Khẩn trương giải cứu 1.855ha lúa đang “khát nước”
1.855ha lúa “khát nước”
Có mặt tại cánh đồng lúa thôn Ngân Cau và thôn Ngân Giang (P.Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cuối tuần qua, phóng viên ghi nhận, mương dẫn nước từ kênh chính ra đồng ruộng lượng nước rất ít. Khu vực gần mương và địa hình thấp, mực nước trong ruộng lúa chỉ đạt khoảng 1/3, còn những ruộng lúa xa mương trên cao lượng nước hạn chế hoặc bị khô. Thiếu nước, cây lúa bị vàng lá, bị chuột phá hoại trên diện rộng.
Cặm cụi dọn cỏ ruộng lúa, bà Huỳnh Thị Luận (68 tuổi, trú thôn Ngân Cau) than thở: “Vụ Đông – Xuân năm nay gia đình tôi làm 3 sào lúa, đầu tư tiền giống, phân bón, cày bừa và thuốc diệt cỏ hết gần 1,5 triệu đồng. Cả 3 sào ruộng của gia đình nằm ở xa mương nên bị thiếu nước, lúa bắt đầu ngả sang màu vàng úa, ruộng khô nước đã tạo điều kiện cho chuột phá hoại lúa. Cây lúa được gần 3 tháng đang trổ đòng cần nước liên lục trong 20 ngày để tạo hạt, nếu tình trạng thiếu nước kéo dài chắc chắn hạt lúa sẽ bị lép và mất mùa. Năm ngoái, 3 sào ruộng tôi thu hoạch được gần 30 bao lúa. Còn vụ này, tôi chỉ mong thu hoạch được 10 bao lúa để gia đình ăn đủ trong năm, chứ vụ Hè - Thu thiếu nước không làm ruộng được”.
Vụ mùa này, gia đình bà Lê Thị Lụa (55 tuổi, trú thôn Ngân Giang) làm 7 sào ruộng lúa. Hiện tại 4 sào gần mương có nước, còn 3 sào nằm ở vùng cao hơn thiếu nước, lúa đã bắt đầu úa vàng bị chuột cắn hư rất nhiều. Cùng tâm trạng lo lắng, bà Lụa tâm sự: “Năm ngoái, thời điểm này nước nhiều, cây lúa no nước nên cho năng suất cao, còn năm nay nước ít từ đầu vụ. Cách đây nửa tháng, trạm bơm Tứ Câu dẫn nước nhiễm phèn từ sông vào ruộng khiến cả cánh đồng lúa mắc bệnh vàng rực. Sau khi có nước ngọt, người dân tập trung rửa mặn, cứu chữa cây lúa đến hôm nay lúa đang trổ đòng. Mọi năm, thời điểm này địa phương đã đắp đập ngăn mặn, nhưng hiện tại vẫn chưa thấy thi công. Nếu không sớm đắp đập, năng suất lúa vụ này sẽ rất thấp, thậm chí mất trắng”.
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân thiếu nước do tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra mạnh trên sông Vĩnh Điện. Do vậy, Trạm bơm Tứ Câu lấy nước ngọt từ sông Vĩnh Điện cung cấp cho 1.855ha lúa của các xã, phường vùng Đông thị xã Điện Bàn và các khu vực lân cận TP Hội An bị hạn chế.
Ông Đào Văn Thiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, những đợt vừa rồi nước mặn xâm nhập sâu khiến đơn vị không có nước để bơm. Công ty phải chỉ đạo các trạm bơm lách mặn, mỗi khi có nước ngọt thì bơm được một ít. Để phục vụ cho việc sản xuất của người dân, nhân viên tại các trạm bơm phải túc trực đo độ mặn cả ngày lẫn đêm, khi nào có nước ngọt là tranh thủ bơm ngay. Nếu không sớm thi công đập ngăn mặn thì hơn 1.800ha lúa đứng trước nguy cơ thiếu nước, mất mùa.
Khẩn trương đắp đập ngăn mặn
Bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, hằng năm, hạ lưu sông Vĩnh Điện thường bị mặn xâm nhập sâu từ nguồn nước mặn sông Hàn (TP Đà Nẵng) vào. Từ năm 2013 đến nay, UBND thị xã triển khai phương án đắp đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện để ngăn mặn, giữ nước ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp. Đầu năm 2023, nắng nóng khiến mực nước sông xuống thấp, gây khô hạn và nhiễm mặn. Kết quả kiểm tra nồng độ mặn tại cầu Tứ Câu vào ngày 5-2 là 6,2‰, vào ngày 16-2 là 6,5‰ và đến giữa tháng 3 đã lên đến 15‰.
Công trình Đập thời vụ ngăn mặn đã được thống nhất chủ trương xây dựng trên sông Vĩnh Điện cách trạm bơm Tứ Câu về hạ lưu khoảng 350m. Tuy nhiên, từ lúc mở thầu (ngày 16-2) đến nay vẫn chưa có đơn vị nào tham gia đấu thầu. Nguồn cát đắp cho đập khoảng 10.000m3, nhưng hiện tại các mỏ cát trên địa bàn đóng cửa và tạm dừng hoạt động. Trước thực trạng đó, UBND thị xã Điện Bàn đã đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét, cho phép lấy khối lượng cát này tại điểm mỏ ĐB02 tại xã Điện Thọ (thị xã Điện bàn). Nếu công tác đắp đập không sớm thực hiện thì cây trồng đang trong giai đoạn phát triển bị mất mùa, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn, căn cứ hồ sơ thiết kế đập được duyệt thì vật liệu dùng cho công trình chủ yếu cây bạch đàn, tre, quan trọng nhất là cần lượng lớn cát để đắp thân đập. Tuy nhiên, giá cát trên thị trường quá cao so với giá hồ sơ dự toán là 185.000 đồng/m3 nên khi mở thầu thì không có nhà thầu nào tham gia. Khi nào UBND tỉnh tìm được nguồn cát, đơn vị phải xin gia hạn 10 ngày để tổ chức mở đấu thầu lại. Hiện công trình đang rất cấp bách.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh lại cho rằng, kiến nghị của UBND thị xã Điện Bàn là chưa phù hợp với quy định của pháp luật và chủ trương của UBND tỉnh. Bởi Luật Khoáng sản không cho phép việc khai thác khoáng sản ở các mỏ mà không có giấy phép khai thác. Khu vực mỏ ĐB2B đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án đầu tư khai thác khoáng sản, do đó phải thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định và thực hiện các bước thăm dò, phê duyệt trữ lượng cùng các thủ tục liên quan trước khi cấp phép khai thác khoáng sản.
Liên quan đến vụ việc, ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho hay, Sở đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề xuất hai phương án, thứ nhất là chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác các hỗ trợ nguồn cát cho thị xã Điện Bàn kịp thời đắp đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện. Phương án thứ hai là xin phép UBND tỉnh cho sử dụng nguồn cát từ việc khơi thông sông Cổ Cò để đắp đập.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Nam cần sớm thống nhất phương án tìm nguồn cát đắp đập ngăn mặn để giải cứu 1.855ha lúa đang bị thiếu nước, nhằm đảm bảo năng suất lúa vụ Đông - Xuân cho người dân.
Lê Vương