Báo Công An Đà Nẵng

Khẩn cấp ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn

Thứ năm, 20/06/2024 11:25
Ông Hồ Quang Thường lo lắng bởi diện tích đất canh tác phần lớn đã bị sạt lở trôi xuống sông.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, từ năm 2022 đến nay, tình hình xói lở lòng sông diễn ra ngày càng phức tạp. Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến đoạn sông Thu Bồn qua thôn Nhị Dinh 3 (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn). Tại đây, lòng sông biến dạng, nhiều vị trí bờ tả xói lở, trong 2 năm sạt lở ăn sâu gần 80 mét (m) và diễn biến gần đây ngày càng nhanh. Còn bờ hữu sông ngày càng bồi lắng, trong 2 năm đã bồi lắng tạo bãi cao trung bình 2 – 4m so đáy sông hiện trạng, dài hơn 500m, rộng 250m. Hình thái dòng sông bắt đầu có những thay đổi lớn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản, gây tâm lý không ổn định cho nhân dân.

Đang vun lại mấy luống đất trồng đậu còn ít ỏi bên sông Thu Bồn, ông Hồ Quang Thường (64 tuổi, trú thôn Nhị Dinh 3) ngao ngán cho biết, riêng mùa lũ năm ngoái sạt lở đã ăn sâu vào vườn ông gần cả chục mét. Theo ông Thường, vườn trồng bắp, đậu phụng… của gia đình trước đây rộng hơn 20m, nhưng giờ chỉ còn khoảng 10m, bởi diện tích còn lại đã xói lở, đổ xuống sông. “Cứ tình trạng như thế này thì sạt lở ngày càng ăn sâu, mất đất canh tác. Mấy năm trước sạt lở cũng có nhưng không đáng kể, 2 năm trở lại đây tình trạng này xảy ra dữ dội hơn”- ông Thường nói và rất mong các cấp chính quyền quan tâm, có phương án xây dựng bờ kè để bảo vệ đất cho người dân.

Ông Trương Phú Hòa - Trưởng thôn Nhị Dinh 3 cũng lo lắng cho hay, hiện có khoảng 240 hộ dân với 1.200 nhân khẩu sống trong khu dân cư Bình Trị, thôn Nhị Dinh 3 đang có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của sạt lở. Bởi vị trí sạt lở còn cách khu dân cư gần nhất khoảng 100m. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân sống trong vùng lân cận cũng đang bị đe dọa đến an cư. “Tốc độ sạt lở bờ sông gần đây xảy ra quá nhanh, hiện nhà của gia đình tôi chỉ còn cách bờ sông Thu Bồn khoảng 100m. Ông bà mình nói an cư rồi mới lập nghiệp, nhà tôi giờ đã xuống cấp nhưng không dám đầu tư tu sửa vì không biết sạt lở sẽ ảnh hưởng đến nhà cửa lúc nào. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị khẩn cấp có giải pháp kè bờ sông vì tình trạng sạt lở sắp đe dọa khu dân cư”- ông Hòa nói.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, giai đoạn từ năm 2022 đến nay diễn biến dòng chảy của sông biến đổi, hình thành nên bãi bồi và sạt lở nghiêm trọng. Trong giai đoạn này, vị trí sạt lở phía bờ tả vào sâu khu đất sản xuất hơn 80m so với giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2021, làm mất gần 12,5 ha đất sản xuất dọc theo chiều dài sông gần 2km. Đặc biệt, giai đoạn gần cuối năm 2023 trở lại đây tốc độ sạt lở ngày càng nhanh. Trung bình hàng năm có khoảng 2-3 ha đất sản xuất và đất vườn ven sông dọc hai bờ sông Thu Bồn đã bị dòng lũ cuốn trôi. Dự báo khoảng 40 ha đất nông nghiệp đang có nguy cơ không thể sản xuất (do sạt lở và bồi lấp). Sạt lở đe dọa đến sự an toàn của các công trình hạ tầng, như giao thông, điện… Dọc sông có khoảng 2km đường giao thông và 3km đường điện trung và hạ thế đã và đang chịu tác động trực tiếp từ việc xói lở bờ sông.

Sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước.

“Tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, mưa lũ với cường độ lớn và thời gian kéo dài đã khiến dòng chảy trong sông thay đổi bất thường. Mặt khác, sự tác động ngày càng nhiều các yếu tố mặt đệm của lưu vực (các công trình hạ tầng trong lưu vực sông đã và đang xây dựng, hoạt động sản xuất, khai thác cát đầu nguồn, một số đoạn bờ sông hình thành bãi bồi ...) là những nguyên nhân chủ yếu làm thay đổi tình hình dòng chảy trong sông ngày càng thiên về hướng bất lợi cho sự ổn định lòng sông”- bà Nguyễn Thị Minh Châu nhìn nhận.

Trước thực trạng trên, mới đây lãnh đạo thị xã Điện Bàn đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam cùng các ngành chức năng đề nghị các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3. Theo UBND thị xã Điện Bàn, qua phân tích các tính toán về dòng chảy và lòng sông, nhận thấy giải pháp chung là nạo vét chỉnh dòng chảy đoạn bãi bồi bờ hữu; xây dựng công trình kè bảo vệ bờ tả. Đồng thời khuyến khích người dân trồng cây dọc 2 bờ sông nhằm ổn định đường bờ và giảm vận tốc dòng chảy tác động vào khu dân cư.

“Công trình kè sẽ giúp nhân dân ổn định sản xuất, yên tâm trong mùa mưa lũ. Xét về lâu dài, công trình không ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ của sông Thu Bồn, không ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái nước của đoạn sông hạ lưu. Tuy nhiên, những tác động bất lợi là không thể tránh khỏi, nhưng chủ yếu là các tác động tạm thời và ngắn hạn, xảy ra trong thời gian thi công. Những tác động bất lợi này có thể được giảm thiểu và khắc phục được bằng các biện pháp phù hợp, ít tốn kém về kinh tế. Do vậy, cần nhanh chóng thực hiện dự án để tạo điều kiện phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường bền vững cho khu vực”- lãnh đạo thị xã Điện Bàn đề nghị

Trần Tân

Kiểm tra, rà soát tình trạng đổ thải tại công trình Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô

Sông Pô Kô đoạn chảy qua thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) bị hàng nghìn m3 đất đá đổ thải, lấp dòng sông, làm biến dạng dòng chảy, gây nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho người dân sống dọc hai bờ sông khi mùa mưa lũ chuẩn bị tới.

Thừa Thiên - Huế: Chuyển mục đích sử dụng rừng cho dự án “làm trước, xin phép sau”

Ngày 17-6, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII đã tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 18 để xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng hơn 126 ha rừng sang mục đích khác để thực hiện 16 dự án.

Quảng Nam đầu tư hơn 120 tỷ đồng xây dựng 2 tuyến kè sông

Ngày 7-3, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 496 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc).