Khánh thành công trình cầu Nguyễn Tri Phương: Vinh danh những thợ cầu CIENCO 4
(Cadn.com.vn) - Hôm nay 30/4/2013, được sự cho phép của UBND TP Đà Nẵng, Sở GTVT TP, BQL Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 - CIENCO 4 (Bộ GTVT) long trọng tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng công trình cầu Nguyễn Tri Phương trong niềm hân hoan, vui sướng của đông đảo người dân ở hai bên bờ sông Cẩm Lệ. Nhìn cầu mới, to lớn, hiện đại, kiêu hãnh vươn mình nối đôi bờ, người dân Đà thành càng cảm phục khối óc sáng tạo và bàn tay kỳ diệu của những người thợ cầu CIENCO 4.
Theo nội dung Dự án, công trình cầu Nguyễn Tri Phương là một hạng mục trong Hợp phần C thuộc Dự án "Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng" được đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế Giới và nguồn vốn đối ứng trong nước. Cầu Nguyễn Tri Phương được xây dựng với quy mô vĩnh cửu, có chiều dài 801,5m, rộng 26,3m đáp ứng 6 làn xe chạy. Phần hạ bộ cầu gồm có 2 mố, 19 trụ với tổng cộng 216 cọc khoan nhồi có đường kính mỗi cọc rộng 1,2m, chiều dài cọc ngắn nhất là 31m và cọc dài nhất là 68m. Phần thượng bộ cầu gồm có 3 nhịp đúc hẫng cân bằng, 4 nhịp dầm bản và 13 nhịp super T. Tổng mức đầu tư xây dựng cầu hơn 600 tỷ đồng. Khởi công xây dựng vào ngày 14/5/2011, theo hợp đồng nhận thầu, công trình cầu Nguyễn Tri Phương sẽ được hoàn thành xây dựng sau 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Với quy mô lớn và kết cấu mố trụ có hình dáng tạo mỹ quan đặc biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao nên công tác thi công gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi đơn vị thi công ngoài năng lực tài chính dồi dào, còn phải là nhà thầu có tính chuyên nghiệp cao, kinh nghiệm thi công nhiều cầu lớn, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân hùng hậu, giỏi và lành nghề, máy móc phương tiện và công nghệ thi công tiên tiến, đồng thời phải tuân thủ các điều kiện khắt khe về chất lượng, an toàn lao động... và nhất là về tiến độ thi công. Ngoài những thách thức trên, quá trình thi công cầu Nguyễn Tri Phương còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc do ảnh hưởng bởi công tác đền bù giải tỏa và giải phóng mặt bằng, địa hình địa chất phức tạp, lòng sông sâu, mực nước sông lớn, v.v...
Bên cạnh đó, giá cả nguyên - nhiên - vật liệu và các chi phí đầu vào khác gia tăng liên tục, trong khi đó, nguồn vốn thanh toán cho đơn vị thi công nhiều lúc chưa kịp thời... Đặc biệt là mưa, bão thường hay xảy ra đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nhất là các trận mưa lũ vào cuối năm 2011 không chỉ làm chậm tiến độ thi công mà còn làm trôi nhiều máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, làm hư hỏng một số hạng mục công trình đã gây thiệt hại nặng cho nhà thầu.
Song, vì ý nghĩa ý nghĩa Kinh tế - Xã hội to lớn của công trình cầu Nguyễn Tri Phương trong việc tạo ra mũi đột phá phát triển đô thị về phía Nam TP Đà Nẵng vốn là vùng nông thôn, còn nghèo khó, từ đó, mang lại cơ hội vươn lên thoát nghèo, đổi đời cho người dân trong khu vực...; vì thương hiệu CIENCO 4, những thợ cầu CIENCO 4 đã vượt lên chính mình, không quản khó khăn, gian khổ, ngày đêm bám trụ công trường, tổ chức thi công cầu Nguyễn Tri Phương với tinh thần và khí thế lao động khẩn trương, hăng say, hiệu quả và sáng tạo. CIENCO 4 đã ưu tiên tập trung đảm bảo nguồn lực tài chính để tập kết cũng như dự trữ đầy đủ trên công trường cầu Nguyễn Tri Phương từ máy móc, trang thiết bị, phương tiện thi công cho đến nguyên nhiên vật liệu, vật tư thi công... Đồng thời, CIENCO 4 đã huy động và bố trí tại công trình cầu Nguyễn Tri Phương đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư giỏi, chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt đã từng tham gia xây dựng và hoàn thành nhiều cây cầu lớn trong nước và quốc tế, cùng lực lượng công nhân thi công, lành nghề để thi công cây cầu này.
Trong đó, có thời điểm, CIENCO 4 đã tập trung số lượng cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân trên công trường cầu Nguyễn Tri Phương lên đến hơn 500 người, đồng loạt chia làm nhiều mũi thi công 3 ca 4 kíp liên tục. Đặc biệt, trong quá trình thi công cây cầu này, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân CIENCO 4 đã có nhiều cải tiến, sáng tạo trong việc tìm kiếm nhiều giải pháp thi công mố cầu, trụ cầu, nhịp đúc hẫng, nhịp dầm bản, nhịp super T, v.v..., đặc biệt là thi công cọc khoan nhồi, trong đó, có cọc khoan nhồi 2 trụ cầu P17 và P18 nằm ở bờ Nam sông Cẩm Lệ. Đây là khu vực thi công có mặt nước sông luôn ở mức cao 9m so với đáy sông nên không thể phun cát tạo đảo để có mặt bằng thi công. Thợ cầu CIENCO 4 đã áp dụng giải pháp thi công khoan cọc trên hệ nổi vừa rút ngắn được tiến độ thi công vừa giảm được chi phí thi công cũng như hạn chế được rủi ro, sự cố trong quá trình thi công.
Với tình cảm, trí tuệ và sức mạnh tổng hợp nói trên, những thợ cầu CIENCO 4 đã thi công xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương không chỉ vượt tiến độ theo yêu cầu của lãnh đạo TP Đà Nẵng mà còn đảm bảo chất lượng, an toàn lao động và kỹ mỹ thuật công trình.
Phú