Khi học sinh làm phim ngắn - nhìn từ một cuộc thi
Cuộc thi sáng tác phim ngắn về phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường năm 2021 do Sở LĐTB&XH phối hợp Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức đã thức khép lại với 8 giải thưởng được trao, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại mãi trong những người tham gia thi.
Tự hóa trang cho nhau.
Chỉ trong thời gian ngắn phát động, cuộc thi đã nhận được 50 tác phẩm phim ngắn do học sinh của 50/93 trường THCS & THPT trên địa bàn TP gửi dự thi. Theo thể lệ cuộc thi, tác phẩm dự thi sẽ được đăng tải trên mạng xã hội thông qua trang Fanpage Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội. Tác phẩm đạt giải dựa trên điểm của BGK và số lượt "Like" "Share". Chỉ trong 11 ngày kể từ đăng tải (18-12 đến 29-12-2021), các tác phẩm dự thi đã thu hút 413.794 lượt tiếp cận, 81.517 lượt người xem, 21.774 lượt "Like, Love" và 17.930 lượt "Share". Điều đó phần nào minh chứng sức hấp dẫn cùng hiệu ứng của cuộc thi mang lại cho học sinh nói riêng, cộng đồng mạng xã hội nói chung.
Là một trong những thành viên tham gia chấm giải, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng Phòng Tư tưởng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP cho hay, 50 tác phẩm dự thi đều được Ban giám khảo đánh giá cao, có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng, kịch bản hay, có ý nghĩa. "Theo tôi, 50 tác phẩm tham dự cuộc thi phim ngắn dành cho học sinh bậc THCS, THPT về đề tài phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường đều xứng đáng được sử dụng trong công tác tuyên truyền; hiệu ứng tuyên truyền rất cao. Tiếc là cơ cấu giải thưởng có hạn nên chỉ có 8 giải được trao", ông Vương nhìn nhận.
Trong 50 tác phẩm phim ngắn dự thi, ấn tượng nhất là tác phẩm đạt giải nhất có tên "Nỗi đau" do nhóm HS Trường THPT Thái Phiên gồm 15 thành viên của lớp 12/1 & 12/11 thực hiện. So với 49 tác phẩm phim cùng dự giải, "Nỗi đau" có sự đầu tư công phu cả về nội dung kịch bản đến chọn lựa hình ảnh, bối cảnh quay. Phim kể về chàng chiến sĩ Công an trẻ nối nghiệp cha- người đã anh dũng hy sinh khi truy bắt tội phạm ma túy. Và rồi anh cũng hy sinh khi đang truy bắt tội phạm, để lại người mẹ với nỗi đau mất đi hai người yêu thương nhất…
Mở đầu phim là hình ảnh người mẹ lặng lẽ sửa lại trang phục CAND cho cậu con trai duy nhất trước bàn thờ chồng cùng lời dặn dò nhớ giữ gìn, bởi đây là nghề luôn đối mặt với hiểm nguy. Nhưng cuối cùng chàng trai trẻ ấy đã không thể thực hiện được lời hứa với mẹ. Anh đã hy sinh ngay trong ngày sinh nhật của mình khi truy bắt đối tượng liên quan đến ma túy. Hình ảnh người mẹ ngồi bên mâm cơm đợi con cùng chiếc bánh sinh nhật trước bàn thờ chồng cùng đoạn kết phim khi người mẹ trao cho kẻ đã đâm chết con mình cùng một câu nói: "Cô chỉ mong cho kẻ đâm chết con mình ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng" đã chạm được tới trái tim người xem bởi tính nhân văn cùng thông điệp mà nhóm làm phim muốn gửi tới người xem: Cuộc chiến ma túy chưa bao giờ là dễ dàng, nhiều chông gai, lắm khốc liệt và chưa có hồi kết.
Chia sẻ về quá trình làm phim, em Duy Long - HS lớp 12/11, thành viên nhóm làm phim xúc động thổ lộ: "Ngay từ khi nhà trường phát động cuộc thi, chúng em nhận thấy đây là một sân chơi ý nghĩa, rất đáng thử sức. Sau khi thành lập nhóm, chúng em lao ngay vào làm kịch bản. Trong kịch bản, chúng em chọn nhân vật chính là anh chiến sĩ Công an phòng chống tội phạm, chứ không phải là người sử dụng ma túy. Nội dung phim muốn chuyển tải đến với mọi người rằng, ma túy không đơn thuần chỉ hại người sử dụng mà làm hại cho rất nhiều người khác. Cụ thể ở đây là người chiến sĩ Công an bảo vệ sự bình yên cho mọi người".
Nhóm học sinh Trường THPT Thái Phiên trong quá trình làm phim ngắn "Nỗi đau".
Qua cô Nguyễn Thị Hoàng Hiếu - Phó Hiệu trưởng hoạt động ngoài giờ lên lớp trường THPT Thái Phiên, được biết, sau khi cuộc thi được phát động, nhà trường đã tổ chức cuộc thi cấp trường để chọn ra tác phẩm xuất sắc nhất dự thi. "Chỉ trong thời gian ngắn, nhà trường đã nhận được 20 tác phẩm do HS tự biên, tự diễn là chính. Qua chấm chọn, nhà trường đã chọn tác phẩm "Nỗi đau" để đem đi dự thi. Đây là tác phẩm được các em đầu tư công phu, nội dung tốt. Nhà trường chỉ góp ý các em cắt những đoạn không phù hợp mà thôi", cô Hoàng Hiếu cho biết thêm.
Ngoài "Nỗi đau", tác phẩm "Ai cũng có thể" do học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai (giải Nhì) cũng là một tác phẩm chạm đến trái tim người xem. Thông qua ngôn ngữ ký hiệu, "Ai cũng có thể" gửi gắm thông điệp của học sinh khuyết tật: Trong bất cứ chúng ta, ai ai cũng có thể bị nhiễm ma túy nếu không có ý thức phòng chống. Trong môi trường học đường, học sinh nói chung và học sinh khuyết tật nói riêng đều có thể bị cám dỗ dẫn đến nghiện ngập chất độc nguy hiểm này…
Với những gì mà các em học sinh thể hiện qua cuộc thi sáng tác phim ngắn này, có thể nói "các em học sinh thế hệ trẻ hiện nay rất thông minh, năng động, vận dụng linh hoạt các phương tiện, công cụ máy móc hiện đại, hình ảnh, màu sắc và âm thanh sống động, xây dựng những tác phẩm rất hay, có ý nghĩa nhân văn; lối diễn xuất gần gũi, chân thật và rất mộc mạc", như nhận xét của ông Ngô Ngọc Hoàng Vương.
Mong ngày càng có nhiều sân chơi nghệ thuật bổ ích để học sinh, giới trẻ Đà Nẵng được thử mình trên lĩnh vực vốn rất kén chọn này.
P.Thủy