kiểm soát khá vắng. Khi đến nơi, theo thói quen, cả đoàn xếp thành hàng dọc đi vào cửa thì một nhân viên hải quan  ra hướng dẫn tách đoàn thành 6-7 nhóm, chia đều mỗi nhóm từ 2-3 người để đi vào làm thủ tục ở tất cả các cửa kiểm soát. Đến lượt tôi, sau khi đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu, người nhân viên hải quan gõ tay xuống bàn, nơi để vài  tờ tiền mệnh giá 5USD và ra hiệu... cho tiền uống cà-phê. Tôi đưa tờ 20.000 đồng Việt Nam, anh ta có vẻ không hài lòng nhưng rồi cũng miễn cưỡng đưa trả lại hộ chiếu cho tôi để đến lượt người khác.

Khi làm xong thủ tục nhập cảnh, cả đoàn nhập lại, mọi người mới kể cho nhau nghe chuyện bị xin tiền công khai ở cửa kiểm soát. Nhiều người cho từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng, hoặc 1 USD đến 2 USD nhưng cũng có người không biết, tưởng là khoản tiền bắt buộc đóng ở sân bay nên họ ra hiệu bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu, có khi 100.000 đồng... Lúc ấy mọi người mới hiểu tại sao ở đây lại chia hành khách ra làm nhiều cửa có lẽ là để tất cả các nhân viên kiểm soát đều có tiền... uống cà-phê. Cô HDV cho biết các nhân viên kiểm soát ở đây rất sốt sắng khi biết chúng tôi là khách Việt Nam vì theo họ chỉ có khách Việt Nam mới sộp, còn khách Tây thì cứ theo thủ tục mà làm, không có thói quen cho tiền thêm.

HDV cho đoàn tại CPC là chàng trai Kao Sok Yee (tên Việt Nam là Duy) 24 tuổi người Khơ-me chính gốc, sinh ra và lớn lên ở Seam Reap, rất “hotboy” với  gương mặt đẹp, ăn mặc trẻ trung,  nói được cả tiếng Khơ Me, tiếng Anh. Đặc biệt là tiếng Việt, Duy phát âm chuẩn, nắm khá vững nhiều thông tin về thời sự, văn hóa, kinh tế ở Việt Nam, kể cả những câu chuyện tiếu lâm, những câu thành ngữ, cách nói ví von của các vùng nhưng cũng thành thật thừa nhận là không thể viết và đọc tiếng Việt, tất cả chỉ được tích lũy qua giao tiếp mà thành.

Duy bảo mọi người cứ gọi mình là “Duy công tử” cho thân mật. Trên đường từ sân bay về khách sạn, Duy tranh thủ giới thiệu về vùng đất chúng tôi sắp tới là TP Seam Reap, thuộc tỉnh Seam Reap. Duy nói, ở CPC, trừ thủ đô Phnom Penh, tất cả các thành phố còn lại đều là thành phố thuộc tỉnh. Siêm Ream đón khách du lịch quanh năm, trung bình mỗi ngày khoảng 5.000 khách du lịch và mùa này đang là cao điểm khách du lịch Việt Nam. Nhờ có du lịch, người dân Seam Reap ai cũng có công ăn việc làm do đó tình hình ANTT ở đây Duy bảo có thể đảm bảo an toàn đến trên 90%, không có trộm cắp, cướp giật vì không ai muốn mất đi nguồn sống của chính mình.

Họ cũng rất có ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, tôn tạo vẻ đẹp cố đô bằng việc trồng nhiều cây xanh, không xả rác, chất thải trên đường. Đặc biệt ở Seam Reap theo như Duy nói thì có hơn 1.000 nhà hàng, khách sạn nhưng không cái nào được làm cao quá 4 tầng, không phải người dân không có khả năng kinh tế mà vì tháp cao nhất ở quần thể  Angkor cổ là 165 mét, nếu nhà cửa cũng xây cao thì Angkor Wat chẳng còn ý nghĩa gì nữa...

Ở Seam Reap, phương tiện phổ biến nhất là xe tuk tuk.

Sôi động và thu hút khách du lịch nhiều nhất là khu chợ đêm Seam Reap. Chợ nằm cách biệt với đường phố chính bằng một con kênh, muốn vào chợ khách phải đi qua một cây cầu gỗ có mái che, được thiết kế khá lãng mạn với nhiều dãy đèn mờ ảo. Hàng trăm gian hàng trong chợ chủ yếu bán đồ lưu niệm bằng đủ các chất liệu, nhiều nhất là quần áo, khăn, mũ, đồ trang trí thờ cúng được làm từ nhôm, đồng, sắt, gỗ và các vật dụng làm quà như: móc khóa, bấm móng tay, thìa, nĩa... tất cả có gắn biểu tượng Angkor Wat.

Việc mua bán trong chợ chủ yếu được trao đổi bằng đô-la Mỹ nhưng nếu khách có nhu cầu mua bằng tiền ria (tiền CPC) hoặc tiền Việt thì người bán hàng đều có thể quy đổi một cách nhanh chóng. Bán hàng hầu hết là người Khơ Me nhưng nhiều người có thể hiểu và nói được nhiều câu tiếng Việt ngắn. Họ cũng nói thách, khách trả chưa tới giá thì năn nỉ trả thêm, không mua thì thôi chứ tuyệt nhiên không lườm nguýt, chửi bậy. Đêm ở Seam Reap có nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch nhưng theo như Duy nói thì tuyệt đối không có mại dâm, không có casino. Trước đây, nơi này dày đặc các điểm ăn chơi nhưng khoảng 7 năm trở lại đây, Chính phủ CPC đã có những biện pháp kiên quyết để xây dựng Seam Reap thành một thành phố văn hóa cổ kính và rất được người dân đồng tình.

Giải thích vì sao về đêm các ngọn điện đường, điện trong các nhà hàng, khách sạn, trong nhà của người dân thường mờ mờ, không rực rỡ như nhiều nơi khác, Duy cho biết ở đây người dân luôn được khuyến cáo phải tiết kiệm điện vì điện ở Seam Reap phải mua của Thái Lan (chỉ cách Thái Lan 150km) với giá rất cao, trong nội thành 1kWh điện giá 1.000 ria (khoảng 5.500 đồng VN), còn giá điện vùng ngoại thành là 2.000 ria/kWh, vì thế người dân ngoại thành rất hạn chế sử dụng điện, có nơi còn thắp đèn dầu hoặc dùng bình ắc-quy bởi đa số là người nghèo, thu nhập trung bình chưa đến 1 USD/người/ngày, còn người dân nội thành thu nhập cao hơn hẳn, trung bình khoảng 90 USD/người/tháng.

Duy dặn chúng tôi điều đầu tiên khi đến khách sạn là phải lấy 1 name card để lỡ có đi đâu lạc đường thì cứ đưa cho  lái xe tuk tuk, họ sẽ chở về đến nơi, vì khi đến đây ngôn ngữ bất đồng, điện thoại mang theo thì không liên lạc được nên chỉ có cách đó là chắc ăn nhất. Ở Seam Reap, phương tiện phổ biến nhất là xe tuk tuk. Với giá từ 2 USD đến 4 USD/cuốc xe, là mức khách có thể chấp nhận được để  đi vòng vòng  ngắm cảnh trong thành phố hoặc đến tham quan khu đền tháp Angkor Wat nổi tiếng.

K.Thanh
(còn nữa)