Báo Công An Đà Nẵng

Khánh thành cầu vượt biển dài nhất thế giới: “Voi Trắng” trên sông

Thứ tư, 24/10/2018 13:50

Sau vài tháng trì hoãn, ngày 23-10, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối liền Hồng Kông, Macau và thành phố Chu Hải của Trung Quốc đã chính thức khánh thành.

Tôi tuyên bố cây cầu Hồng Kông - Macau - Chu Hải chính thức mở cửa”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khánh thành trước sự hoan nghênh của hàng trăm khách mời tham dự, trong đó có Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và lãnh đạo Macau Thôi Thế An.

Với chiều dài 55km, cầu vượt biển Hồng Kông - Macau - Chu Hải đã phá kỷ lục trước đó của cây cầu vượt biển tại Thanh Đảo dài 42km được khánh thành vào tháng 1-2011. Được xây dựng có thể chịu được trận động đất mạnh 8 độ Richter, các cơn bão siêu lớn và sự va chạm của các tàu chở hàng cỡ lớn, cây cầu sử dụng 400.000 tấn thép - gấp 4,5 lần Cầu Cổng Vàng ở San Francisco (Mỹ). Trong tổng chiều dài 55km có một đoạn dài 6,7 km là chạy ngầm dưới biển nhằm để tàu thuyền qua lại khu vực không bị ảnh hưởng. Đường hầm này chạy giữa hai đảo nhân tạo, mỗi hòn đảo rộng 100.000m2 và nằm trong vùng nước tương đối nông. Một ngã tư rộng lớn ngay bên ngoài Macau chia cây cầu thành hình chữ Y, một nhánh nối tới Macau và nhánh kia tới Trung Quốc đại lục.

Dự tính cây cầu sẽ phục vụ hơn 9.000 lượt phương tiện mỗi ngày và sử dụng trong 120 năm.

Cây cầu dài 55km nối Hồng Kông - Macau - Chu Hải. Ảnh: CNN

Kết nối giao thông lớn hơn

Dự án trị giá 20 tỷ USD này kết nối Trung Quốc đại lục với Hồng Kông và Macau, được xây dựng trong gần 9 năm. Cây cầu là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển của Trung Quốc đối với khu vực vịnh Greater rộng 56.500 km2 ở miền nam Trung Quốc, bao gồm 11 thành phố, trong đó có Hồng Kông và Macau.

Cây cầu là một trong những biểu tượng dễ thấy nhất của dự án vịnh Greater của Trung Quốc nhằm mô phỏng vịnh San Francisco ở Mỹ và kết nối Hồng Kông, Macau, Quảng Châu và các thành phố khác trong vùng đồng bằng sông Châu Giang thành một khu vực đô thị và một trung tâm thương mại tích hợp với 67 triệu dân. Những người ủng hộ cho biết, cây cầu sẽ cắt giảm đáng kể thời gian đi lại giữa các thành phố, cho phép hành khách dễ dàng di chuyển quanh khu vực. “Với cây cầu, thời gian đi lại sẽ được rút ngắn đáng kể, thư ký vận tải của thành phố, Frank Chan, cho biết.

Tuy nhiên, chủ sở hữu xe tư nhân ở Hồng Kông muốn vượt qua cầu phải có giấy phép đặc biệt. Hầu hết các lái xe sẽ phải đậu tại cảng Hồng Kông, chuyển sang xe buýt đưa đón hoặc thuê xe đặc biệt khi muốn đến Trung Quốc đại lục. Xe buýt đưa đón có giá từ 8-10 USD một chuyến phụ thuộc vào thời gian trong ngày.

Vì sao là “Voi Trắng”?

Trong khi ý tưởng về cây cầu được các quan chức đại lục hoan nghênh, phần lớn gánh nặng là trên vai của những người đóng thuế ở Hồng Kông. Họ xem cây cầu như một cách để chuyển tiền từ những người đóng thuế cho những người sở hữu các Cty xây dựng đã nhận dự án.

Các nhà phê bình cũng chỉ ra những hạn chế của dự án. Các tuyến đường sắt được cải thiện và cây cầu Thâm Quyến-Trung Sơn, chỉ cách cây cầu Hồng Kông - Macau - Chu Hải 30 km về phía bắc, một khi hoàn thành vào năm 2024, dự kiến sẽ làm giảm 25% nhu cầu đi lại tại Chu Hải. Các nhà môi trường cũng cho biết, việc xây dựng cầu đã xâm chiếm môi trường sống của cá heo hồng đang cực kỳ nguy cấp, chỉ tồn tại trong khu vực này. Không chỉ cá heo mà tất cả các sinh vật biển đều bị ảnh hưởng do một lượng lớn cát đổ xuống nước.

Không có gì ngạc nhiên khi dự án này được đặt tên là “Voi trắng”, theo truyền thuyết Phật giáo, trong đó một con voi trắng là một món quà không mong muốn, vì nó không có nhiều giá trị, nhưng cần được chăm sóc.

Quan trọng hơn hết, cây cầu là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm đẩy nhanh và tăng cường sự hội nhập của Hồng Kông, Macau vào đại lục.

AN BÌNH