Báo Công An Đà Nẵng

Khát vọng làng Cơ tu…

Thứ hai, 08/05/2023 08:25
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thăm mô hình phát triển du lịch cộng đồng của bà con Cơ Tu ở thôn Giàn Bí, Hòa Bắc đầu tháng 4-2023.

Thế mới thấy, vùng đất “sơn thủy hữu tình” Hòa Bắc hấp dẫn du khách thế nào... Vui đấy, nhưng vẫn còn có nhiều chuyện phải bàn, phải rút kinh nghiệm, để Hòa Bắc thực sự là điểm đến của du khách gần xa...!”.

Từ “vạn sự khởi đầu nan”

Là người đi tiên phong trong việc phát triển du lịch sinh thái ở cộng đồng bà con Cơ Tu tại Hòa Bắc từ những năm 2019, được UBND TP vinh danh trong việc “đi tiên phong” này, nên tôi hiểu, những điều A Lăng Như suy nghĩ, trăn trở trên là có cơ sở.

Trở lại câu chuyện hơn 4 năm về trước (cuối năm 2019), khi UBND TP Đà Nẵng phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Vang, A Lăng Như là người đầu tiên dám đi vay hơn 600 triệu đồng để xây dựng mô hình Homestay ngay trên diện tích đất vườn nhà mình để đón khách du lịch. Gặp tôi, Như tâm sự: “Rừng núi, sông suối ở Hòa Bắc đẹp lắm. Hàng ngày, nhìn từng đoàn người từ các địa phương khác đến, kéo nhau lên rừng, lên suối để tận hưởng cái không khí trong lành của núi rừng, sông suối ấy, mình chợt nhận ra, tiềm năng sẵn có ở quê hương mình mà sao mình không biết. Bao đời nay người Cơ Tu ở Hòa Bắc chỉ cặm cụi lam lũ trên nương, trên rẫy xoay vần với củ khoai, củ sắn. Vì thế, đời nghèo vẫn hoàn nghèo. Sao nhiều địa phương khác người ta làm du lịch sinh thái được mà mình không làm được? Trong khi đó, cơ hội thoát nghèo là chính từ núi rừng, sông suối quê mình chứ đâu xa…”. Nghĩ thế, A Lăng Như đã mạnh dạn làm, rồi được chính quyền, ngành chức năng huyện, xã hỗ trợ, Tổ hợp tác du lịch sinh thái của thôn cũng hình thành, làng nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống của người Cơ Tu được phục hồi với hơn 25 nghệ nhân là các chị phụ nữ, già làng Cơ Tu tham gia… Đội múa cồng chiêng, tung tung da dá được ví như “vũ điệu mặt trời” đặc sắc, riêng biệt, truyền thống của người Cơ Tu trên dải Trường Sơn lại rộn ràng, tưng bừng, âm vang trên thượng nguồn sông Nam sông Bắc trước khi nhập về dòng Cu Đê ra biển lớn… Thật là kỳ vọng, A Lăng Như bảo, lượng khách du lịch đến với Tà Lang, Giàn Bí rất đông, tuần nào Homestay của anh cũng đón cả hàng trăm khách, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là bà con trong thôn chính từ những công việc bao đời nay họ vẫn làm như: lên rừng hái rau, xuống suối bắt cá… Có khác chăng là kèm theo đó là việc hướng dẫn khách du lịch thăm thú trải nghiệm núi rừng, sông suối, thăm nghề dệt, đan lát cổ truyền và cùng uống rượu với du khách để hòa chung vui cùng nhịp trống chiêng, điệu múa tung tung da dá… Cùng với mô hình du lịch của Như, trong thôn Giàn Bí, Tà Lang tiếp tục hình thành thêm các mô hình Homestay nữa của chị Zơ Zâm Thị Hồng, của anh Trương Sơn Toàn… Làng du lịch sinh thái cộng đồng Cơ Tu ở Hòa Bắc đã chuyển mình…

Giữa lúc mọi chuyện đang suôn sẻ, đùng một cái, trong 2 năm 2020-2021, đại dịch COVD-19 kéo đến, tưởng như tắt luôn ngọn lửa đang cháy ở làng du lịch Cơ Tu vừa nhen nhóm…! Rồi sang năm 2022, lại có ý kiến, Hòa Bắc làm du lịch vi phạm đất nông nghiệp, như thế là vi phạm pháp luật… Buồn lắm ! Nhớ lúc ấy, A Lăng Như tâm sự với tôi: “Cái mảnh đất vườn nhà mình cằn cỗi, chỉ trồng được mấy khóm tre, mỗi năm bán chưa được 200 nghìn tiền măng. Vậy mà làm Homestay du lịch, giải quyết được việc làm cho cả chục người lao động, có thu nhập ổn định, lại là vi phạm luật. Thôi mình dừng ngay, để cho tre nó mọc…”.

Đến khát vọng vươn tầm

Nhưng thật vui, A Lăng Như đã không phải buồn lâu. TP đã nhìn thấy cái đúng, cái sai, đã kịp thời chỉ đạo Hòa Vang chấn chỉnh để việc quản lý đất đai, phát triển du lịch đúng hướng, đúng pháp luật… Kết quả của sự chấn chỉnh ấy là: Trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế lao động 1-5, Hòa Vang đã tưng bừng tổ chức ngay tại nơi đã từng bị “tuýt còi” ấy: Tuần lễ du lịch Hòa Bắc với chủ đề “Khát vọng Hòa Bắc”.

A Lăng Như khoe với tôi: “Riêng tôi càng vui hơn, hôm đầu tháng 4-2023, đích thân Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng lên thăm mô hình phát triển du lịch cộng đồng sinh thái ở Tà Lang, Giàn Bí, đã động viên, biểu dương tinh thần dám nghĩ, dám làm của bà con Cơ Tu, của A Lăng Như, giúp tôi càng có động lực, quyết tâm hơn…”. Thời gian qua, 90% người dân ở Tà Lang, Giàn Bí đã được nhận hỗ trợ từ dịch vụ giữ gìn môi trường rừng để tham gia giữ rừng từ 2 chủ rừng là Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa và rừng sản xuất do địa phương quản lý với diện tích gần 4.000 ha rừng. Với số tiền mấy trăm triệu đồng một quý ấy, tuy không lớn, nhưng đã hỗ trợ bà con rất nhiều trong đời sống, nhất là để phát triển du lịch…

Vui là vậy, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn thêm - A Lăng Như bộc bạch. Ví dụ như, khách du lịch đến với Hòa Bắc, đến với Tà Lang, Giàn Bí, cùng với việc thăm thú rừng núi, sông suối, thăm làng nghề truyền thống, múa hát cồng chiêng, múa tung tung da dá, nghỉ lưu trú lại qua đêm, phải phục vụ về đời sống, nói đúng ra phải có cái ăn. Mà cái ăn phải đặc trưng, độc đáo, đúng văn hóa ẩm thực truyền thống bản địa của người Cơ Tu. Mới đây, Hội Nông dân xã Hòa Bắc có hỗ trợ cho một hộ ở thôn Giàn Bí nuôi gà thả vườn, phục vụ khách du lịch, nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu phục vụ. Bà con Cơ Tu rất mong chính quyền TP, huyện có kế hoạch trong quy hoạch, chỉ dẫn cho bà con kỹ thuật, canh tác đất đai để phát triển trồng rau xanh, hỗ trợ về vốn để chăn nuôi heo, gà một cách bài bản, khoa học, có chuồng trại quy củ, con giống đảm bảo, thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, giữ vệ sinh môi trường… Tóm lại là tạo thành một mô hình phát triển du lịch khép kín, trong đó có cả chăn nuôi, trồng trọt phục vụ du lịch. A Lăng Như bảo: “Đấy, như đợt Tuần lễ du lịch Hòa Bắc vừa qua, khách du lịch lên rất đông, nhưng vẫn chưa có đủ các cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách. Vậy là, rất nhiều khách bỏ ra sông ra suối cắm trại tự do, tự phát rồi xả rác bừa bãi khắp nơi. Báo hại các anh Công an xã phải mất ăn mất ngủ đi kiểm tra nhắc nhở, rồi lo giữ an toàn cho khách, kẻo lại xảy ra tai nạn nữa là nguy…”.

A Lăng Như giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống.

Điều A Lăng Như lo lắng hoàn toàn đúng. Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng với mục đích nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân bản địa, bảo tồn, phát triển văn hóa đặc sắc truyền thống của địa phương, giữ rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tất cả phải đồng bộ, khoa học…

H.T