Báo Công An Đà Nẵng

Khi Chính phủ vào cuộc

Thứ bảy, 30/09/2017 09:52

Sự kiện thể thao đáng quan tâm nhất tuần này chính là cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, LĐBĐ Việt Nam (VFF) và đại diện một số bộ ngành liên quan về thực trạng bóng đá Việt Nam, cũng như tình hình tổ chức và hoạt động của VFF. Nói theo cách đơn giản của nhiều người, Chính phủ đã vào cuộc trước thực trạng quản lý, điều hành hoạt động bóng đá còn nhiều bất cập, người hâm mộ không còn mặn mà.

Khán đài sân Hòa Xuân thưa khán giả ở trận bán kết Cúp QG
giữa SHB Đà Nẵng và B.Bình Dương.
    Ảnh: Q.HẢI

Thời gian qua có nhiều thông tin cho rằng trong nội bộ lãnh đạo VFF đấu đá lẫn nhau gây mất đoàn kết. Trên một số tờ báo cũng đã xuất hiện những bài viết không mang tính xây dựng gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói, những thông tin này xuất hiện ngay sau thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29, càng khiến niềm tin của người hâm mộ với bóng đá nước nhà cạn dần.

Thực tế bóng đá Việt Nam đang có quá nhiều tồn tại. Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL, VFF nêu rõ, thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Phong trào tập luyện và thi đấu bóng đá phát triển rộng rãi. Cơ sở vật chất, sân bãi được đầu tư mạnh. Nhiều câu lạc bộ, trung tâm tập luyện, đào tạo bóng đá trẻ được thành lập. Hệ thống các giải bóng đá phong trào, chuyên nghiệp được tổ chức đều đặn ở tất cả các lứa tuổi, cấp độ và đạt được một số thành tích tại các giải quốc tế. Công tác xã hội hóa bóng đá được đẩy mạnh, thu hút được nhiều nguồn lực để phát triển bóng đá. Hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân tham gia đầu tư vào các câu lạc bộ, tài trợ tổ chức các giải thi đấu…

Tuy nhiên, hoạt động quản lý, điều hành trong bóng đá còn nhiều tồn tại, bất cập từ phát triển bóng đá phong trào đến các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Công tác đào tạo, huấn luyện, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho vận động viên chưa được coi trọng đúng mức. Những biểu hiện tiêu cực như đánh bạc, dàn xếp tỷ số, hành vi bạo lực, thiếu văn hóa trong thi đấu vẫn còn xảy ra...

Một trong những vấn đề được nhiều ý kiến tập trung phân tích tại buổi làm việc là đi tìm câu hỏi “tại sao người hâm mộ không còn mặn mà với bóng đá nước nhà?”. Bởi lẽ, khán giả chính là bức tranh phản ánh chân thực nhất sự thành công hay thất bại của một nền bóng đá. Thực tế cho thấy, các sân bóng đá V-League ngày càng thưa dần khán giả đến cổ vũ; còn những trận đấu ở giải hạng Nhất thì phần lớn diễn ra dưới cảnh khán đài đìu hiu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, bóng đá là môn thể thao rất được công chúng quan tâm. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, trong đó coi việc phát triển bóng đá “là công cụ hữu hiệu để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế”. Chiến lược đã triển khai được 4 năm, Bộ VH-TT&DL cần khẩn trương tiến hành sơ kết việc thực hiện Chiến lược này, làm rõ quan điểm, các mục tiêu, định hướng lớn cần phải điều chỉnh, bổ sung, lộ trình thực hiện trong những năm tới. Phó Thủ tướng yêu cầu, quan trọng nhất trong việc sơ kết Chiến lược là phải phân tích rõ bất cập, nguyên nhân; nhìn nhận nghiêm khắc và quy rất rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, do cơ chế, điều kiện khách quan hay chủ quan trong từng nội dung; trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương đến đâu; cơ cấu tổ chức và hoạt động của VFF đã tuân thủ pháp luật về tổ chức xã hội nghề nghiệp, quy định của các liên đoàn bóng đá quốc tế mà VFF là thành viên?

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTT&DL tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe ý kiến của tất cả những người trong giới chuyên môn, các bên liên quan, người hâm mộ tâm huyết với sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Ngay lập tức, sự kiện Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo khẩn trương sơ kết Chiến lược phát triển bóng đá, đưa ra giải pháp xử lý tận gốc những tồn tại ở bóng đá Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Nhiều HLV, cựu cầu thủ và người hâm mộ đăng đàn quan điểm ủng hộ ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo đó, đa phần kỳ vọng về một cuộc cải tổ triệt để để bóng đá Việt Nam phát triển.

Nói theo lời HLV Lê Thụy Hải, lâu lắm rồi bóng đá Việt Nam mới có được sự quan tâm sâu sắc từ một vị lãnh đạo Chính phủ. Không vui sao được!

KHÁNH HÒA