Báo Công An Đà Nẵng

Khẩn trương phát triển hạ tầng công nghiệp

Thứ sáu, 16/07/2021 14:43

Sản xuất công nghiệp ít bị tác động bởi dịch bệnh hơn so với ngành dịch vụ, vì vậy cần đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo tăng trưởng bền vững cho kinh tế TP.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng công nghiệp.

Dù bị tác động của dịch bệnh song từ đầu năm đến nay hoạt động sản xuất công nghiệp của TP vẫn tăng trưởng khá 3,8%. Đã 2 lần dịch Covid-19 lan vào các khu công nghiệp (KCN), tuy vậy do khoanh vùng trong không gian hẹp cùng với giải pháp quyết liệt dập dịch, môi trường sản xuất công nghiệp nhanh chóng ổn định. Tại các KCN trên địa bàn, toàn bộ công nhân đã được xét nghiệm, các đơn vị sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt qui định phòng dịch, từ sát khuẩn, đo thân nhiệt, chia ca làm để giãn cách, phòng ăn có vách ngăn…Thậm chí, một số doanh nghiệp (DN) lớn còn cho lao động ăn ở tại nhà máy để tiện sản xuất, phòng dịch. Ông Võ Văn Phước, đại diện nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC tại Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng cho biết, ngoài việc thực hiện các qui định phòng chống dịch, cho nhân viên hành chính làm việc tại nhà, chia ca làm thì DN còn bố trí chỗ ở cho lao động ngay tại nhà máy. Họ sẽ ăn, ở, làm việc trong nhà máy để duy trì hoạt động sản xuất và chống dịch. Nhờ đó, hoạt động sản xuất của nhà máy không bị gián đoạn, đảm bảo đáp ứng các đơn hàng cho đối tác.

Khi dịch bệnh quay lại, diễn biến phức tạp mà chưa biết điểm dừng, để duy trì hoạt động kinh tế không bị gián đoạn, đứt gãy thì hoạt động sản xuất công nghiệp có vai trò quan trọng. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động. TP cũng tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Mới nhất, TP đã ban hành nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Đây là lĩnh vực công nghiệp nền tảng, bệ đỡ của nền công nghiệp. Tuy vậy, ở Đà Nẵng hiện mới có khoảng 110 DN CNHT (chiếm 6,3%) và TP đặt mục tiêu lên 150 DN vào năm 2025, trong đó 10% DN trong nước đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các DN sản xuất, lắp ráp hoàn chỉnh. Để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng đã trình và được Thủ tướng đồng ý cho thành lập Khu CNHT rộng hơn 58ha (đây là khu CNHT đầu tiên của TP). Hiện nay hạ tầng của khu CNHT đã hoàn thành đường số 5 và số 9 nối dài, đường số 15 nối dài đạt 60% khối lượng, hạng mục san nền toàn khu đạt hơn 90% khối lượng, phần còn lại đang vướng mặt bằng.

Đà Nẵng cần sớm tăng qui mô công nghiệp trong cơ cấu kinh tế TP để phát triển bền vững. 

Bên cạnh việc gỡ khó để DN duy trì hoạt động sản xuất công nghiệp thì việc đầu tư phát triển hạ tầng, tạo mặt bằng cho nhà đầu tư cũng được TP đẩy mạnh. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc đầu tư cho công nghiệp theo định hướng chọn lọc của TP càng có vai trò quan trọng với kinh tế TP. Mà muốn thực hiện tốt mục tiêu đó, tiến độ xây dựng hạ tầng công nghiệp phải đẩy nhanh hơn nữa. Hiện nay ngoài hạ tầng Khu CNC đúng tiến độ thì nhiều cụm, KCN mới tốc độ triển khai rất chậm. Khu CNC Đà Nẵng tổng vốn hơn 8,8 ngàn tỷ đồng hiện đã thực hiện hơn 3,1 ngàn tỷ đồng (hơn 35%). Trong đó, giai đoạn 1 và 2 của Khu CNC đã hoàn thành thu hút hơn 24 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 545 triệu USD. Giai đoạn 3 đang thi công hạ tầng kỹ thuật với các hạng mục thiết yếu (đường số 19, 22, san nền giai đoạn 3, cầu C19B và cầu C22) đạt khoảng 99% khối lượng, phần khối lượng còn lại đang vướng 2 hồ sơ chưa GPMB. Cụm công nghiệp (CCN) Cẩm Lệ rộng hơn 29 ha, tổng vốn hơn 254 tỷ đồng hiện giai đoạn 1 đã hoàn thành 90% khối lượng, giai đoạn 2 đang thi công san nền đạt khoảng 10%, chậm tiến độ so với yêu cầu. Ngoài ra, mục tiêu xây dựng 3 KCN mới của Đà Nẵng gồm KCN Hòa Nhơn 360ha tổng vốn 6855 tỷ đồng, Hòa Ninh 400ha tổng vốn 6800 tỷ đồng, Hòa Cầm (giai đoạn 2) 120ha tổng vốn 2236 tỷ đồng nhiều năm qua vẫn loay hoay ở thủ tục, chưa thể triển khai. Các cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc tổng diện tích trên 83ha cũng đang vướng trong khâu giải phóng mặt bằng, chưa thể khởi công xây dựng. Cụ thể, CCN Hòa Nhơn hiện đã bàn giao mặt bằng 223/298 hồ sơ, CCN Hòa Khánh Nam (đang ban hành thông báo thu hồi đất đợt 1 với 223 hồ sơ), CCN Hòa Hiệp Bắc (đã áp giá xong 111 hồ sơ).

Đà Nẵng hiện có 6 KCN, 1 Khu CNC thu hút 499 dự án, tổng vốn hơn 26,6 ngàn tỷ đồng và hơn 1,7 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 75 ngàn lao động. Trong cơ cấu kinh tế TP, công nghiệp chỉ chiếm khoảng 20%. Để phát triển cân bằng, tận dụng ưu thế trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, lĩnh vực dịch vụ bị tổn thương nặng nề thì việc hỗ trợ DN duy trì sản xuất, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghiệp có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế bền vững của TP. Hạ tầng công nghiệp được triển khai nhanh, TP sẽ có 10 KCN tổng diện tích hơn 2,2 ngàn ha (gấp đôi hiện tại) và công nghiệp sẽ tăng qui mô trong cơ cấu kinh tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững.

HẢI QUỲNH