Báo Công An Đà Nẵng

Khi ngành Y “chảy máu chất xám”

Thứ tư, 22/03/2023 08:08

Thực trạng “chảy máu chất xám” ở các cơ sở y tế công lập đã khiến ngành Y thiếu hụt nguồn nhân lực lớn và người dân chính là người bị thiệt thòi nhất từ hệ lụy này...

Nhân viên y tế công lập luôn mong mỏi được cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. (ảnh có tính minh họa)

1. Đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, tôi tình cờ gặp một người quen đang công tác tại một bệnh viện công ở Đà Nẵng. Cô cho biết, mình vừa đi dự buổi chia tay đồng nghiệp (làm điều dưỡng) xin nghỉ việc để chuyển sang một công việc không liên quan gì đến ngành Y. Vì có biết nữ đồng nghiệp đó, tôi lấy làm tiếc hỏi nguyên nhân thì được biết, lương thấp, công việc quá vất vả, áp lực, thường xuyên trực đêm hôm nên không lo được cho gia đình trong khi bản thân cô là trụ cột.

Không riêng gì nữ điều dưỡng ấy, có rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế công lập ở Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung đã, đang và sẽ còn nộp đơn xin nghỉ việc vì những lý do như đã nêu trên. Có người chuyển sang làm ở các bệnh viện, phòng khám tư, nhưng cũng có những người dứt bỏ hẳn, chuyển sang kinh doanh hoặc học một ngành nghề khác (đối với điều dưỡng, hộ lý còn trẻ - P.V) để lập nghiệp. Theo thống kê của Bộ Y tế (từ báo cáo của các tỉnh, TP và đơn vị trực thuộc Bộ), từ ngày 1-1-2021 đến 30-6-2022, cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc gồm: 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 ky thuật Y, 276 hộ sinh, 593 dược và 2.280 viên chức khác. Chỉ tính riêng Đà Nẵng, năm 2021 đã có 195 người xin nghỉ việc, gồm 86 bác sĩ, 31 điều dưỡng, 18 kỹ thuật y, 60 trường hợp làm công việc liên quan đến y tế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 127 cán bộ y tế xin nghỉ việc gồm: 55 bác sĩ, 30 điều dưỡng, 6 kỹ thuật y và 36 người làm việc liên quan đến ngành y tế…

2. Cách đây không lâu, tại kỳ thi Tốt nghiệp THPT ở Đà Nẵng, trong lúc đợi kết thúc giờ thi, tôi lân la trò chuyện cùng một số phụ huynh chờ đón con. Một chị phụ huynh kể, con chị đăng ký dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh vào ĐH Y đa khoa. Vợ chồng chị cương quyết không cho vì biết nghề Y rất vất vả, nhất là đối với nữ. Để bảo vệ lựa chọn ngành nghề mà mình ưa thích, con gái chị đã tuyệt thực. Cuối cùng, vợ chồng chị đành chịu thua. Chị thổ lộ: “Gia đình tôi kinh tế cũng khá giả, nhà cũng chẳng đông con gì. Từ thực tế cuộc sống, chúng tôi biết ngành y rất vất vả, trực đêm hôm thường xuyên. Vợ chồng tôi sợ con gái theo không nổi nên mới không cho. Nhưng nó quyết liệt quá, đành chiều theo. Sướng khổ nó chịu lấy vậy”. Nếu đỗ đại học (tính từ thời điểm tôi gặp), chắc cô gái ấy cũng sắp sửa ra trường để trở thành một bác sĩ. Liệu, trước thực tế đã, đang diễn ra trong ngành Y, cô gái đó có còn giữ cho mình lòng nhiệt huyết, ngọn lửa đam mê cùng tình yêu nghề?

3. Ngày 2-3 vừa qua, lần đầu tiên, Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh 51 Nữ trí thức tiêu biểu ngành Y có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống COVID-19 trong 3 năm (2019-2022). Sự kiện này thật sự có ý nghĩa trong bối cảnh ngày càng có nhiều người trong ngành y xin nghỉ việc. Bởi không chỉ có ý nghĩa ghi nhận những đóng góp cống hiến của nữ nhân viên ngành Y giai đoạn 2019-2022, sự kiện này còn khích lệ, động viên các chị em nữ cán bộ ngành Y tế khác tiếp tục phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Được biết, ngành Y tế có số lượng các trí thức cao, chiếm 63% tỷ lệ trí thức trong cả nước. Nhiều nữ trí thức nỗ lực trong sự nghiệp, nghiên cứu khoa học, đạt nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng cao quý dành cho tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc... Chỉ tiếc, giá như số lượng điều dưỡng trong lễ tôn vinh này nhiều hơn con số 1/51 nữ trí thức ngành Y được tôn vinh thì sẽ càng có ý nghĩa hơn. Bởi thực tế, trong ngành Y tế, lực lượng điều dưỡng, hộ lý chủ yếu là nữ; điều dưỡng nam và hộ lý nam rất ít, thậm chí có nhiều nơi rất hiếm.

4. Đầu tháng 3 vừa qua, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, liên quan đến giải pháp nhằm ngăn chặn thực trạng “chảy máu chất xám” ngành Y, ông Lê Đức Luận - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế trong việc khám chữa bệnh nói chung, trong đó có vấn đề về nhân lực để nâng cao chất lượng ngành Y tế theo hướng đảm bảo, hội nhập, tăng cường hiệu quả, hiệu lực nói chung và giải quyết vấn đề về nhân lực ngành Y tế. Cũng theo ông Luận, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56/2021 theo hướng sẽ tăng phụ cấp đặc thù, đặc biệt cho y tế cơ sở, vùng sâu vùng xa. Hiện Bộ Y tế đang soạn thảo Thông tư khám chữa bệnh theo yêu cầu, đồng thời xây dựng Thông tư cơ chế xã hội hóa cho các cơ sở y tế công lập thì sẽ có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng về nhân lực, ngành Y tế cũng sẽ xây dựng Nghị định về đào tạo chuyên sâu, đào tạo đặc thù khám chữa bệnh; kiện toàn và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp để đảm bảo tinh gọn, hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, qua đó góp phần cải thiện được thu nhập cho công chức, viên chức ngành Y tế...

Hy vọng trong tương lai, khi những chính sách đó được thực thi sẽ phần nào giải quyết thực trạng “chảy máu chất xám” ở các cơ sở y tế công lập, giúp đội ngũ này yên tâm công tác, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Khánh Yên