Khẩn trương mở rộng KCN Hòa Cầm
Làm việc với Đoàn giám sát HĐND TP Đà Nẵng hôm qua 4-4, Chủ đầu tư KCN Hòa Cầm cho biết, nhu cầu mặt bằng sản xuất của nhà đầu tư hiện rất lớn song tiến độ giải phóng mặt bằng ở KCN này lại ì ạch.
Đoàn giám sát HĐND TP làm việc với chủ đầu tư KCN Hòa Cầm. |
Bức bách về mặt bằng
Ông Đinh Duy Chính - Giám đốc Cty CP đầu tư KCN Hòa Cầm cho biết, tổng diện tích đất công nghiệp ở KCN Hòa Cầm là 107 ha, trong đó đất công nghiệp chưa có hạ tầng còn hơn 13 ha do vướng đền bù giải tỏa (ĐBGT). Hiện tại có 73 dự án đầu tư vào KCN này trên diện tích thuê hơn 93 ha (tỷ lệ lấp đầy 87%). Ông Chính nói, hiện nay nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư trong và ngoài nước rất lớn. Trong đó có nhiều DN đã đầu tư tại KCN An Đồn, do kế hoạch chuyển đổi thành khu đô thị, nên đã liên hệ, tìm thuê đất tại KCN Hòa Cầm để sản xuất. Tuy vậy, quỹ đất còn lại của KCN Hòa Cầm chỉ khoảng 12 ha, còn lại hơn 13 ha lại đang vướng ĐBGT. Trước thực trạng đó, ông Chính đề xuất TP cần đẩy nhanh tiến độ ĐBGT 13 ha còn lại, đồng thời sớm hoàn tất thủ tục, mặt bằng để triển khai KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 rộng 119 ha.
Ông Lê Minh Trung - Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói, không chỉ KCN Hòa Cầm mà ngay cả KCN Liên Chiểu, dù đã triển khai xây dựng từ rất lâu nhưng đến nay vẫn còn vướng về ĐBGT khiến diện tích đất công nghiệp trong qui hoạch chưa thể xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Hệ lụy vấn đề này tạo tình trạng “da beo” trong các KCN, chưa kể chậm ĐBGT sẽ đội chi phí, trượt giá, lãng phí quỹ đất cũng như hiệu quả đầu tư. Ông Chính giải thích thêm, việc chậm giải tỏa này xuất phát từ kiến nghị của các hộ dân nhiều lần, cứ kiến nghị được vấn đề này lại đến vấn đề khác. Chưa kể, trước đây TP qui hoạch khu tái định cư 12 ha ở nơi khác nhưng người dân không chịu, muốn TĐC tại chỗ, việc này cứ nhùng nhằng kéo dài. Mà khi kéo dài, chi phí đền bù tăng lên do trượt giá. Đơn cử như Cụm công nghiệp Cẩm Lệ xây bên cạnh, áp mức giá đền bù hiện nay khá cao, còn các hộ giải tỏa KCN Hòa Cầm áp mức giá thời điểm từ năm 2004, qua thời gian có điều chỉnh tăng theo khung hệ nhất định, tuy vậy không thể cao bằng hiện nay, vì thế người dân so sánh thấy chênh lệch khiến công tác giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Cũng theo ông Chính, chi phí ĐBGT do Cty bỏ ra chứ không phải TP, vì thế Cty luôn chuẩn bị sẵn nguồn vốn, cùng với địa phương sẵn sàng chi trả miễn sao sớm có mặt bằng triển khai hạ tầng phục vụ nhà đầu tư.
Đại diện Hội đồng giải phóng mặt bằng Q.Cẩm Lệ cho biết, liên quan tới dự án KCN Hòa Cầm hiện còn vướng 33 hồ sơ chưa giải tỏa, trong đó 8 hồ sơ nhà đất vượt thẩm quyền của quận, đã kiến nghị lên TP. Phần lớn các hồ sơ còn vướng là nhà đất người dân nằm sau quốc lộ 14 B. Người dân kiến nghị về mức giá đền bù thấp, chênh lệch nhiều với thực tế do quá trình ĐBGT kéo dài. Theo kế hoạch trước ngày 30-6-2019, công tác ĐBGT sẽ được giải quyết dứt điểm để đầu tư, hoàn thiện 100% hạ tầng KCN Hòa Cầm.
Với KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, ông Lê Minh Trung cho biết HĐND TP đã phê duyệt chủ trương thu hồi đất năm 2019. Thủ tục để có thể xây dựng một KCN theo ông Trung phải mất 3 năm, nếu tất cả các công đoạn đều suôn sẻ. Ông Chính thì cho rằng, để đẩy nhanh thực hiện KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 hiệu quả TP cần cho cơ chế thuận lợi và linh động hơn. Thay vì phải giải tỏa hết mới cho xây dựng cơ sở hạ tầng thì TP mở cơ chế giải tỏa đến đâu cho xây dựng hạ tầng đến đó để có thể triển khai cho nhà đầu tư thuê đất ngay. Chẳng hạn giải tỏa được 10ha sẽ cho phát triển hạ tầng ngay 10ha. Chỉ có cách này mới nhanh chóng có mặt bằng phục vụ nhà đầu tư, đặc biệt trong năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019.
Một góc KCN Hòa Cầm. |
Xem lại Hiệu quả Doanh nghiệp FDI
Trưởng Ban Đô thị HĐND Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành Tiến nêu quan điểm nên xem lại hiệu quả hoạt động của các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại KCN Hòa Cầm. Bởi lẽ, ông Tiến phân tích: 6 DN FDI chiếm hơn 70% đất KCN nhưng chỉ đóng góp cho ngân sách TP hơn 5%. Ngược lại 67 DN trong nước sử dụng diện tích đất chưa tới 30% nhưng lại nộp ngân sách tới gần 95%. Ngoài ra, cũng theo ông Tiến, KCN Hòa Cầm nằm ở trên cao, đầu nguồn nước, vì thế vấn đề kiểm soát môi trường phải cực kỳ nghiêm ngặt. Đơn cử việc nguồn nước thải sau khi xử lý từ KCN ra sông cách nhà máy nước Cầu Đỏ 500m chưa thực sự an tâm.
Ông Cao Xuân Thắng - Bí thư Q.Sơn Trà, thành viên Đoàn Giám sát đặt vấn đề, TP mong thu hút DN sạch, công nghệ cao, trong khi Cty CP đầu tư KCN Hòa Cầm chỉ là đơn vị cho thuê mặt bằng, DN nào cũng phải trả tiền thuê mặt bằng như nhau, không cần quan tâm đến công nghệ, giá trị gia tăng, như vậy có mâu thuẫn không?
Giải thích vì sao DN chiếm diện tích đất lớn nhưng đóng góp ngân sách ít, ông Chính nói, trong KCN Hòa Cầm có DN logistics cho thuê kho bãi, ít sản xuất, đóng góp ngân sách không nhiều. Ngoài ra còn các DN chế xuất, chủ yếu giải quyết lao động, đóng góp ngân sách ít. Theo ông Chính, năm 2008 khi Cty tiếp quản dự án có quan điểm ưu tiên DN sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên từ năm 2012 thì thay đổi chủ trương, tập trung những DN sử dụng công nghệ tiên tiến, ít lao động.
Ông Chính nói, trong tổng số 11 ngàn lao động làm việc tại KCN thì khoảng 5 ngàn lao động ngoại tỉnh. 2 DN FDI của Nhật sử dụng nhiều lao động nhất, nhưng chủ yếu là nữ học xong lớp 9. Họ tuyển dụng các em rồi cho đi đào tạo lại trước khi về làm việc. Hiện nay DN rất lo vấn đề lao động, vì nếu dự án dùng nhiều lao động, việc tuyển dụng rất khó khăn. Về vấn đề môi trường, ông Chính nói đơn vị rất quan tâm, có qui trình nghiêm ngặt. Bởi lẽ mỗi lần xảy ra sự cố, áp lực xử lý rất lớn, chưa kể tới uy tín của đơn vị. Chẳng hạn như hôm 20-3 vừa rồi, 1 DN xả thải theo đường ống nước mưa, dẫn tới người dân phát hiện màu đỏ đục, Cty đã phải vào cuộc, xử lý rất vất vả, tốn kém.
HẢI QUỲNH