Khát vọng sống thức trỗi trong tiểu thuyết “Cuốn sổ máu”
Tác giả đã đặt ra nhiều giả thiết xoay quanh bí ẩn của đứa trẻ tật nguyền (nhân vật Tôi trong tác phẩm – P.V) – con của ông trùm Lâm giáo chủ Hoàng Văn Hận và cuộc thảm sát trên phố An Bình với 11 mạng người bị giết cùng lúc. Từ những nghi vấn ban đầu đã được đứa trẻ tật nguyền đảo ngược lại và tìm ra mọi bí mật với cuốn sổ máu. Cuốn sổ ghi nợ giang hồ, cuốn sổ khép lại số phận nhiều con người.
Sự giằng xé tâm lý, khát vọng sống của từng nhân vật trong tiểu thuyết “Cuốn sổ máu” của nhà văn Phong Điệp, đã dẫn dắt người đọc đi từ mê trận của những bí mật ẩn sâu trong những phi vụ làm ăn bất hợp pháp với những đồng tiền mang đầy mùi ám khí, máu và nước mắt đến với từng mảnh đời có liên quan trong chuỗi mắt xích ấy. Khi con người bị dồn vào những đường cùng của số phận, họ, trong bất kỳ hoàn cảnh ngặt nghèo nào, cũng đã tự đứng lên đi về phía công lý, nơi có ánh sáng nhân từ của cuộc đời. Ở đó, mảnh vỡ cuộc đời là một cú đáp xuống của một tảng đá lớn, rơi vào đại dương mà mất dấu. Nhưng, tác giả đã khéo léo cho nhân vật chính của mình, dẫu phải gánh vác, mang một thân thể tật nguyền không lành lặn, nhưng bằng nội lực đã chiến thắng và kết thúc cuộc rượt đuổi trong hận thù đầy nhẫn tâm của người bố, khi ông ta cùng “đàn em” truy sát đến tận cùng những mạng người vô tội. Bí mật được mở ra cũng là khi đứa trẻ tật nguyền quyết định cứu sống một mạng người và chấp nhận sự thật là vĩnh viễn mất đi người thân cuối cùng là bố mình – khi ông ta bị trả giá đắt nhất ở khung hình phạt mức án tử hình – Kết thúc phiên tòa xét xử mà tác giả đặt lên là Ngày của Công lý.
Tiểu thuyết “Cuốn sổ máu” gồm 4 phần và 56 đoạn – là những cuộc đời thu nhỏ của từng số phận, đã khai mở cuộc rượt đuổi giữ lấy mạng sống của từng nhân vật trong hành trình sinh ra, sống và chết. Đây là cuốn tiểu thuyết tâm lý, hình sự, được tác giả dựng lên bằng cách tiếp cận mới đầy kịch tính. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu một bước ngoặt của sự nghiệp văn học của tác giả. Độc giả không còn tìm thấy giọng văn hiền dịu, nữ tính thấm đẫm trong nhiều tác phẩm đã từng xuất bản của chị. Ngược lại, được đón nhận một lối viết đầy kịch tính, cuốn hút, người đọc như muốn cuốn theo diễn biến của cốt truyện bằng cách tiếp cận, xâu chuỗi tâm lý từng nhân vật. Dù đó là “ông trùm” Lâm giáo chủ Hoàng Văn Hận, hay đứa trẻ tật nguyền – nhân vật tôi trong tác phẩm – đến mẹ con Phượng, sư Hạnh, hay người chạy xe ôm. Nhiều đoạn miêu tả tâm lý nhân vật được nhà văn Phong Điệp thể hiện thành công, sắc sảo…
Với hơn 27 đầu sách đã được xuất bản, sách của chị được dịch và xuẩt bản tại Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Nga, nhà văn Phong Điệp đang làm mới phong cách tiếp cận độc giả với tiểu thuyết “Cuốn sổ máu”. Điều mà tác giả muốn gửi lại qua tác phẩm này vẫn là con đường hướng thiện, là sự chân thành vốn có, vốn tồn tại sẵn trong mỗi con người, nhưng cần được thức tỉnh để tự cởi thoát khỏi nhiều nghịch cảnh. Cuộc đời này, chết, đôi khi lại dễ dàng hơn phải sống một đời đáng sống và lương thiện.
Anh Đào