Khẩn trương làm rõ nguyên nhân sự cố Thủy điện Sông Bung 2
(Cadn.com.vn) - Trong sự cố bục cửa van số 2 hầm dẫn dòng đập Thủy điện Sông Bung 2 (TĐSB 2 - H. Nam Giang, Quảng Nam), nhiều cơ quan quản lý cho rằng nguyên nhân do nước lũ chảy về lớn. Tuy nhiên, qua nhìn nhận đánh giá một cách toàn diện, sự cố trên không thể đổ lỗi hết cho “ông trời”. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng nghi ngờ về chất lượng công trình cũng như yếu tố kỹ thuật không đảm bảo trong lúc thi công.
Báo cáo với Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cùng các ngành chức năng tại hiện trường xảy ra vụ việc, ông Ngô Việt Hải - Tổng Giám đốc Cty Phát điện 2 (thuộc EVN), chủ đầu tư TĐSB 2 cho rằng: “Lúc xảy ra sự cố, mực nước trong lòng hồ còn 33m nữa mới đến cao trình mực nước dâng bình thường. Lượng nước chứa trong lòng hồ lúc này khoảng 28 triệu m3, trong khi dung tích hồ chứa của thủy điện gần 100 triệu m3”. Như vậy có thể thấy, lúc xảy ra sự cố, mực nước trong lòng hồ còn tương đối thấp.
Hầm dẫn dòng rất quan trọng đối với các công trình xây dựng đập thủy điện. Trong quá trình thi công công trình thủy điện, chủ đầu tư bao giờ cũng phải xây dựng hầm dẫn dòng nhằm dẫn dòng, đưa nước tránh khu vực xây dựng đập để triển khai thi công. Trước mỗi hầm dẫn dòng bao giờ cũng có cửa van. Khi dự án thủy điện sắp vận hành và tích nước, vai trò của hầm dẫn dòng kết thúc, chủ đầu tư sẽ phải tiến hành triệt đường hầm này để nước không chảy qua được.
Đối với hầm dẫn dòng của TĐSB 2, hầm này có chiều dài 393m, rộng 12m, cao 14m (tương đương dòng chảy của một con sông). Đây được xem là hầm dẫn dòng thủy điện dài nhất nước. Theo các chuyên gia, việc triệt hầm dẫn dòng chỉ được tiến hành trong mùa khô còn trong mùa lũ, cửa van của hầm dẫn dòng phải luôn mở để cho nước lũ chảy qua. Trong sự cố vừa qua, do cửa van đóng, nước lũ tạo ra sức ép làm vỡ cửa van gây ra sự cố.
Hầm dẫn dòng phía hạ lưu, khu vực xảy ra sự cố. |
Nước trong lòng hồ chảy qua hầm dẫn dòng. |
Trả lời báo chí, chuyên gia Hoàng Xuân Hồng - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ (Hội Đập lớn Việt Nam) nhìn nhận: “Về nguyên tắc, công trình thủy điện khi đang trong quá trình thi công là không được tích nước. Sau khi hoàn thành các hạng mục theo đúng thiết kế, hội đồng nghiệm thu sẽ đánh giá, thẩm định, đảm bảo an toàn thì nhà máy thủy điện mới được phép tích nước ở lòng hồ. Việc chủ đầu tư dự án TĐSB 2 đóng cửa van hầm dẫn dòng thi công trong mùa lũ là một sự bất thường, không được phép trong nguyên tắc kỹ thuật. Về mặt kỹ thuật lẫn kinh nghiệm làm đập thủy điện, không ai dám đóng cửa ống dẫn dòng vào mùa này”.
Trong khi đó, ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng thời là một chuyên gia thủy lợi nhận định: Trận mưa lũ do bão số 4 vừa qua là không lớn, không bất thường. Bằng chứng là mực nước ở các sông đều ở dưới mức báo động I. Vì vậy, việc cho rằng do mưa lớn dẫn đến vỡ cửa van số 2 hầm dẫn dòng thi công là không ổn.
Ông Lê Trí Tập cho rằng, cần phải có thời gian kiểm tra, rà soát quy trình tất cả các khâu từ thiết kế, thi công, chứ không thể đổ lỗi cho nguyên nhân thời tiết: “Đúng là có vấn đề rồi. Theo tôi đừng kết luận vội là do thiên tai bão lũ. Thực tế anh đóng van lại để tích nước thì cái van đó phải chịu lực được. Nhưng nước mới lên có chút xíu đã vỡ van thì phải xem lại, phải kiểm tra đến nơi đến chốn thử cái gốc nó ở đâu” - ông Tập nói.
Nói về sự cố trên, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân do thiên tai, nước lũ lớn đó là đánh giá ban đầu, còn nguyên nhân cụ thể ra sao thì phải do Hội đồng nghiệm thu Nhà nước vào kiểm tra, đánh giá và có kết luận cuối cùng.
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích. |
Được biết, trước đó ngày 23-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn đã có Thông báo số 4036/UBND-KTN gửi các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương liên quan về việc thống nhất chủ trương cho phép tích nước hồ chứa TĐSB 2.
Nói về trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong sự cố vừa qua, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng cần phải chờ kết quả điều tra. “Sau này sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân sau khi có kết quả điều tra” - ông Thành nói. Bên cạnh đó, ông Thành cũng xác nhận đã yêu cầu Tổng Cty Phát điện 2 (chủ đầu tư dự án TĐSB 2) làm thủ tục bổ nhiệm Giám đốc BQL Dự án TĐSB 2. Theo ông Thành, hơn 1 năm nay, ông Vương Thành Chung được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc phụ trách BQL Dự án TĐSB 2. Tuy nhiên, sau sự cố trôi van hầm dẫn dòng cần có một giám đốc để kiện toàn bộ máy nhân sự và phục vụ công tác điều tra nguyên nhân sự cố. Hiện tại, ông Chung sẽ không được tiếp tục điều hành dự án nữa.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Trần Tân