Khánh Sơn vào “vụ” Tết
(Cadn.com.vn) - Đã vào mùa mưa, mùa gian nan nhất của những người nhặt rác ở bãi rác lớn nhất Đà Nẵng: Khánh Sơn. Ấy nhưng, từ lưng chừng đến đỉnh những ngọn núi rác, đâu đâu cũng thấy bóng dáng người lao động. Bởi với họ, đã vào “vụ” lo Tết.
Những ngày đầu tháng 11, khi những cơn mưa đông rả rích đêm ngày cũng là lúc bãi rác Khánh Sơn lầy lội, nhầy nhụa nhất. Mỗi ngày bãi rác có hơn 100 lượt xe ra vào mang theo rác thải tập kết từ khắp nơi trên địa bàn TP. Mùi ngai ngái của hóa chất cộng với mùi rác đang phân hủy khiến cho ai không quen dễ cảm thấy chóng mặt, nhức đầu. Thế nhưng dường như đã quen với công việc chẳng ai có ý định than thở mà chỉ cần mẫn, chú tâm vào những “vựa” rác mới được đổ. Thi thoảng lại có tiếng ồ lên thích thú khi ai đó tìm được một vật có giá trị.
Ngồi trong căn lều nhỏ lợp bằng bạt, ông Hồ Sáu (64) tuổi mừng rỡ khi tìm được một chiếc ghế cũ bị hỏng: “Cái ni chỉ cần đóng lại tí là sử dụng được ngay. Họ nhác đóng lại nên bỏ đi đó thôi”. Nói đoạn ông xoay xoay chiếc ghế xem xét kỹ càng ra chiều thích thú lắm. Xung quanh đó mọi người cũng bắt đầu về lán của mình nghỉ ngơi, xem xét những gì gom được. Nhìn ai cũng lấm lem do phải sục sạo trong những đống rác cao ngút.
Núi rác cao ngút là nơi mưu sinh của rất nhiều người. |
Trung bình mỗi ngày tại bãi rác Khánh Sơn có chừng 200 người làm việc, đa phần đều là những người dân khu vực xung quanh đã lớn tuổi không có việc làm. Mỗi ngày bất kể nắng mưa đều phải tập trung ra bãi rác thật sớm để đón đợt rác đầu tiên, nếu đến trễ thì những thứ sử dụng được sẽ bị nhặt sạch. Không chỉ thu gom, tìm kiếm chai nhựa, bao nilon mà những người dân còn “lập làng” sinh sống ngay trên bãi rác. Trên đỉnh cao nhất của bãi rác là những ngôi lều được lót bằng giấy bạt, bên cạnh đó là những bao tải đựng rác đã được thu gom. Cả bãi rác có 3 quán ăn nhỏ vừa là chỗ nghỉ ngơi vừa là nơi “tái nạp năng lượng” cho người dân. Nhìn chiếc sạp nhỏ đựng vài chiếc bánh ngọt, nải chuối, vài chai nước ngọt ruồi bu kín được đậy sơ sài bằng bao nilon nước mưa đọng từng giọt mà tôi rùng mình.
Thấy tôi ái ngại, một phụ nữ trung niên cười tươi: “Bãi rác thì phải có ruồi, mà thức ăn cho người là sơn hào hải vị với nó rồi nên nó bu lại là phải, có chi đâu mà sợ”. “Thế không sợ bị bệnh hả chị?”. “Ăn miết mấy thứ này rồi bụng dạ cũng quen. Nhiều người sống môi trường trong lành vẫn bị ung thư đó thôi. Tụi tui sống nhờ thứ người ta bỏ đi có làm hại chi ai nên không phải sợ”. Làm việc ở bãi rác ngoài vấn đề ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe còn vô vàn những mối nguy hiểm khác rình rập. Theo chị Hồ Thị Ly thì việc gặp phải kim tiêm hay mảnh chai là thường xuyên: “Làm việc với rác thì phải chịu bẩn, chịu cực chứ chảy máu là chuyện thường ngày. Những ngày mưa như thế này đất nhão ra quyện với rác nên rất khó nhận biết. Tôi đã làm việc ở đây 3 năm mà đã hai lần đi chích ngừa uốn ván. Biết vậy đó nhưng phải trang bị đồ bảo hộ bảo vệ bản thân cho mình thôi”.
Những bữa cơm tại Khánh Sơn. |
Hơn 3 năm qua, nhờ có được sự đầu tư mày mò nghiên cứu mà bãi rác Khánh Sơn đã giảm đi một lượng ruồi đáng kể. Mùi hôi cũng ít dần, chỉ trong khu vực đổ rác mới nặng mùi. Đang trong thời kỳ mùa mưa, thời tiết ẩm cũng là mùa sinh đẻ của ruồi nên các cán bộ tại bãi rác Khánh Sơn mày mò thêm nhiều phương pháp để bảo đảm tính cân bằng cho môi trường. Nắm được tập tục sinh nở của ruồi kết hợp với thay đổi cách phun thuốc ngay khi chúng còn là ấu trùng đã giúp bãi rác giảm hơn 50% lượng ruồi.
Ông Hà Văn Thái, Giám đốc Xí nghiệp xử lý bãi và xử lý chất thải Đà Nẵng quan ngại: “Hiện nay công nghệ xử lý mùi hôi, ruồi muỗi đã có nhiều cải tiến tuy nhiên không thể nói nó không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nơi họ làm việc lại là trung tâm bãi rác, nơi rác đang phân hủy mạnh, nhất là những ngày mưa như thế này nước rỉ rác chảy ra càng làm tăng ô nhiễm. Về những người dân lao động đang làm việc ở đây chúng tôi không thể cấm bởi vì đó là kế sinh nhai của họ. Vả lại việc làm của họ còn giúp phân loại một lượng lớn rác thải. Tuy nhiên về lâu về dài để đảm bảo vệ sinh môi trường chúng tôi cũng mong muốn sẽ có dây chuyền tự phân loại rác, có bạt che để giảm đi lượng nước rỉ rác. Hiện nay để xử lý rác vẫn dùng phương pháp lấp đất là chủ yếu”.
Mùa mưa là khoảng thời gían vất vả nhất với người nhặt rác. |
Rời bãi rác Khánh Sơn, nhìn từ xa những bóng người vẫn lom khom trên núi rác, cặm cụi nhặt nhạnh những thứ còn sót lại trong cơn mưa tầm tã. Chợt nhớ câu nói của một chị trung niên với ông Sáu: “Mấy bữa ni nghe người nằng nặng mà chưa thể đi khám. Sắp Tết rồi, sợ khám ra bệnh phải nghỉ làm thì lấy đâu ra đồ Tết?”. Ông Sáu thở dài, quay sang giải thích với chúng tôi: “Nó lo là phải. Cận Tết, đa số người dân dọn dẹp, tân trang nhà cửa “thanh lý” đồ đạc... thì đó cũng là dịp làng rác chúng tôi có thêm cơ hội tăng thu nhập. Nghỉ những ngày này, có khác chi từ chối cái lộc mỗi năm chỉ có một mùa?”.
Hà Dung