Khi di tích quốc gia thành Điện Hải được đặt đúng vị trí đặc biệt
Hôm nay (29-3), hòa trong không khí kỷ niệm 43 năm ngày Đà Nẵng giải phóng, UBND TP long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và khởi công Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích này. Đây có thể được xem là sự kiện lịch sử mở ra trang mới trong công tác trùng tu, bảo tồn các giá trị văn hóa- lịch sử trên địa bàn TP, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hóa - du lịch Đà Nẵng trong tương lai.
Một góc Thành Điện Hải. |
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện- Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, Thành Điện Hải là một trong những công trình phòng thủ có quy mô lớn dưới thời nhà Nguyễn. Đây là tâm điểm trong cuộc đụng đầu lịch sử của dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Sau hơn một năm (1-9-1858- 23-3-1860), dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, quân dân Đà Nẵng bằng sự mưu trí, dũng cảm, đã chiến đấu can trường, lập phòng tuyến, vây hãm quân địch, triệt đường tiếp tế..., buộc chúng phải rút quân. Giá trị văn hóa- lịch sử lớn lao của Thành Điện Hải được sử sách lưu ghi. Đã có biết bao chí sĩ, nghĩa sĩ đã anh dũng hy sinh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Vì thế, quả không sai khi nói rằng, Thành Điện Hải chính là "Bàn thờ" của TP Đà Nẵng, là chứng tích hùng hồn, là biểu tượng của lòng yêu nước, đức hy sinh và sự bao dung, vị tha của người Đà Nẵng với quân xâm lược. Bởi kể từ khi liên quân Pháp- Tây Ban Nha rút khỏi Đà Nẵng, những phần mộ của các sĩ quan, quân lính bị tử trận được chôn tại nghĩa địa dưới chân núi Sơn Trà vẫn được người dân Đà Nẵng chăm sóc...
Ông Đặng Việt Dũng- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng- kiểm tra thực tế về công tác giải phóng mặt bằng phục vụ việc khởi công trùng tu, tôn tạo Thành Điện Hải. Ảnh: P.T |
Trải qua gần 200 năm với nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử cùng sự tàn phá của chiến tranh, cả của con người, di tích lịch sử đặc biệt này đã bị xuống cấp trầm trọng cả vùng đệm lẫn vùng lõi- yếu tố gốc của di tích. Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, sau năm 1975, nhất là từ khi Thành Điện Hải được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1988 đến ngày 25-12-2017 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, câu chuyện trùng tu, bảo tồn giá trị của di tích này đã nhiều lần được những người làm công tác văn hóa, bảo tồn di sản cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử đặt ra. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, việc quan tâm, đầu tư để trùng tu, tôn tạo di tích này vẫn nằm trong giới hạn... Năm 2005, TP đã cho tu bổ một phần đoạn tường thành, hào thành phía Nam và phía Đông thành. Riêng phía Bắc và phía Tây thì hoàn toàn bị xâm hại... Trong câu chuyện trao đổi trước ngày diễn ra sự kiện quan trọng này, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, những người làm công tác văn hóa, bảo tồn di sản Đà Nẵng luôn trăn trở làm thế nào để trả đúng giá trị văn hóa lịch sử to lớn cho Thành Điện Hải. Họ đã dồn biết bao tâm huyết, trí tuệ, sự quyết tâm để dự án này được thực hiện... Cũng theo ông Thiện, để dự án này được TP thông qua, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của những người làm văn hóa, bảo tồn di sản, sự đồng hành, ủng hộ của báo chí, truyền thồng, còn có sự đóng góp lớn cá nhân ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng- trong việc đặt vấn đề với lãnh đạo TP xem xét, cho khôi phục, trùng tu, tôn tạo, đặt đúng vị trí đặc biệt cho Thành Điện Hải. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo TP đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để từng bước bảo vệ, tu bổ, phục hồi di tích này. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án hoàn thành tháng 10-2018 với kinh phí 102,7 tỷ đồng, gồm các hạng mục: giải tỏa, đền bù nhà ở, vật kiến trúc (đã thực hiện 80 tỷ đồng), phục hồi nguyên trạng hệ thống tường thành, kè hào, hạ tầng cấp thoát nước, tạo cảnh quan chung quanh như khuôn viên, cây xanh, bãi đỗ xe (22,7 tỷ đồng). Trong năm 2019-2020 sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2, gồm các hạng mục bên trong Thành. Đây được xem là giai đoạn khó nhất. Bởi lẽ, để phục dựng nguyên gốc, không đánh mất đi giá trị của di sản, đồng thời làm thế nào để phát huy được công năng hoạt động bên trong của công trình cần được bảo tồn này, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu về những giá trị lịch sử mà Thành Điện Hải để lại là công việc không hề đơn giản, không thể ngày một, ngày hai làm được... Ông Quốc Thiện cho biết thêm, tư liệu liên quan đến Thành Điện Hải hiện có là tư liệu thành văn, tư liệu khảo tả. Nếu như Thành cổ Sơn Tây người Pháp còn chụp được các công trình bên trong, thì Thành Điện Hải hầu như không có ảnh vẽ, chủ yếu là vẽ khảo tả...
Việc Thành Điện Hải được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt cùng với việc khởi công trùng tu, tôn tạo di tích này là sự kiện lịch sử của văn hóa Đà Nẵng. Điều còn lại, sau khi di tích quốc gia đặc biệt này được trùng tu, tôn tạo, nhiệm vụ của những người làm công tác văn hóa, bảo tồn di sản lịch sử là phải làm sao để phát huy được công năng hoạt động bên trong công trình; xây dựng nơi đây thành bảo tàng sự kiện 1858, nơi trưng bày tư liệu, tài liệu, hiện vật có liên quan. Đồng thời đây còn là nơi để nhân dân Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh thời đầu kháng Pháp. Phải xây dựng Thành Điện Hải trở thành địa điểm văn hóa- lịch sử tâm linh. Để mỗi khi đến đây, các thế hệ hôm nay, mai sau luôn được nhắc về một thời kỳ lịch sử bi tráng, hào hùng của một dân tộc không bao giờ khuất phục trước những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Để từ đó, mỗi người càng có ý thức trách nhiệm hơn của một công dân đối với đất nước, với sự hy sinh của lớp lớp người đi trước.
P.THỦY