Khát vọng dự án công nghệ mang thương hiệu Đà Nẵng vươn tầm thế giới
+ PV: Ông giới thiệu đôi chút về dự án UCtalent và tình hình phát triển của dự án?
+ Ông Nguyễn Ngọc Dương: Dự án UCTalent được thai nghén và ra đời nhằm giải quyết các vấn đề trong thị trường tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ, áp dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) và công nghệ web3 (Web 3.0 còn được gọi là web3 là thế hệ thứ ba của các dịch vụ Internet kết nối dữ liệu với nhau theo cách phi tập trung để mang lại trải nghiệm người dùng nhanh hơn và được cá nhân hóa hơn). Chúng tôi nhận thấy phương thức tuyển dụng truyền thống tốn nhiều thời gian và chi phí, không đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng của các công ty. Chính vì vậy, dự án UCTalent là nền tảng web3 được xây dựng để tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ blockchain để thay đổi phương thức tuyển dụng. Chúng tôi hướng đến việc kết nối nhân tài với công ty tuyển dụng thông qua cơ chế giới thiệu sáng tạo với phần thưởng trên chuỗi khối, được hỗ trợ bởi hợp đồng thông minh. Dự án đã có khoảng 600 khách hàng trong lĩnh vực công nghệ và 3 công ty tuyển dụng đang sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tại tài chính chung vẫn đang ở giai đoạn thắt chặt tiền tệ, chưa bước vào giai đoạn "tiền rẻ". Tuy đây là một thách thức rất lớn trong quá trình huy động vốn, phát triển dự án, đặc biệt là vấn đề liên quan đến nhân sự nhưng bằng quyết tâm của lãnh đạo dự án, của các thành viên, chúng tôi kỳ vọng sẽ trở thành một trong những kỳ lân trong tương lai của Đà Nẵng, của Việt Nam trong tương lai.
+ PV: Anh đánh giá như thế nào về hành lang pháp lý, công tác hỗ trợ của Đà Nẵng đối với cộng đồng khởi nghiệp?
+ Ông Nguyễn Ngọc Dương: Riêng Đà Nẵng thì TP đã rất tích cực hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là sở khoa học công nghệ, đã đem lại rất nhiều cơ hội cho các startup. Thông qua những cuộc thi, các cuộc tọa đàm kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ lớn trên thế giới, các startup Đà Nẵng, miền Trung đã mạnh dạn hơn trên con đường vươn tầm trong khu vực cũng như thế giới. Nhìn rộng ra thì lãnh đạo từ TƯ đến địa phương đều tạo điều kiện, ủng hộ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo thường đi liền với công nghệ, trong khi đó công nghệ lại phát triển từng ngày. Đơn cử như công nghệ trong dự án tôi đang thực hiện đang có liên quan đến AI, blockchain thì cơ sở, khung pháp lý liên quan lại không theo kịp. Đây chính là rào cản rất lớn. Những dự án công nghệ liên quan đến blockchain rất mong muốn có những giải pháp, hỗ trợ về mặt pháp lý để tạo nền tảng, chuyên nghiệp, công bằng và đúng pháp luật cho những dự án khởi nghiệp có thể làm và phát triển tại Việt Nam. Hiện tại những dự án liên quan đến blockchain, web3 thường phải đi qua Singapore để thành lập công ty và phát hành tiền điện tử, tài sản số tại Singapore. Bởi Singapore có chính sách bảo vệ, bảo trợ đúng luật cho tài sản số. Trong khi đó, Việt Nam liên quan đến vấn đề này lại đang nằm ở "vùng xám", vì vậy việc phát hành tài sản số, tiền điện tử lại chưa cho phép. Có thể nói là chính sách đang tụt lại phía sau công nghệ rất nhiều.
+ PV: Cảm ơn ông!
Lê Anh Tuấn (thực hiện)