Báo Công An Đà Nẵng

Khát vọng vươn khơi (Kỳ cuối: Nỗ lực "gỡ" thẻ vàng)

Thứ sáu, 15/06/2018 18:30

Sự kiện Ủy ban Châu Âu (EC) giơ "thẻ vàng" đối với khai thác thủy sản của Việt Nam vào cuối tháng 10-2017, đồng thời gia thời hạn 6 tháng để khắc phục tình hình đã khiến ngành thủy sản nước nhà không khỏi "giật mình". 6 tháng để cải thiện tình hình là khoảng thời gian khá ngắn. Tuy nhiên, cùng với việc sửa đổi Luật Thủy sản, những nỗ lực từ Chính phủ, Bộ ngành, các địa phương và ngư dân đã làm được trong 6 tháng qua để gỡ "thẻ vàng" của EC là điều rất đáng được ghi nhận.

Niềm vui của ngư dân miền Trung sau mỗi đợt vươn khơi, trúng vụ cá. Ảnh: Công Khanh

 Đồng loạt vào cuộc

Hình ảnh ngư dân xã Bình Châu (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) sau các chuyến vươn khơi trở về lại tham gia các lớp tuyên truyền pháp luật về các quy định pháp luật liên quan đến việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ký cam kết không vi phạm trong quá trình vươn khơi, đánh bắt hải sản trong 6 tháng qua đã cho thấy sự nỗ lực không nhỏ từ chính quyền địa phương trong việc  chung tay cùng  ngành thủy sản cả nước tháo gỡ "thẻ vàng" EC. Tham gia trong công tác tuyên truyền này, ngoài chính quyền các cấp từ tỉnh đến địa phương, BCH BĐBP tỉnh Quảng Ngãi, Sở NN&PTNT, CA tỉnh..., có sự phối hợp của Cơ quan quản lý Thủy sản Úc. Ông Vũ Thế Sơn- Phó Phòng NN&PTNT H.Bình Sơn-cho biết: Thông qua các cuộc tuyên truyền, ký cam kết này đã góp phần giúp ngư dân xã Bình Châu hiểu và nắm rõ hơn các quy định, quy trình khai thác, đánh bắt hải sản để tuân thủ các quy tắc quốc tế cũng như khu vực đối với lĩnh vực này.

Song song với đẩy mạnh tuyên truyền, việc áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm đối với trường hợp ngư dân vi phạm trong quá trình khai thác bất hợp pháp cũng đã được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi làm mạnh. Đơn cử như trường hợp ngư dân Nguyễn Văn Phú (xã Bình Châu) đã bị cơ quan chức năng tỉnh xử phạt hành chính 90 triệu đồng kèm theo hình phạt bổ sung: tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản của tàu cá QNg 90518 trong 6 tháng. Mặt khác, UBND H.Bình Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND xã Bình Châu không xem xét, hỗ trợ, không cho vay vốn theo chính sách Nhà nước, cũng như không cho sang tên đổi chủ đối với tàu cá này. Tương tự, trường hợp của chủ tàu QNg 90945 Lê Thanh Quang bị nước ngoài tịch thu tàu, hiện giam giữ tại New Caledonia do khai thác thủy sản bất hợp pháp cũng bị áp dụng chế tài không xem xét hỗ trợ, không cho vay vốn theo chính sách Nhà nước, không cấp bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản cũng như không cấp giấy phép đăng ký đóng tàu mới...

Quyết liệt không kém, tại Bình Định, từ cuối tháng 12-2017 đến nay đã tổ chức  gần 10 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật IUU cho ngư dân với gần 900 chủ tàu/thuyền trưởng tham gia. Song song đó là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trong hoạt động khai thác thủy sản. Theo đó, trong năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018 đã phát hiện 74 trường hợp, phạt hành chính với tổng số tiền 88,5 triệu đồng. Đối với các tàu và ngư dân xâm phạm bất hợp pháp trong quá trình vươn khơi đánh bắt hải sản năm 2017, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế xử lý với các chế tài như: phạt hành chính nặng, loại khỏi danh sách hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng chính phủ, không cho cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với tàu cá tái phạm; không cấp giấy phép chứng nhận khai thác hải sản hợp pháp để bán sản phẩm cho các công ty xuất khẩu vào thị trường EU.

Đồng thời tước giấy phép khai thác thủy sản trong 6 tháng đối với tàu vi phạm, buộc chủ tàu phải trả kinh phí đưa ngư dân về nước, kèm theo sau đó là tổ chức kiểm điểm ngư dân và chính quyền địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Ngoài ra, Sở cũng đã chỉ đạo cho Chi cục Thủy sản phối hợp với Đài Thông tin duyên hải Quy Nhơn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn lắp đặt, sử dụng thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án Movimar với 480 máy đã được lắp đặt. Đã lắp đặt và nâng cấp 2 Trạm bờ thông tin liên lạc sóng HF tầm xa VX-1700, đảm bảo thu nhận báo cáo vị trí của các tàu cá hoạt động trên biển gửi về Trạm bờ. Ngoài ra, ngư dân cũng đã được hỗ trợ cho ngư dân 2.800 máy HF tầm xa VX-1700. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, nên 5 tháng năm 2018, số lượng tàu cá của ngư dân Bình Định bị nước ngoài bắt giữ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các biện pháp nói trên, ông Trần Văn Phúc- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT- còn cho biết thêm, Bình Định còn đẩy mạnh công tác thanh tra tại các cảng cá và công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản với các tổ thường trực...  

Chung tay cùng với cả nước tháo gỡ "thẻ vàng" EC, ngành Thủy sản Đà Nẵng cũng đã có nhiều biện pháp quyết liệt, ráo riết không kém. Theo đó, ngoài việc tổ chức tuyên truyền cho 570 chủ tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên và các DN kinh doanh xuất khẩu thủy sản, các đầu nậu chuyên thu mua cá tại Cảng cá Thọ Quang về hoạt động thanh tra, kiểm tra các tàu cá khi xuất cũng như khi về bến, việc xử lý nghiêm, cập nhật thông tin liên quan đến kết quả  xử lý các vi phạm Luật Thủy sản trên các vùng biển của ngư dân cũng được tăng cường đẩy mạnh...

Chung tay, cộng đồng vì sự phát triển bền vững thủy sản

Để truy xuất nguồn gốc thủy sản thì theo Luật Thủy sản sửa đổi (mới), ngư dân khi đi khai thác, đánh bắt trên lãnh hải Việt Nam phải ghi chép nhật ký khai thác. Căn cứ vào nhật ký khai thác này, Ban quản lý (BQL) các cảng cá sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, BQL Cảng cá còn có trách nhiệm cấm các tàu vi phạm khai thác hải sản được phép dỡ hàng hóa lên trên bờ. Những yêu cầu Luật Thủy sản mới đặt ra nhiều trách nhiệm mới đối với BQL các cảng cá ở Việt Nam. Qua tìm hiểu, được biết, tại khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung, BQL các cảng cá đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc hướng dẫn ngư dân cách ghi nhật ký hành trình, tạo điều kiện cho những ngư dân chấp hành tốt các chủ trương của Nhà nước. Với tư cách là nhà quản lý, ông Trần Văn Phúc- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định- cho rằng, giải quyết vấn đề gỡ "thẻ vàng" EC vào thị trường EU, hướng về lâu về dài là phải làm sao để việc khai thác thủy sản nước ta nâng cao được chất lượng, nâng cao được giá trị, giảm bớt thất thoát ra bên ngoài. Việc truy nguồn gốc xuất xứ, phải đảm bảo được tính khai thác hợp pháp.

Mặt khác, để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và hướng đến sự phát triển bền vững, theo ông Phúc, phải hạn chế tối đa, không cho phép nghề giã cào hoạt động. Bên cạnh đó, cần sắp xếp, quy hoạch lại đội ngũ tàu thuyền, tránh để các tỉnh, thành có biển phát triển ồ ạt, không có định hướng dẫn đến nhiều bất cập trong khai thác, đánh bắt thủy sản. Song song đó, cần áp dụng các công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần thu mua ngay trên biển để đưa sản phẩm khai thác vào bờ càng sớm càng tốt. Theo đó, hướng phát triển kinh tế biển bền vững chính là cần có một đội ngũ hậu cần hiện đại, đi kèm đó là những thỏa thuận để ngư dân đánh bắt hải sản không bị chèn ép giá. Có như thế mới khích lệ tinh thần, giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư vươn khơi đánh bắt, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thân yêu.

Những gì mà Việt Nam đã làm được trong 6 tháng qua cho thấy sự nỗ lực từ Chính phủ, Bộ ngành, của các cấp chính quyền và ngư dân là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc cải thiện quản lý Nhà nước đối với tàu cá khai thác trên biển không thể là ngày một ngày hai mà cần có một khoảng thời gian nhất định để ngư dân thích ứng với hoạt động theo hướng chuyên nghiệp. Bởi khách quan mà nói, là một nước đang phát triển, trình độ khai thác trên biển của ngư dân Việt Nam chưa thể sánh ngang với trình độ các nước phát triển, đặc biệt là liên minh châu Âu. Vì vậy, trong quá trình nỗ lực để đưa ngư nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, Việt Nam cũng cần lắm sự chung tay hỗ trợ của các đối tác châu Âu về mặt công nghệ, trang thiết bị.

Phan Thủy