Khẩn trương phục hồi, phát huy giá trị Di tích Phật viện Đồng Dương
Theo tài liệu, Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II xây dựng vào năm 875 để thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra - Lokesvara. Đây là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Chămpa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Thế nhưng hiện nay, Di tích Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại duy nhất Tháp Sáng và đang xuống cấp nghiêm trọng, được chống đỡ bằng cách quây sắt chằng chịt.
Theo lãnh đạo xã Bình Định Bắc, chính quyền địa phương chỉ có vai trò quản lý về mặt hiện trạng và tuyên truyền người dân không xâm hại di tích quốc gia này. Về tình trạng di tích xuống cấp, lãnh đạo xã cho biết, thời gian qua, địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp bảo vệ khẩn cấp phần kiến trúc còn sót lại, đặc biệt là Tháp Sáng.
Trước thực trạng trên, ngày 22-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 8139 đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị Tháp Sáng thuộc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Phật viện Đồng Dương là một khu di tích đặc biệt quan trọng trong lịch sử mỹ thuật, văn hóa và tôn giáo Chămpa, là khu di tích có quy mô và giá trị to lớn nhưng trải qua thời gian, biến động thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên, chiến tranh và con người nên khu di tích Phật viện Đồng Dương ngày nay đã trở thành phế tích.
Phần còn lại của phế tích Tháp Sáng, theo dự đoán là mảng tường thuộc mặt Tây của tháp, hiện đang được chống đỡ bằng hệ thống dàn chống, được dựng lên bằng thép ống với mục đích gia cố, chống đỡ khẩn cấp vào năm 2012. Phía mặt Bắc là bộ khung cửa bằng đá sa thạch cũng được dựng lại tại vị trí gốc. Còn lại chỉ là những đống gạch đổ nát, những tấm bia đá lớn cùng nhiều hiện vật khác nay vẫn đang bị vùi lấp dưới lớp cây cỏ dày đặc trùm lấp, bao phủ toàn bộ khu vực di tích…
"Di tích Tháp Sáng đã chứng minh được các giá trị đặc biệt về lịch sử văn hoá, do đó việc đầu tư gia cố, bảo quản các cấu trúc thể xây, phục hồi định hình cơ bản nhằm đưa các thành phần cấu trúc hiện còn của Tháp Sáng về trạng thái ổn định, đảm bảo sự bền vững và khả năng tồn tại lâu dài; loại trừ tối đa các tác nhân phá hoại cấu trúc và vật liệu cấu thành di tích, ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của di tích; bổ sung dữ liệu, số liệu về di tích làm cơ sở xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Đồng thời, cũng tạo tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch của địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung"- UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá.
Theo đó, dự án sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng; khai quật, nghiên cứu khảo cổ khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 500m2. Đồng thời thực hiện các can thiệp bảo tồn khu vực quanh chân tháp với diện tích khoảng 225m2, bao gồm các công việc: Tu bổ chống sạt đổ khối xây thân tháp cổng hiện trạng; tu bổ phục hồi phần móng quanh tháp, phục hồi bậc cấp cửa chính; tu bổ phục hồi hai cửa bên, phục hồi bậc cấp bên; tháo dỡ dàn sắt chống đỡ hiện trạng; chống mối công trình; bảo quản gia cố bề mặt gạch; xử lý cây dại xâm thực trên tường gạch gốc… với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện 2023-2025.
Trần Tân