Báo Công An Đà Nẵng

Khánh thành Khu di tích lịch sử Cách mạng B1-Hồng Phước: Thắp lại “Ngọn đèn đứng gác”

Thứ bảy, 25/03/2017 11:56

(Cadn.com.vn) - Sáng nay (25-3), hòa trong không khí kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, nhân dân Liên Chiểu (Đà Nẵng) cùng CBCS từng sống, chiến đấu trên mảnh đất Hồng Phước kiên trung ngày nào lại tề tựu về đây để dự lễ khánh thành công trình Đài bia, Nhà Truyền thống Di tích lịch sử căn cứ lõm cách mạng B1-Hồng Phước (Khu di tích lịch sử cách mạng B1 Hồng Phước- P.V). Vậy là, sau 42 năm khắc khoải mong chờ, cuối cùng tâm nguyện của bao thế hệ  người dân Hồng Phước nói riêng, Liên Chiểu nói chung cũng đã được thỏa nguyện...!

Hình tượng người mẹ Hồng Phước với ngọn đèn đứng gác. 

Có những niềm vui làm sao nói hết!

Gần đến ngày khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng B1 Hồng Phước, ông Phan Văn Tải- nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó Quận nhì từ 1967, người có công rất lớn trong xây dựng Hồng Phước trở thành khu căn cứ lõm cách mạng quan trọng của Quận I (từ năm 1969 gọi là Quận II Đà Nẵng)- không sao ngủ được. Khi ghé xem tiến độ thi công công trình, thấy những người thợ xây dựng phục chế miệng hầm không đúng quy cách miệng hầm ngày xưa, ông đề nghị phần việc đó để cho mình và những người từng sống, chiến đấu tại B1 Hồng Phước làm. Niềm vui vì công trình có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng này sắp được khánh thành khiến ông cụ 81 tuổi như khỏe  hẳn ra.

Thấy tôi tò mò ngắm hai quai tay dùng để nhấc miệng hầm mô phỏng thiết kế miệng hầm ngày xưa, ông Tải giải thích: “Cái này chỉ mô phỏng thôi. Hồi xưa, miệng hầm không giống như thế này đâu. Nó không có tay quai bằng dây điện. Bởi vì, nếu làm thế, bọn địch sẽ dùng máy rà kim loại là phát hiện ra ngay. Giờ vì mô phỏng nên mới có tay quai bằng dây điện để tiện nhấc miệng hầm lên cho du khách chui xuống tham quan... Dù không giống như nguyên bản, nhưng với tui, việc được công nhận, cho xây dựng khu di tích lịch sử CM BI Hồng Phước để ghi nhận các chiến công thầm lặng của nhân dân Hồng Phước, để giáo dục về lịch sử, truyền thống CM cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đã là quá đủ, quá hạnh phúc lắm rồi!”..”. Đang dở tay đổ lớp hồ lên miếng xốp, nghe ông Tải nói vậy, ông Lê Văn Hiệp (62 tuổi), con trai đầu của bà Hà Thị Mau- một trong số những cơ sở cách mạng trung kiên tiêu biểu ở B1 Hồng Phước hiện vẫn còn sống, nhà có 4 căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ- phấn khởi chia sẻ thêm: “Dù chỉ là mô phỏng, nhưng có được như ri là đã tuyệt lắm rồi! Người dân Hồng Phước mong mỏi cái ngày này đã 42 năm rồi !”...

Gặp tôi ngay trên lối tiền sảnh vào Nhà truyền thống, nơi lưu giữ những hiện vật của một thời B1 Hồng Phước, anh Phạm Ngọc Hùng (29 tuổi)- người con của đất Hồng Phước, có cha và 2 người dì ruột là cơ sở cách mạng tiêu biểu của B1 Hồng Phước- đang dở tay sửa soạn chuẩn bị cho lễ khánh thành, bồi hồi xúc động: “Phía sau nhà truyền thống này là 5 căn nhà- cơ sở CM tiêu biểu cho các hộ dân Hồng Phước được chọn để phục dựng nhằm tái hiện lại một phần làng quê Hồng Phước trong những năm tháng chiến tranh. Trong 5 căn nhà được chọn phục dựng lại đó có hai nhà của dì tôi là bà Phạm Thị Dĩ và Phạm Thị Miên. Nhà dì Miên có 7 căn hầm bí mật và nhà dì Dĩ có 4 căn hầm bí mật. Tuy sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, nhưng tôi vẫn thường được nghe các dì, cha mẹ kể lại về thời hào hùng, oanh liệt của Hồng Phước trước giải phóng. Những gì mà các dì, cha tôi cùng người dân nơi đây đã làm được trong chiến tranh là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Vì thế, tôi thật tự hào vì được là con dân Hồng Phước”...

Ông Phan Văn Tải bên những bức ảnh tư liệu lịch sử về B1 Hồng Phước. 

Thắp lại “ngọn đèn đứng gác”

Có thể nói, để có được công trình mang ý nghĩa lịch sử này là sự nỗ lực, kiên trì không mệt mỏi của lãnh đạo, chính quyền Q.Liên Chiểu, của bao thế hệ nhân dân, CBCS từng sinh sống chiến đấu trên mảnh đất Hồng Phước kiên trung cũng như sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các ban ngành, đặc biệt là các nhà nghiên cứu lịch sử... trong việc nghiên cứu, thu thập cứ liệu để giúp chính quyền Liên Chiểu hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận B1 Hồng Phước là di tích lịch sử CM.

Và ngày 11-3-2016 trở thành ngày đáng nhớ của người dân Hồng Phước, Liên Chiểu bởi vào ngày này, Chủ  tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Đài bia và nhà truyền thống khu di tích CM B1 Hồng Phước. Theo đó, khu di tích này được xây dựng trên khuôn viên rộng 2.784 m2, trong đó diện tích xây dựng là 340 m2 với các hạng mục kiến trúc: Nhà bia tưởng niệm, nhà truyền thống trưng bày các hiện vật, nơi hội họp của Ban liên lạc B1, Ban Liên lạc quận Nhì và nơi sinh hoạt cộng đồng cho khu dân cư, mô phỏng 5 căn nhà tiêu biểu của nhân dân Hồng Phước đào hầm nuôi giấu cán bộ CM cùng một số công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí xây dựng trên 7 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP hơn 4 tỷ đồng, ngân sách quận hơn 3 tỷ đồng. Công trình Khu di tích B1 Hồng Phước đã phần nào khắc họa, tái hiện và mô phỏng được hình ảnh về mảnh đất Hồng Phước trong chiến tranh, đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt là điểm nhấn là hình tượng người mẹ với ngọn đèn đứng gác...

Trong phòng trưng bày kỷ vật, hình ảnh về B1 Hồng Phước.

Cùng với sự nỗ lực của đơn vị thi công trong việc cố gắng hoàn thành công trình đúng tiến độ, 1 năm qua, Ban chuyên trách sưu tầm hiện vật, kỷ vật của Q.Liên Chiểu đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm gặp những nhân chứng, nhân dân, những người từng tham gia chiến đấu và gắn bó với Hồng Phước để sưu tầm các hiện vật, kỷ vật phục vụ cho công tác trưng bày tại nhà trưng bày truyền thống. Qua đó đã thu thập, sưu tầm được 80 hiện vật, kỷ vật. Ông Trương Công Hiếu- Trưởng Phòng VHTT Q. Liên Chiểu- cho biết, sau khi tiếp nhận việc quản lý khu di tích này, Phòng VHTT sẽ giữ gìn, tổ chức các hoạt động có hiệu quả để không phụ lòng với các bậc tiền nhân. Bước đầu, Phòng VHTT Q.Liên Chiểu sẽ cử 2 nhân viên, trong đó có một nhân viên tập sự làm công tác hướng dẫn, thuyết minh cho các khu di tích trên địa bàn, trong đó đặc biệt là khu di tích B1 Hồng Phước .

Trong niềm xúc động trước thời khắc diễn ra lễ khánh thành Khu di tích lịch sử B1 Hồng Phước, ông Dương Thành Thị - Chủ tịch HĐND Q. Liên Chiểu, một trong những người luôn đau đáu, cùng tập thể chính quyền, nhân dân Liên Chiểu nỗ lực, kiên trì đề xuất kiến nghị để có được Khu di tích lịch sử CM B1 Hồng Phước hôm nay - xúc động thổ lộ: “ Tôi sinh ra lớn lên trên mảnh đất Hồng Phước kiên trung này. 71 gia đình sống trong 64 nóc nhà thì tất cả đều là cơ sở cách mạng. Tại đây, trong vòng vây, bố ráp và lùng sục thường xuyên của kẻ thù, nhân dân Hồng Phước cùng với CBCS đã đào được 46 căn hầm bí mật để nuôi giấu, che chở cho CBCS của ta hoạt động. Căn cứ B1 Hồng Phước là nơi xuất phát của nhiều trận đánh tiêu biểu như Kho xăng Liên Chiểu, Trận địa pháo Thanh Vinh, Tổng kho hậu cần Bàu Mạc... của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương Quảng Đà, Hòa Vang và Đà Nẵng... Sống trong lòng địch với sự bao vây, bố ráp, nhưng khu căn cứ lõm B1 Hồng Phước không hề bị lộ.  Có thể nói, trong kháng chiến, B1 Hồng Phước đã hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ ở tiền phương, một bàn đạp ở vùng đen để tấn công vào thành phố. Từ BI-Hồng Phước, biểu tượng về hình ảnh ngọn đèn đứng gác của các má, các chị được khắc họa rõ nét...”.

 Các bạn trẻ lắng nghe thuyết minh về lịch sử B1 Hồng Phước. Ảnh: Phan Thủy

Cùng với các di tích lịch sử cách mạng khác trên địa bàn TP Đà Nẵng, việc khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Khu di tích cách mạng B1 Hồng Phước sẽ góp phần tôn vinh truyền thống lịch sử vẻ vang của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc. Đồng thời góp phần nâng cao giáo dục và phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước, tri ân, uống nước nhớ nguồn đối với công lao, sự hy sinh vô bờ bến của cha anh đi trước, của các anh hùng liệt sĩ và nhân dân qua các thời kỳ để cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau được sống trong hòa bình độc lập.

Phan Thủy