Báo Công An Đà Nẵng

Khi Nga-Thổ “bắt tay”

Thứ năm, 24/10/2019 11:29

Cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, vốn tập trung chủ yếu về cuộc xung đột tại Syria, đã đạt được thành quả như mong đợi.

Cả hai cuối cùng đã đi đến một “thỏa thuận lịch sử” đúng như lời ca ngợi của ông Erdogan. Thỏa thuận gồm 10 điểm, tập trung vào sự hiện diện của lực lượng người Kurd (YPG) tại đông bắc Syria, mối quan tâm chủ yếu của Ankara. Ngoài ra, theo thỏa thuận, cả hai nhất trí các lực lượng của YPG sẽ lui quân về khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30km và sẽ rời khỏi các thị trấn Tel Rifaat và Manbij trong vòng 150 giờ, kể từ 12 giờ ngày 23-10. Ankara cũng đạt được một thỏa thuận “xuất sắc” với Nga nhằm thiết lập một “vùng an toàn phi khủng bố” tại miền đông bắc Syria.

Thỏa thuận quan trọng này giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là điều gì đó quá bất ngờ. Nhưng việc cả hai dễ dàng đạt được nó dường như muốn truyền tải thông điệp rằng, Mỹ đã bị “ra rìa” trong kế hoạch định hình tương lai của Syria. Và thỏa thuận tại Sochi lần này rõ ràng cũng cho cả thế giới thấy rằng, Nga sẽ là “vị anh hùng mới” của người Kurd sau khi Mỹ bỏ rơi lực lượng từng là đồng minh thân cận của họ. Điều này đồng nghĩa với việc người Kurd sẽ phải nhượng bộ.

Trong một tuyên bố ngày 23-10, Điện Kremlin cũng cho rằng, Mỹ đã phản bội và bỏ rơi người Kurd ở Syria, đồng thời khuyến cáo lực lượng người Kurd rút khỏi khu vực biên giới Syria theo thỏa thuận giữa Moscow và Ankara nếu không sẽ bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đối xử thô bạo. Ông cho rằng, dường như Mỹ đang khuyến khích người Kurd trụ lại gần biên giới Syria và chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Peskov, nếu người Kurd không rút khỏi khu vực đông bắc Syria theo thỏa thuận giữa Moscow và Ankara thì lực lượng biên phòng Syria và quân cảnh Nga sẽ phải rút, bỏ lại người Kurd cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xử lý”.

 Những cảnh báo mạnh mẽ này từ phía Moscow khiến người Kurd buộc phải lựa chọn giữa việc bị tấn công hoặc rút lui theo điều kiện. Việc người Kurd rút lui sẽ khiến vị thế của Nga tại Trung Đông gia tăng, đối ngược hoàn toàn với tình thế hiện nay của Mỹ. “Kẻ thua cuộc lớn nhất về địa chính trị trong thỏa thuận này chính là Washington. Sự rút quân nhanh chóng của Mỹ bỏ lại người Kurd là một món quà cho ông Putin” - tờ CNN cũng cùng chung nhận định.

KHẢ ANH