Báo Công An Đà Nẵng

Khi giới trẻ nghiện "Vua hải tặc"

Thứ năm, 14/05/2015 10:36

(Cadn.com.vn) - Pirate king (vua hải tặc) là ứng dụng trò chơi do hãng Jelly Button Games phát triển trên nền tảng mạng xã hội Facebook (FB). Xuất hiện từ cuối năm 2014, game thu hút giới trẻ Đà Thành bởi đồ họa bắt mắt, sống động, khả năng tương tác cao với bạn bè... Ban đầu chỉ là chơi giải trí, song nhiều người sau đó đã “nghiện”. Hệ quả khiến kết quả học tập sa sút, trở thành những kẻ bạo lực, côn đồ, tạo ra những mâu thuẫn trong HS, SV...

MÂU THUẪN VÌ GAME

Theo khảo sát, game vua hải tặc (VHT) được phần đông giới trẻ Đà Nẵng ưa thích vì đồ họa bắt mắt, sống động, khả năng tương tác cao với bạn bè. Bạn Phan Quang Vinh (SV năm 3, ngành CNTT ĐH Sư phạm Đà Nẵng) khoe: “Mình chơi trò này được hơn 6 tháng nay. Ban đầu nghe thằng bạn giới thiệu nên chỉ chơi cho biết nhưng càng chơi càng “ghiền”. Trong trò chơi, bạn sẽ hóa thân thành một cướp biển. Nhiệm vụ chính là thu thập “tài nguyên” để xây dựng hòn đảo của mình, đồng thời bảo vệ “căn cứ địa” chống lại sự tấn công của kẻ thù. Để bắt đầu game, ta cần phải quay một vòng tương ứng với các ô defend (phòng thủ), Attack (tấn công), Steal (lấy cắp)”.

Lý giải vì sao dù mới xuất hiện trong một thời gian ngắn tuy nhiên VHT đã tạo thành một “trào lưu” trong  giới trẻ Đà Thành. Game thủ H.Quang Nhật (HS Trường THPT Trần Phú) cho biết: “VHT rất dễ gây “nghiện”, người chơi game này sẽ có cảm giác vui vẻ, hạnh phúc khi kiếm đủ tiền xây đảo hoặc cướp được tiền từ người chơi khác, hay “hả hê” khi trả thù kẻ đã bắn nát “nhà” mình. Lớp mình có nhiều bạn dùng điện thoại di động chơi trò này trong giờ học bị thầy cô bắt vẫn “chứng nào tật ấy”, đứa không có “dế” xịn thì “cúp cua” tiết học trốn ra quán net chơi.

Chính vì khả năng cho phép người chơi tấn công, lấy tài sản từ các hòn đảo lân cận trong Friendlish (danh sách bạn bè) nên trò chơi này đã tạo nên mâu thuẫn trong giới trẻ khiến mối quan hệ bạn bè bị sứt mẻ. Bạn Võ Duy Hùng (SV năm 2, ngành Cử nhân văn học, Trường ĐH Sư Phạm) cho hay: “Những người chơi liên tục gửi lời mời chơi game này đến bạn bè của mình bằng mọi cách nhắn tin, điện thoại…khiến mọi người cảm thấy phiền phức và tìm cách ngăn chặn, tránh xa. Càng lôi kéo nhiều người chơi, game thủ sẽ nhận được cơ hội có thêm tiền để củng cố “căn cứ” của mình. Ngoài ra, họ có thể dễ dàng phá các hòn đảo của bạn mình, nhẹ thì cướp bóc, nặng thì thiêu rụi. Điều này dẫn đến việc nhiều người chơi vì tấn công nhau trên game mà đã trở nên mâu thuẫn, bức xúc, cãi vã nhau ngoài đời thực bằng nhiều cách như nhắn tin, điện thoại đe dọa đối phương hoặc đăng những dòng status có lời lẽ không lành mạnh lên mạng xã hội…

Cày "Vua hải tặc" thâu đêm suốt sáng khiến nhiều bạn trẻ mất sức khỏe,
học tập không hiệu quả.

CÀY” THÂU ĐÊM SUỐT SÁNG

Một số Ét- vê cay cú vì bị bạn mình phá đảo nên lập hội liên minh trả thù. Thanh Tuấn (SV năm 1, ngành CNTT ĐH Sư phạm) là một ví dụ. Mỗi lần học cứ thấy bạn nhắn tin: “Liên minh (từ dùng trong trò chơi VHT) đang bị tấn công, ra quán net “A lê hấp” bọn kia ngay nhé”. Thế là Tuấn nhấp nhỏm không yên, chuồn ra quán net hội họp với chiến hữu. Những cảnh bắn nhau trong game dường như đã trở thành thói quen với cậu Ét-vê năm nhất này, không có là khó chịu.

VHT là game có tính giải trí cao. Tuy nhiên nó cũng có hạn chế là chỉ cần Out (thoát) game khoảng vài phút thì hòn đảo của bạn sẽ bị đối thủ bắn nát thành tro. Nên vì không muốn thành quả của mình bị hủy, nhiều bạn phải thức thâu đêm để canh chừng vì chỉ cần sơ sẩy 1 chút cũng có thể bị “ăn quả đắng”.  Cùng với đó, nhiều SV trong dãy trọ lập hội chơi game “độ”. Ban đầu chỉ là cử cà-phê, cơm trưa và rồi xe máy, giấy tờ tùy thân “chuyển hộ khẩu” sang tiệm cầm đồ. Họ mất ăn, mất ngủ đốt sức khỏe, thời gian, tiền bạc vào VHT. Hôm sau đến lớp gật gà gật gù, tiếp thu bài kém, kết quả học tập sa sút. Thanh Hoàng (HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám) tâm sự về người bạn tên là Quý: “Năm lớp 10, 11 Quý học giỏi lắm, nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, được thầy yêu, bạn quý. Nhưng từ khi chơi VHT, Quý phải thường xuyên thức đêm cày game, đến lớp ngủ gật, bị giáo viên ghi vào sổ đầu bài vì sử dụng điện thoại trong giờ học… Học kì 1, năm lớp 12, Quý bị nhà trường ra quyết định đình chỉ học 1 tháng!”.

Bạn Đức Minh (HS Trường THPT Phan Châu Trinh) cho rằng: “Mình chơi trò VHT đã được 1 năm. Suy cho cùng bản thân những người chơi game đều ý thức được hệ lụy của game online (GO) nhưng không thoát ra được bởi tính hấp dẫn của nó. Thêm vào đó, gia đình và xã hội lại có cái nhìn thiếu thiện cảm với người chơi game khiến game thủ lại càng muốn lao vào đời sống online. GO có tính cộng đồng rất cao. Trong một game có hàng trăm hàng nghìn nhóm cộng đồng khác nhau. Các cao thủ trong game là người có tiếng nói trong cộng đồng của mình. Họ có thể đưa ra lời khuyên cho game thủ. Vậy muốn tuyên truyền, giáo dục về tác hại của game thì đầu tiên phải tác động đến các cao thủ GO vì họ chính là những người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng”, Minh nói.

Xã hội ngày càng phát triển, hàng loạt loại hình giải trí ra đời hấp dẫn giới trẻ, GO là một trong số đó. Thu hút người chơi bởi đồ họa sống động, nhân vật, tình tiết được dàn dựng công phu…Ban đầu chỉ là chơi cho đỡ buồn, song nhiều người sau đó “nghiện” đốt tiền bạc, thời gian, sức khỏe khiến kết quả học tập sa sút, thay đổi nhân cách, lối sống, trở thành những người bạo lực, côn đồ… Chuyện giới trẻ nghiện game không còn là vấn đề mới nhưng đã đến lúc nhà trường và xã hội cần quan tâm, tuyên truyền, giáo dục, giúp HS, SV nhận thức đúng đắn tác hại của internet, game online nhằm tránh những hệ lụy và trò chơi này mang đến.

Việt Thành