Báo Công An Đà Nẵng

Khe Đương lại nóng vì vàng

Thứ ba, 08/07/2014 09:59

Đêm 3-7, sau khi biết tin một nhóm “tọ mọ” ở xã Hòa Liên (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) lén lút chui vào các hầm vàng ở Khe Đương (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang) do Cty TNHH MTV Trường Sơn khai thác trước đây (UBND TP thu hồi giấy phép từ tháng 1-2014) bỏ lại đã “trúng quả” hơn 1 kg vàng, chia nhau mỗi người hơn 200 triệu đồng thì xuất hiện nhiều đoàn người đổ xô lên khu vực này tìm vận may, khiến các lực lượng chức năng phải nhanh chóng vào cuộc nhằm lập lại tình hình ANTT trong khu vực.

Cũng như các lần trước, rạng sáng 5-7, khi Đoàn kiểm tra liên ngành (KTLN) hơn 20 thành viên do Trung tá Nguyễn Văn Tăng, Phó trưởng CAH Hòa Vang phụ trách lên đến nơi, các lán trại nằm sâu trong những cánh rừng ở Tiểu khu 27, 29 đều không một bóng người. Cơn mưa chiều đã xóa đi một phần dấu vết nhưng không thể xóa hết các tác động của con người. Bếp ăn còn nghi ngút khói. Các lán trại tuy tạm bợ nhưng vật dụng sinh hoạt lại phục vụ đầy đủ cho hàng chục lao động ở các hầm vàng. Nhiều dân quân xã xác nhận, đa phần dân “tọ mọ” ở đây là người của các địa bàn giáp ranh như Hòa Liên, Hòa Sơn; một số ở Q. Sơn Trà, Cẩm Lệ (Đà Nẵng), TP Tam Kỳ (Quảng Nam).

Ông Bốn Nở, cư dân địa phương chia sẻ: “Sau nhiều lần bị truy quét, đẩy đuổi, bọn vàng tặc đã rút ra một số kinh nghiệm đối phó, đó là thiết lập đội ngũ “chân rết” cảnh giới dọc theo tuyến đường ĐT601 đến các bãi vàng, thuê một số người dân làm tai mắt cung cấp thông tin về các đợt truy quét. Không ít lần, khi lực lượng KTLN tập kích đến nơi thì chỉ còn cảnh “vườn không, nhà trống”. Mặt khác, khu vực khai thác nằm ở vùng sâu, vùng xa nhưng lại có nhiều đường ra vào nên công tác truy quét của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều trắc trở”.



Tháo dỡ các lán trại và thu giữ máy móc thiết bị làm vàng trái phép.

Trước đây “vàng tặc” khai thác bằng thủ công, giờ thì đưa cả máy nổ, máy hơi, cối xay quặng nặng cồng kềnh vào rừng. Muốn vận chuyển các loại máy này, các “đầu nậu” phải tháo rời từng bộ phận, vào bãi vàng mới lắp ráp lại. Để thuận tiện cho việc khai thác, các “đầu nậu” thường móc nối với người dân địa phương lên núi tham gia đội ngũ đào đãi vàng, cõng hàng thuê. Song, cũng có nhiều trường hợp vàng đâu chưa thấy mà đã thấy “vàng mắt”, phải hồi hương vì không chịu nổi kham khổ và những cơn sốt rét rừng... Mở rộng địa bàn kiểm tra, lực lượng KTLN phát hiện, tiêu hủy 6 lán trại, 1 máy nổ, 2 máy nghiền, 2 máy hơi, hơn 300m ống dẫn nước, dây điện cùng với nhiều loại lương thực, thực phẩm mà các “đầu nậu” chưa kịp tẩu tán, chôn giấu trước khi bỏ trốn.

Khó có thể nói hết những khó khăn, gian khổ của các lực lượng phối hợp trong những đợt hành quân truy quét “vàng tặc”. Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, họ phải mò mẫm bước đi trong đêm tối dọc theo những con suối đầy rêu, trơn trượt, leo qua những quả đồi, những ngọn núi cao để quản lý, bảo vệ. Cuộc chiến đấu của họ chưa chấm dứt, bởi không ít người vẫn nuôi tham vọng tìm kiếm sự giàu sang trên các bãi vàng; trong lúc, các hầm vàng sau một thời gian dài bỏ hoang, không được gia cố, cùng với đó là hiện tượng đất nhão do nước mưa thẩm thấu, nên nguy cơ sập hầm, ảnh hưởng tính mạng con người rất dễ xảy ra.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Tăng, hiện nay, tình trạng khai thác vàng không còn “rầm rộ” như trước. Không ít đầu nậu đã có dấu hiệu ngao ngán bởi đầu tư tốn kém mà hiệu quả không cao. Bên cạnh công tác nắm tình hình, các ngành chức năng tiếp tục kiến nghị với lãnh đạo huyện liên tục truy quét, không để tình trạng khai thác vàng trái phép kéo dài, ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường trong khu vực. Bên cạnh đó, dân “tọ mọ” nơi đây đa phần là người địa phương, chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân cần phải được thực hiện thường xuyên và tích cực. “Mặc dù, các ngành chức năng thường xuyên truy quét, đẩy đuổi, nhưng đến nay, cơn sốt đào đãi vàng vẫn chưa hạ nhiệt. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm hết sức để giữ bình yên cho rừng đầu nguồn Hòa Bắc”, Trung tá Tăng quả quyết.

Quả thật, sức mạnh của vàng đang thử sức chính quyền địa phương trong việc có ngăn chặn hiệu quả tình trạng này. Hậu họa của những cơn sốt đào đãi vàng sa khoáng là nhiều vạt rừng nguyên sinh bị tàn phá, tình trạng xói mòn, sạt lở sẽ phát sinh trong những mùa mưa lũ gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Và, một khi những nhóm “vàng tặc” sử dụng hóa chất để phân kim thì hiểm họa về môi trường càng tăng lên gấp bội... Đã đến lúc chính quyền địa phương và chủ rừng cần chủ động trong cuộc chiến chống “vàng tặc”, phát hiện truy chặn không để phát sinh, tái diễn tình trạng đào đãi vàng sa khoáng trên lãnh địa của mình.

An Dương