Báo Công An Đà Nẵng

Khi nào cần làm xét nghiệm máu ?

Thứ năm, 25/07/2019 08:00

Khi đi khám bệnh hay kiểm tra sức khỏe, chúng ta thường được cho làm xét nghiệm máu. Xét nghiệm nói chung, còn gọi là cận lâm sàng, là bước thứ ba trong khám bệnh; hai bước đầu là hỏi bệnh và khám thực thể người bệnh.

Khi khám bệnh mà không xác định được chẩn đoán thì xét nghiệm sẽ hỗ trợ việc chẩn đoán này. Có nhiều loại xét nghiệm, như xét nghiệm chất dịch cơ thể, xét nghiệm hình ảnh (siêu âm, CT scan, MRI...), nội soi, thăm dò chức năng... Trong đó, xét nghiệm máu thường được dùng nhất.

Xét nghiệm máu là lấy máu để xét nghiệm một hoặc nhiều chất trong máu nhằm góp phần đánh giá tình trạng sức khỏe.

Xét nghiệm máu được thực hiện khi:

- Kiểm tra sức khỏe một hay nhiều cơ quan, cấu trúc trong cơ thể, chẳng hạn kiểm tra tế bào gan có bị tổn thương không qua xét nghiệm men gan, tế bào cơ tim có bị tổn thương không qua xét nghiệm men tim, kiểm tra các cơ quan trước mổ gọi là xét nghiệm tiền phẫu, xét nghiệm chức năng thận, chức năng gan.

- Phát hiện một bệnh lý nào đó dạng tiềm ẩn không thể hiện ra ngoài, ví dụ xét nghiệm đường máu xem có bị tiểu đường không, xét nghiệm công thức máu xem có bị thiếu máu không.

- Khi cơ thể chúng ta có triệu chứng bất thường mà thăm khám không xác định được bệnh, nguyên nhân nào gây ra bệnh... Chẳng hạn, khi sốt, xét nghiệm công thức máu để xem nhiễm vi trùng hay vi-rút; khi vàng da, xét nghiệm để xem nguyên nhân bệnh gan, hồng cầu vỡ hay tắc đường dẫn mật; viêm đau khớp, xét nghiệm máu giúp phân biệt bệnh gút hay thấp khớp tự miễn...

- Xét nghiệm  máu còn giúp đánh giá mức độ bệnh, kết quả điều trị, diễn tiến bệnh, hay tái phát bệnh.

Trong máu có rất nhiều chất, tùy trường hợp mà làm xét nghiệm chất gì, và có những trường hợp xét nghiệm máu không giúp ích gì. Không phải xét nghiệm máu tìm ra mọi bệnh tật.

Xét nghiệm máu có thể có sai số nào đó. Hai giá trị luôn được đề cập là độ nhạy - tức khả năng phát hiện bất thường và độ đặc hiệu - khả năng loại trừ không có bất thường, có giá trị cao thấp khác nhau tùy loại.

Khắc phục sai số này bằng cách kết hợp kết quả xét nghiệm máu với thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh và trao đổi với người bệnh. Không đơn thuần dựa vào xét nghiệm để xác định bệnh, mà cần kết hợp với kết quả hỏi bệnh và thăm khám trước đó hoặc cần khám lại khi có kết quả xét nghiệm. Có thể kết hợp nhiều loại xét nghiệm lại với nhau nhưng không nên lạm dụng xét nghiệm.

BS CKII NGUYỄN HỮU HÒA

(Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng)