Báo Công An Đà Nẵng

Khi “Người Mỹ khó lường” đến Pháp

Thứ năm, 13/07/2017 09:50

(Cadn.com.vn) - Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đều có những quan điểm rất khác biệt trong nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu và thương mại. Và để vượt qua những khác biệt này là điều không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.

Hôm nay (13-7), Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Paris để thảo luận với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cách thức phối hợp về vấn đề Syria và chống khủng bố, đồng thời tránh các vấn đề gai góc gây chia rẽ hai bên.

Vậy là chỉ 2 tháng sau khi lên nắm quyền trong một chiến thắng lớn và đầy bất ngờ, nhà lãnh đạo trẻ của nước Pháp đang sẵn sàng dẫn dắt thế giới đến hướng chính trị khác: cách quản lý mối quan hệ với Tổng thống Trump – một nhà lãnh đạo được đánh giá là “không thể đoán trước được”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) thảo luận với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron
tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Đức.        Ảnh: AP

Cơ hội để Pháp chứng tỏ sức mạnh quân sự

Ngay cả trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức hồi tuần trước, trong đó Tổng thống Trump hầu như chỉ đứng riêng rẽ và cô lập về các vấn đề như biến đổi khí hậu và thương mại, ông Macron vẫn mở rộng bàn tay tới nhà lãnh đạo Mỹ. Điều đó được thể hiện dưới hình thức gửi lời mời đến Paris để tham dự các lễ kỷ niệm quốc khánh Pháp 14-7 và kỷ niệm 100 năm kể từ khi binh sĩ Mỹ tham gia Thế chiến I - ngày Bastille. Và ông Trump đã chấp nhận.

Tổng thống Trump là một con người xa lạ ở Pháp. Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande đã từng “khẩu chiến” bật lại những ý kiến chỉ trích của ông Trump về chính sách nhập cư của Paris. Các cuộc thăm dò luôn cho thấy thái độ khinh thị của đa số người dân Pháp đối với phong cách làm việc của Tổng thống Trump.

Nhưng bất chấp những lời phàn nàn của một số đối thủ chính trị khác, Tổng thống Macron hy vọng sẽ có được sự ủng hộ ở trong nước bằng cách mời gọi các kênh truyền thông mở cửa với Washington để thu hút sự chú ý của ông Trump về các vấn đề như Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu và Syria - đồng thời khẳng định vai trò của Pháp trên sân khấu thế giới.

Chuyên gia chính trị tại cơ quan nghiên cứu German Marshall Fund trụ sở tại Paris, bà Alexandra de Hoop Scheffer, nhận định: “Đây là cơ hội hiếm có đối với Pháp để tỏ rõ sức mạnh quân sự”. Đối với ông Macron, cuộc gặp còn là cơ hội để đánh tan sự cô lập của Mỹ. “Tôi nghĩ đó là động thái rất thông minh của Tổng thống Macron”, một chuyên gia khác nhận định.

Cơ hội “làm mới hình ảnh” ông Trump

Một quan chức của Nhà Trắng tiết lộ, các chủ đề chính sẽ được bàn đến trên bàn hội đàm thượng đỉnh Pháp – Mỹ lần này là Syria và chống khủng bố.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, chuyến thăm của ông Trump đến Paris sẽ cho phép hai nhà lãnh đạo tập trung vào những vấn đề có sự trùng lặp lợi ích đôi bên, trong đó có việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Và khi ở Paris, Tổng thống Trump sẽ được “nhắc nhở” về tình hữu nghị Pháp-Mỹ khi đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ tham gia Thế chiến I. Chuyến thăm cũng diễn ra đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh Pháp, và đúng 1 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Nice khiến hơn 80 người thiệt mạng, vụ việc vốn làm mới cuộc tranh luận đầy đau đớn ở Pháp về sự đồng hóa và an ninh. Tờ LA Times dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống Macron sẽ thăm thành phố Nice để tham dự lễ kỷ niệm trong khi Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ không đi cùng.

Có thể nói, hai nhà lãnh đạo Trump và Macron là “cặp đôi kỳ lạ nhất thế giới”. Ở tuổi 39, ông Macron đã trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp. Mặc dù không có nhiều kinh nghiệm chính trị, ông lãnh đạo đảng mới thành lập của mình nắm quyền đa số trong Quốc hội Pháp và các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, ông rất được lòng dân. Và sự trỗi dậy của ông Macron có thể là sự lựa chọn tốt nhất để Tổng thống Trump có thể làm tan chảy hình ảnh đầy méo mó của Mỹ hiện nay trong mắt các đồng minh Châu Âu.

KHẢ ANH