Báo Công An Đà Nẵng

Khát vọng vươn khơi (Kỳ I: Tổ quốc nơi đầu sóng)

Thứ ba, 12/06/2018 18:00

Vươn khơi phát triển kinh tế và làm giàu từ biển là khát vọng của bất kỳ quốc gia nào có biển. Với chiều dài bờ biển 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam với 28 tỉnh thành có biển, ngư dân Việt Nam được đánh giá cao về sự can trường, có tay nghề đi biển. Trong hành trình vươn khơi, cùng với ngư dân cả nước, ngư dân miền Trung ngoài đối mặt không ít hiểm nguy luôn rình rập trên biển do thiên tai, bị tàu lạ tấn công, còn phải đối mặt câu chuyện phải làm gì để thủy sản đánh bắt được có mặt ngày càng nhiều tại các thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Ngư dân Phạm Phú Thành kể lại vụ bị tàu lạ tấn công tháng 5-2016.

Như bao làng chài nằm dọc ven biển duyên hải miền Trung, làng chài thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng nằm trong những con hẻm nhỏ, san sát nhà cửa. Nếu không có sự nhiệt tình dẫn đường của Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá xã Bình Châu Bùi Hồng Vân, có lẽ, tôi mất khá nhiều thời gian mới tìm được nhà chủ tàu QNg 90332 Nguyễn Tấn Ngọt (1968)- một trong 6 thành viên sống sót trở về sau vụ bị tàu Trung Quốc tấn công, làm chìm tàu ở giữa biển khơi ngày 20-4 vừa qua. Cứ tưởng sau vụ bị tàu Trung Quốc tấn công, đâm va, làm chìm tàu giữa biển khơi, ước tính thiệt hại 1,7 tỷ đồng sẽ khiến chủ tàu Tấn Ngọt nhụt chí khí đi biển. Thế nhưng, khi được hỏi về dự định sắp tới, người đàn ông có gương mặt hiền lành chất phác này nói dứt khoát: "Đây đâu phải là lần đầu tiên tàu tôi bị tàu lạ, tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm va? Là ngư dân, không bám biển thì còn biết bám vào đâu? Hoàng Sa là của nước mình, mình cứ giong tàu ra đó đánh bắt hải sản. Đi đến khi nào sức khỏe không cho phép thì để con cháu đi. Tôi mong bảo hiểm nhanh chóng giải quyết để đầu tư, sắm lại con tàu khác tiếp tục vươn khơi ra Hoàng Sa đánh bắt. Không riêng gì tôi, dân ở đây ai cũng vậy. Gặp nạn, về rồi cũng tìm cách khắc phục để lại ra khơi. Miễn không xâm phạm lãnh hải nước khác là được, còn biển trời quê hương, Tổ quốc mình thì cứ thế mà ra làm ăn, sợ chi!".

Hơn 30 năm gắn bó với biển khơi, có hiểm nguy nào mà ông Ngọt chưa từng nếm trải. Tuy nhiên, nhớ vụ tàu mình bị tàu Trung Quốc vô cớ đâm chìm ngay trên vùng lãnh hải của Tổ quốc thân yêu, ông ức lắm: "Hôm đó khoảng tầm 8 giờ sáng 20-4, tàu chúng tôi đang đánh bắt tại tọa độ 16036' Bắc - 112050' Đông trên khu vực quần đảo Hoàng Sa thì phát hiện 2 tàu màu trắng mang số hiệu 45103 và 46001 của Trung Quốc đang chong mũi tàu hướng về phía tàu mình. Khi đến gần, 2 tàu này tăng tốc kẹp 2 bên tàu tôi, liên tục đâm va hơn 1 giờ đồng hồ khiến tàu bị chết máy, bể ván, nước tràn vào tàu. 5 người đi trên tàu Trung Quốc nhảy qua tàu tôi dùng dùi cui, súng khống chế, buộc chúng tôi (6 người) khai họ tên, quê quán, lăn tay vào tờ giấy... Khi tàu tôi gần chìm, họ nhảy qua lại tàu của họ rồi bỏ đi. Sau khi tìm cách tát nước nhưng không được, tôi chụp lấy bộ đàm kêu cứu. Nhận được tín hiệu, tàu anh Nguyễn Chính mang số hiệu QNg 90592 TS đã đến cứu 6 người trên tàu chúng tôi. Nhớ lại mà vẫn còn thấy tức". Ông Ngọt cho biết thêm, sau khi được tàu ông Nguyễn Chính cứu vớt đưa vào bờ an toàn, ông cũng như các thuyền viên trên tàu đã được chính quyền từ huyện đến địa phương, Bộ đội biên phòng, các ban, ngành đoàn thể quan tâm, động viên. Nhờ thế, tuy tâm trạng vẫn đang ngổn ngang âu lo về những khoản nợ vay chưa kịp trả mà tàu đã bị chìm, nhưng ông Ngọt vẫn quyết tâm sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển.

Ngư dân, chủ tàu Nguyễn Tấn Ngọt sau khi thoát chết trở về đang mong ngóng được ra khơi.

Tìm hiểu về cuộc đời ông, càng phục sự gan lì, tình yêu biển đảo nơi ông. Cha mẹ bị địch bắn chết trong chiến tranh, anh em ông nương nhau mà sống với đủ nghề. Không ít lần ông bị bệnh nghề nghiệp khiến tay chân co rút tưởng không bám biển được nữa. Nhưng rồi, tình yêu biển đảo quê hương đã giúp ông vượt qua tất cả để trở lại ngư trường. Cách đây không lâu, con trai út không may tử nạn trên biển. Mất mát, đớn đau nhưng ông vẫn quyết không từ giã biển khơi. Bởi với ông, biển đảo mà cụ thể quần đảo Hoàng Sa- nơi hơn 30 năm qua ông gắn bó- là nguồn sống, là quê hương. "Từ lúc đi biển đến giờ, tôi luôn gắn bó với Hoàng Sa. Tôi đã từng đặt chân lên những hòn đảo nhỏ nằm xung quanh hòn đảo lớn Hoàng Sa lấy nước ngọt. Từ hôm gặp nạn không ra đảo, thấy nhớ quá!"- ông Ngọt bồi hồi. Tiếp lời ông Ngọt, ông Bùi Hồng Vân nói thêm: "Ngư dân ở đây dù bị gặp nạn trên biển, về vẫn tìm cách khắc phục để ra biển lại. Biển là lẽ sống mà".

Đến nhà ông Đặng Tằm (1973) -thuyền trưởng kiêm chủ tàu QNg 90045- đúng lúc ông đang chuẩn bị lên tàu giong buồm hướng về Hoàng Sa. Nhớ lại vụ bị tàu Trung Quốc tấn công, lấy đi các trang thiết bị, ngư cụ và hải sản đánh bắt được vào ngày 22-3-2018, ông Tằm không khỏi tức giận: "Lúc đó tàu của anh em tui đang núp trú gió ở đảo Đá Lồi thì bất ngờ bị 2 tàu Trung Quốc mang số 46106 và 45103 áp tàu tôi với tàu cháu tôi tên là Đặng Bi (Đặng Như Bình) cướp hải sản đánh bắt được cùng các thiết bị, ngư cụ, cả ĐTDĐ nữa, giữ đến 15 giờ chiều mới thả cho đi với 1 bộ định vị, một ít xăng đủ để chạy về đến cảng Sa Kỳ". Sau chuyến đi đó, tàu của anh em ông Đặng Tằm bị thiệt hại 350 triệu đồng, còn tàu ông Bình thiệt hại đến 400 triệu đồng. Thiệt hại nặng nhưng về nhà chưa được bao lâu, anh em ông Tằm lại tìm cách vay mượn khắc phục, sửa chữa tàu rồi vẫn tiếp tục giong buồm vươn khơi thêm 2 chuyến đi biển nữa. "Anh không sợ sao?"- tôi hỏi. "Hoàng Sa là của mình, sao phải sợ? Mình gắn bó nghề này hơn 20 năm rồi, biển là lẽ sống của ngư dân. Hơn nữa, mỗi lần giong tàu ra khơi, chúng tôi biết, hậu phương luôn ở bên mình"- vừa nói ông vừa thúc vợ lo chuẩn bị đồ đạc để còn ra bến theo tàu ra khơi.

Tiếp xúc ngư dân miền Trung, điều khiến tôi khâm phục là dù phải luôn đối mặt với bao hiểm nguy nơi đầu sóng, ngọn gió, nhưng vẫn không ngăn được họ khát vọng vươn khơi bám biển. Bởi trong hành trình vươn khơi, họ biết luôn có sự đồng hành của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương... Nhằm tăng cường sức mạnh cho ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, các tỉnh ven biển miền Trung còn xây dựng các tổ, đội  đoàn kết sản xuất trên biển, phát huy được sức mạnh tương trợ nhau. Đối với những tàu bị tàu nước ngoài vô cớ gây hấn, đâm chìm, ngoài thăm hỏi, động viên tinh thần và hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương, ngư dân còn được hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.

PHAN THỦY

Kỳ tới: Bạn và nỗi niềm... tìm bạn