Báo Công An Đà Nẵng

Khẩn trương di dời, bố trí tái định cư cho người dân vùng sạt lở

Thứ bảy, 23/12/2017 17:00

Chưa khi nào tình trạng sạt lở núi ở một số huyện miền núi của Quảng Nam xảy ra nghiêm trọng, gây nên những thảm họa đau lòng như trong những tháng cuối năm 2017. Từ thực tế trên, việc di dời, bố trí tái định cư cho người dân khu vực bị ảnh hưởng được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tiếp tục xem là nhiệm vụ trong tâm trong những năm đến. Điều đáng nói, trong khi những huyện miền núi khác đang loay hoay với thực trạng trên thì tại H. Tây Giang, công tác quy hoạch, di dời, bố trí tái định cư đã được thực hiện bài bản trong gần chục năm qua.

Những ngôi làng khang trang ở H. Tây Giang sau khi được sắp xếp, di dời.

Khẩn trương di dời dân

Nhằm chủ động đối phó với tình trạng sạt lở ở miền núi, Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về việc quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư tập trung, hạn chế rủi ro cho người dân... Tuy nhiên, với việc hầu hết nhiều ngọn đồi đã có dấu hiệu sạt lở nên việc bố trí khu tái định cư cho người dân là một bài toán khó. Bên cạnh đó, việc bố trí một khu dân cư tập trung với hàng chục, hàng trăm hộ dân không phải là chuyện đơn giản. Bởi ngoài yếu tố bên ngoài tác động thì tâm lý của người dân vùng cao muốn sống cuộc sống tự do giữa núi rừng đã thành thói quen bao đời nay. Do vậy việc vận động, di dời họ đến nơi ở mới để tránh rủi ro là điều rất khó.

Sau những trận lở núi kinh hoàng ở 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My xảy ra đầu tháng 11-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã lập tức có mặt tại các địa phương này để kiểm tra, khảo sát tình hình. Với những hậu quả phải chứng kiến, ông Thu đã chỉ đạo địa phương phải lập tức di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở, ưu tiên hàng đầu cho công tác sắp xếp lại dân cư. Và điều quan trọng nhất là phải bố trí tái định cư sao cho phù hợp, sớm để người dân ổn định được cuộc sống.

Ông Thu nhận định: Đợt mưa lũ vừa qua đã cho chúng ta thấy được tinh thần của Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy là rất hợp lý khi đã yêu cầu tổ chức sắp xếp lại khu dân cư ở các huyện miền núi. Tất nhiên, tinh thần là thế nhưng không làm ngay được. Nhưng giờ, khi xảy ra sự cố như vừa qua, thì yêu cầu chính quyền địa phương phải chú trọng và ưu tiên hàng đầu cho công tác này. Phải làm sao di dời 100% người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, rồi từ đó nghiên cứu địa hình để bố trí lại khu tái định cư mới cho người dân an toàn hơn.

"Nếu chúng ta trù trừ, thì thảm họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, cần phải nhanh chóng khảo sát, phân lô cụ thể và quan trọng nhất là phải có được sự đồng thuận của người dân trong việc di dời. Bởi không đơn giản để thay đổi không gian sống, phong tục tập quán của người dân, nên công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành song song. Ở đồng bằng, tổ chức tái định cư cho cả trăm hộ đã khó, huống gì ở miền núi. Nhưng vẫn phải kiên quyết thực hiện cho được. Cốt yếu là phải đảm bảo an toàn, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài..."- ông Thu nhấn mạnh.

Để nắm tình hình người dân nơi có nguy cơ bị sạt lở, sáng 22-12, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Đinh Văn Thu dẫn đầu tiếp tục có chuyến kiểm tra, khảo sát tại H. Tiên Phước. Theo báo cáo của H. Tiên Phước, đợt lũ vừa qua toàn huyện có 22 nhà bị hư hỏng,  1.395 nhà bị ngập lụt phải di dời sơ tán khẩn cấp; nhiều tài sản, gia súc, gia cầm, vật nuôi bị thiệt hại. Không chỉ nhà dân mà có đến 14 trường học, nhiều thiết bị trường học bị hư hỏng...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Đinh Văn Thu chỉ đạo các ngành chức năng sớm tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, những khu vực bị sạt lở nặng ảnh hưởng đến nhà cửa, bờ sông, ruộng đồng,... cần nhanh chóng có phương án tập trung xử lý. "Cần nhanh chóng tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến những nơi sạt lở núi, ảnh hưởng đến tính mạng, nhà cửa, ruộng đồng của người dân, nhất là cuộc sống người dân vùng sạt lở núi cần phải được sớm ổn định. Dứt khoát không được để người dân sống trong phập phồng lo sợ! Còn đưa họ đi đến đâu phải gắn liền với đất sản xuất để bà con ổn định cuộc sống lâu dài"- ông Thu nhấn mạnh.



Nhà dân ở H. Nam Trà My bị sạt lở thuộc diện phải di dời đến nơi ở mới.

Điểm sáng Tây Giang

Những địa phương khác đang khó khăn khi đối mặt với thực trạng trên, thế nhưng tại huyện vùng cao Tây Giang, công tác quy hoạch, bố trí và sắp xếp dân cư tập trung trong việc phòng tránh và giảm thiểu hiểm họa do sạt lở đất được xem là mô hình hiệu quả có thể áp dụng cho các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang cho hay, đến nay địa phương đã triển khai bố trí, sắp xếp 75/95 khu tái định cư tập trung cho đồng bào miền núi. Qua đánh giá, sau gần 10 năm triển khai đã giảm thiểu rất nhiều nguy cơ và thiệt hại do nạn sạt lở đất; đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân tái định cư.

Việc bố trí, di dời, sắp xếp, đưa các hộ dân sống riêng lẻ về sống tập trung ở một nơi đã được quy hoạch là vô cùng khó khăn. Để làm được điều đó, theo lãnh đạo H. Tây Giang chính nhờ làm tốt công tác dân vận, khảo sát địa hình, địa thế để tạo mặt bằng tái định cư, cũng như đánh giá tác động môi trường và mối hiểm họa xung quanh. "Khi triển khai mặt bằng dân cư, ngoài tính toán đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi còn chú trọng đến các yếu tố về đất sản xuất và nước sinh hoạt. Các yếu tố đó phải gắn liền với nhau, trở thành điều kiện lớn nhất giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài. Trước nhu cầu bố trí, sắp xếp dân cư tập trung trên địa bàn huyện, thời gian tới, ngoài việc lồng ghép từ các nguồn vốn phù hợp, chúng tôi sẽ bám sát theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh để tiếp tục triển khai xây dựng 20 mặt bằng dân cư còn lại và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2020" - ông Linh nói.

Ý thức được việc "An cư mới lập nghiệp", khi UBND H. Tây Giang có chủ trương quy hoạch, bố trí và sắp xếp dân cư tập trung, đa phần người dân phấn khởi, đồng thuận. Bởi hơn ai hết, họ thấu hiểu được nỗi khổ cực trước đây, khi mà những ngôi nhà của họ chỉ được dựng đơn sơ, nằm chênh vênh trên khắp các triền đồi, núi cao đầy hiểm trở. Từ khi có chủ trương di dời người dân vào sống tập trung ở mặt bằng đã được quy hoạch, họ không còn nơm nớp lo sợ, đời sống ổn định, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.

TRẦN TÂN