Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Khi ly hôn, có buộc phải hòa giải?

Thứ ba, 27/09/2016 10:24

(Cadn.com.vn) - Ông Đặng Văn Trung (trú Quảng Ngãi) hỏi: Vợ tôi đã bồng con bỏ về quê mẹ (Long An) hơn 1 năm nay. Tôi đã làm đơn yêu cầu tòa án (TA) tại Long An giải quyết ly hôn (vợ không chịu ly hôn). Qua trao đổi với thư ký TA, tôi phải tiếp tục vào TA tại Long An để hòa giải (một lần hoặc có thể hơn) rồi sau đó TA mới xử cho ly hôn. Vì điều kiện ở xa và tôi bận công việc nên gặp khó khăn trong việc đi lại, tôi có thể yêu cầu TA xử cho ly hôn mà không cần hòa giải không?

Thạc sĩ - Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Ly hôn không như kết hôn. Khi vợ chồng ly hôn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái, dẫn đến ảnh hưởng xã hội. Do đó, pháp luật về hôn nhân và gia đình có quy định: khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại TA không thành thì TA giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng, làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Như vậy, cần phải hiểu rằng hòa giải tại TA là một thủ tục bắt buộc để hai bên vợ hoặc chồng có cơ hội được hàn gắn, đoàn tụ với nhau, TA chỉ xử án khi hòa giải đoàn tụ không thành. Lưu ý rằng, TA chỉ xử cho ly hôn nếu có cơ sở hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được chứ không nên hiểu rằng TA một khi xử là chắc chắn sẽ cho ly hôn.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn
của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Điện thoại tư vấn: 0905102425