Báo Công An Đà Nẵng

Khi người dân sống chung với ô nhiễm

Thứ bảy, 28/10/2017 19:00

Báo cáo mới đây của Trung tâm Phát triển hạ tầng (TTPTHT) thuộc BQL Khu kinh tế mở Chu Lai (KKTMCL) cho thấy, thời gian qua hoạt động xả thải của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, hậu cần cảng Tam Hiệp (KCN HCCTH) rất phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân và chất lượng môi trường. Điều đáng nói, việc quy hoạch KCN không triệt để, các nhà máy bao quanh khu dân cư đã gây ra những hậu quả nặng nề về môi trường mà người dân đang phải hứng chịu.

Khu dân cư thôn Mỹ Bình chỉ cách Nhà máy Cơ khí ô-tô Chu Lai - Trường Hải một con đường.

Ô nhiễm trong khu công nghiệp

Cty CP Việt Hoa Quảng Nam trong KCN HCCTH hoạt động giết mổ heo với số lượng trung bình 1.600 con/ngày. Tuy nhiên, nước thải của Cty chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của KCN; chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải nội bộ và thoát trực tiếp nước thải giết mổ heo (trung bình 24m3/ngày đêm) ra cống thoát nước mưa của KCN. Việc xả thải của Cty được phát hiện mới đây nhất là vào ngày 5 và 9-10. Theo đó, TTPTHT đã lấy mẫu phân tích và kết quả trong 10 chỉ tiêu phân tích, chỉ có 1 chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép, các chỉ tiêu còn lại đều vượt từ 3-36 lần. Đáng lưu ý, chỉ tiêu Colifom vượt đến 260.000 lần so với QCVN 40:2011 là tiêu chuẩn xả thải mà Cty cam kết trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án.

Trước thực tế trên, TTPTHT đã có văn bản đề nghị BQL KKTMCL kiểm tra môi trường tại Cty CP Việt Hoa Quảng Nam và đề nghị đình chỉ hoạt động đối với nhà máy này cho đến khi Cty hoàn thiện hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình xử lý nước thải theo đúng cam kết trong ĐTM đã duyệt. Đồng thời đề nghị BQL KKTMCL đề xuất Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với Cty CP Việt Hoa về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật với tổng số tiền là 370 triệu đồng.

Tương tự, trước đó người dân thôn Mỹ Bình (xã Tam Hiệp, H. Núi Thành) đã kéo đến trước cổng nhà máy chế biến thủy sản Chu Lai Surimi để phản ứng tình trạng mùi tanh khó chịu từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp lan tỏa ra môi trường. Vụ việc chỉ vãn hồi khi chính quyền địa phương, lực lượng CA đến lập biên bản. Nội dung biên bản làm việc giữa đại diện Phòng TN&MT H. Núi Thành, UBND xã Tam Hiệp, CA Đồn KKTMCL và lãnh đạo Cty cho thấy, thời điểm kiểm tra nhà máy đang hoạt động bốc mùi hôi tại khu vực xử lý nước thải. Ngành chức năng bước đầu xác định nguyên nhân gây ra mùi hôi thối là trong quá trình vận hành, nhà máy chế biến thủy sản Chu Lai Surimi đã để xảy ra tình trạng rò rỉ khí thải hầm kỵ khí.

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, không riêng gì các nhà máy này mà nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chế biến gia súc, thủy sản đông lạnh đều ô nhiễm môi trường không khí với nhiều mức độ khác nhau, trong đó phổ biến nhất là ô nhiễm H2S, NH3, CH4, CH3SH, mùi hôi tanh từ nguyên liệu… Điều đáng nói, mặc dù KCN này đã được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải chung, thế nhưng vì sợ tốn kém, nhiều doanh nghiệp không chịu đấu nối với hệ thống chung mà lén lút xả thải ra bên ngoài.

Thủy sản của người dân sống cạnh KCN HCCTH thường xuyên bị chết.

Sống chung với ô nhiễm

Theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế, khoảng cách tối thiểu được tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất hoặc dây chuyền công nghệ tới khu dân cư. Trong đó, các ngành công nghiệp nặng như: Hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng... khoảng cách tối thiểu từ KCN đến khu dân cư là 1.000m. Các ngành công nghiệp nhẹ như: Chế biến lương thực và thực phẩm, thuộc da và các sản phẩm từ da… khoảng cách tối thiểu từ KCN đến khu dân cư là 500m. Tuy nhiên, thực tế tại 2 khu dân cư thôn Mỹ Bình và Vĩnh Đại (xã Tam Hiệp) lại nằm trong KCN HCCTH, phía tây cách Nhà máy Cơ khí ô-tô Chu Lai - Trường Hải chỉ 5,5m, còn phía Bắc cách các Cty như: Cty sản xuất Soda, Cty thủy sản Surimi, bê-tông Dinco khoảng 30m.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nguyễn Đức Anh cho hay, do trước đây việc quy hoạch để xây dựng KCN không triệt để nên hai thôn Mỹ Bình và Vĩnh Đại nằm rất gần KCN HCCTH. “Các Cty lén lút xả thải ra môi trường là chuyện thường bắt gặp ở đây. Người dân thường gọi 2 thôn Mỹ Bình và Vĩnh Đại là “làng ung thư” vì nhiều năm qua, số người mắc bệnh và chết do ung thư rất nhiều. Chính quyền địa phương đã nhiều lần ý kiến lên cấp trên. Qua lấy mẫu xét nghiệm, phân tích các ngành chức năng cho biết đều ở ngưỡng an toàn, thế nhưng người chết vì ung thư ở đây đều không giảm”, ông Anh nói. Còn ông Nguyễn Đủ- Trưởng thôn Mỹ Bình cho biết: “Các Cty thường lợi dụng trời tối hoặc mưa lớn lén lút xả thải ra ngoài khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, cá chết hàng loạt. Không những thế khói bụi tràn vào khu dân cư rất nhiều, đến nỗi người dân không thấy đường để đi. Vì sợ nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ngấm vào thực phẩm nên chúng tôi mua thực phẩm ở ngoài để dùng, không tự cung tự cấp được. Người dân trong thôn rất bất an, nhiều người đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Chỉ có những người dân nghèo vẫn bám trụ lại đây chờ chính quyền giải quyết cho di dời, chứ không có tiền để chuyển đi”.

Có thể thấy, hiện nay tại KCN HCCTH có hàng chục doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh nhưng các hạng mục đầu tư xử lý nước thải, chất thải còn hạn chế, gây bức xúc cho người dân. Ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND H. Núi Thành cho rằng, bước đầu để hạn chế ô nhiễm, các ngành chức năng đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung tại đây, không để các Cty xả thải ra bên ngoài. Sau đó là quy hoạch di dời các Cty nằm gần Khu dân cư. Còn trong thẩm quyền của địa phương, chính quyền sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc khắc phục ô nhiễm môi trường tại đây.

BÃO BÌNH