Báo Công An Đà Nẵng

Khám phá văn hóa dân tộc Ba Na tại "Ngôi nhà chung"

Thứ tư, 21/11/2018 11:03

Các thầy cúng thực hiện nghi lễ tại nhà Rông.

Ngày 20-11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào Ba Na đến từ xã Tơ Tung, H. K'bang, tỉnh Gia Lai đã tái hiện Lễ thổi tai đặc sắc của dân tộc mình. Người Ba Na quan niệm rằng trong những giai đoạn nhất định của đời người hay vòng cây cối, cá nhân, cộng đồng, vật nuôi sẽ chịu tác động của những vị thần linh khác nhau. Từ khi sinh ra đến lúc về thế giới ông bà, người Ba Na phải trải qua ít nhất hai, ba lễ cúng sức khỏe. "Lễ thổi tai" được thực hiện đầu tiên trong các nghi lễ vòng đời của người Ba Na. Bà con tổ chức lễ thổi tai để chúc phước, đặt tên cho em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh, cầu cho đứa trẻ khỏe mạnh, khôn ngoan, trở thành người tốt của gia đình và cộng đồng. Lễ thổi tai là nghi lễ rất quan trọng cho một người mới sinh trong gia đình, vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm, gửi gắm mong muốn các thần linh tiếp tục bảo vệ và dạy bảo con trẻ lớn lên. Tùy theo điều kiện kinh tế mà gia đình chọn thời điểm tổ chức lễ thổi tai cho em bé và quy mô lớn hay nhỏ. Có nơi thì bà con tổ chức lễ khi em bé sinh được một tuần, hoặc khi em bé đã rụng rốn, và đặt tên cho bé. Nếu điều kiện khó khăn, đến khi em bé biết bò, thậm chí biết đi, gia đình mới làm lễ thổi tai, đặt tên.

Đây là một trong những hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ các hoạt động Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2018 tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tái hiện Lễ thổi tai là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của người Ba Na tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng thời đây là cơ hội để đồng bào Ba Na quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới du khách khi đến tham quan "Làng".

V.H