Báo Công An Đà Nẵng

Khi EU ve vuốt Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ hai, 25/04/2016 07:50

(Cadn.com.vn) - Từ hôm 23-4, Thủ tướng Đức Chancellor Angela Merkel cùng các quan chức Liên minh Châu Âu (EU), trong đó có Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk, bắt đầu chuyến thăm đến Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực tạo đà thúc đẩy một thỏa thuận về vấn đề người di cư mà Brussels và Ankara đạt được hồi tháng trước nhằm giúp giảm dòng người di cư vào lục địa già. Đây cũng là vấn đề làm dấy lên những chỉ trích gay gắt từ các nhóm nhân quyền, Cơ quan tị nạn LHQ và một số nhà lãnh đạo EU.

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Đức có chặng dừng chân quan trọng tại Gaziantep, khu vực có trại tị nạn lớn nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Tại đây, người phụ nữ quyền lực này nhấn mạnh, Ankara đã có “đóng góp lớn nhất” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm cả Châu Âu này khi họ đã chào đón người tị nạn Syria và cho đến nay đã tiếp nhận đến 3 triệu người tị nạn của quốc gia láng giềng đang bị chiến tranh tàn phá (mặc dù giới quan sát chỉ trích hầu hết số người này đều sống trong nghèo đói).

Các nhà lãnh đạo Châu Âu đang nỗ lực chứng tỏ thiện chí hợp tác hết mình với Ankara, nhất là việc chi số tiền hỗ trợ lên đến 6 tỷ EUR cho Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thỏa thuận đã đề ra. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo cho những người tị nạn và EU có thể hỗ trợ nhiều dự án trong lĩnh vực này, trên cơ sở thỏa thuận về giải quyết vấn đề người tị nạn đã ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ.  Đáng chú ý, nhà lãnh đạo này đề cập lại đến việc cần thiết lập vùng cấm bay ở khu vực miền bắc Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ người tị nạn.

Về phần mình, ông Tusk cũng hết lời ve vuốt Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng, nước này là hình mẫu điển hình tốt nhất trên thế giới về cách đối xử với người tị nạn. Theo ông, thỏa thuận về người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ giúp làm giảm đáng kể số người tị nạn vượt biển Aegean để đến Châu Âu, cũng như giúp hình thành những tuyến di cư hợp pháp.

Quan hệ giữa Berlin và Ankara đang căng thẳng sau cảnh báo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về khả năng thỏa thuận bước ngoặt này sẽ sụp đổ nếu EU không kịp “cứu nó” bằng quyết định miễn thị thực đi lại cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.  Liên minh 28 quốc gia này cam kết sẽ đưa ra đề xuất thị thực này vào tháng 4 nếu Ankara tuân thủ các điều khoản thỏa thuận. Hôm 23-4, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận với EU, trong đó điển hình là việc cấp giấy phép lao động cho người tị nạn và “chờ đợi bước đi cần thiết” của EU.

Tuy nhiên, dường như đang có sự mâu thuẫn giữa các nước vì mối lo khủng bố có thể lợi dụng lỗ hổng này. Nếu EU không thực hiện đúng lời hứa, chắc chắn Ankara sẽ nổi giận và nguy cơ thỏa thuận đổ vỡ hiện hữu trước mắt.

Thanh Văn