Báo Công An Đà Nẵng

Khi Châu Âu "hùa theo" Anh trừng phạt Nga

Thứ tư, 28/03/2018 10:03

Tính đến ngày 27-3, đã có 22 quốc gia, chủ yếu là các thành viên Liên minh Châu Âu (EU), tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga nhằm đáp trả vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal mà họ cáo buộc do Moscow gây ra - cáo buộc mà Điện Kremlin hoàn toàn bác bỏ.

Cựu điệp viên Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh. Ảnh: Guardian

Tổng thống Donald Trump đã quyết định đứng về "một bên chiến tuyến" với Anh khi ra lệnh trục xuất 60 quan chức ngoại giao Nga, đồng thời đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle cho những liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal.

Washington cho biết, 48 "quan chức tình báo đã được biết đến" tại lãnh sự quán Nga ở Seattle và 12 quan chức khác thuộc phái bộ Nga của LHQ sẽ có 7 ngày để rời khỏi Mỹ. Mỹ có hành động đồng thời với các đồng minh NATO của chúng tôi và các đối tác trên khắp thế giới để phản ứng việc Nga sử dụng vũ khí hóa học cấp độ vũ khí trên đất Anh. Đây là hành vi mới nhất của nước này trong hành vi làm bất ổn trên khắp thế giới", một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói. Vài giờ sau tuyên bố của Mỹ, Canada tuyên bố trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga.

Hơn 100 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất

Tại Châu Âu, 16/28 nước thuộc EU đã quyết định trục xuất tổng cộng hơn 110 nhà ngoại giao Nga khỏi những nước này gồm Pháp, Đức, Ba Lan, Czech, Lithuania, Đan Mạch, Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha, Estonia, Croatia, Phần Lan, Hungary, Latvia, Romania, Thụy Điển. Ngoài Mỹ, các nước không thuộc EU đã đưa ra quyết định tương tự gồm Ukraine, Canada, Albania, Australia, Na Uy, Macedonia.

Bộ Ngoại giao Đức đã xác nhận sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga. Pháp cũng sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga và những quan chức này phải rời đi trong vòng một tuần. Trong một động thái tương tự, Ngoại trưởng Ba Lan Czaputowicz cũng tuyên bố trục xuất 4 quan chức ngoại giao Nga và những người này phải rời đi muộn nhất là ngày 3-4. Lithuania cho biết sẽ trục xuất 3 quan chức ngoại giao Nga, cấm 44 công dân Nga vào nước này. Và Latvia cũng có tuyên bố trục xuất tương tự.

Một số quốc gia EU khác, như Đan Mạch và Cộng hòa Czech, cũng thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Nga, với số lượng tương ứng là 2 và 3 người. Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary tuyên bố: "Dựa trên những gì đã trao đổi trong cuộc họp Hội đồng Châu Âu, Hungary quyết định trục xuất một nhà ngoại giao Nga vì đã tiến hành các hoạt động tình báo tại nước này". Trong khi đó, Ireland tuyên bố sẵn sàng trục xuất ít nhất 1 nhà ngoại giao Nga.

Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Áo cho biết, Thủ tướng Sebastian Kurz tuyên bố, Áo giữ thái độ trung lập trong vụ này và không định trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao nào. Áo cũng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác để khôi phục quan hệ Đông-Tây. "Chúng tôi sẽ không tiến hành bất kỳ biện pháp nào trên bình diện quốc gia. Chúng tôi sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao. Lý do cho việc này là chúng tôi muốn duy trì việc mở các kênh đối thoại với Nga. Cùng chung quan điểm với Áo, Bulgaria cho biết, nước này không có ý định trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định trừng phạt Nga. "Cuộc khủng hoảng liên quan đến cựu điệp viên này là việc riêng của Nga và Anh, họ phải tự giải quyết. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào chống lại Nga liên quan đến vụ việc này", ông Bozdag cho biết.

Nga tuyên bố đáp trả

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, việc trục xuất các đại diện chính thức của Nga và đóng cửa phái bộ nước này tương đương với những hành động nhằm đối đầu và "không thể biện minh cho những hành động này". Theo ông, Nga sẽ không để nước này bị đẩy vào tình trạng suy sụp tinh thần do những hành động chống Moscow.

Ông Antonov cũng cho rằng việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ nhiều khả năng đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng bị trì hoãn cho đến khi có cơ hội thích hợp. Theo ông, những vấn đề nội bộ mà Washington và London đang cố che giấu đằng sau "mối đe dọa Nga" sẽ không biến mất. Ông cho rằng "các đối thủ của chúng tôi không thích nước Nga hùng mạnh với những năng lực được thể hiện gần đây".

Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia cáo buộc hành động của Mỹ là lạm quyền, bởi trong số 60 nhà ngoại giao Nga bị ông Trump ra lệnh trục xuất có 12 người thuộc đoàn đại biểu Nga ở LHQ. "Việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga cũng như những hành động không thiện chí gần đây - như phong tỏa tài sản ngoại giao của Nga, không cấp thị thực cho nhân viên Nga - có thể coi là hành vi lạm quyền của Mỹ trong vai trò nước chủ nhà", ông nói.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga sẽ đáp trả tương xứng việc Mỹ và EU trục xuất các nhà ngoại giao Nga trong những ngày tới.

AN BÌNH