Báo Công An Đà Nẵng

Khi nông dân diễn tuồng

Thứ hai, 28/09/2015 09:43

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, khán giả trầm trồ khi xem những người nông dân biểu diễn tuồng tại Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ đang diễn ra ở Đà Nẵng.

CLB Ánh Dương biểu diễn vở Tam Hạ Nam Đường.

Nông dân diễn tuồng

Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ lần này rất đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên các câu lạc bộ tuồng không chuyên được bước lên sân khấu thi tài cùng những đơn vị chuyên nghiệp. Từ Bắc Ninh dẫn đoàn vào Đà Nẵng tham dự liên hoan, ông Nguyễn Đức Tý, Trưởng đoàn CLB Phú Mẫn (H. Yên Phong - Bắc Ninh) nói:  "Phần lớn các thành viên trong đoàn chúng tôi là nông dân và buôn bán nhỏ, rất háo hức được tham gia liên hoan. Bởi đây là lần đầu tiên họ được biểu diễn tuồng trên sân khấu chuyên nghiệp". Ông Tý kể, để đoàn vào được Đà Nẵng là cả một "kỳ tích", bởi CLB không có kinh phí nên dự định tham gia liên hoan có lúc tưởng không thực hiện được.

Nhưng vì đam mê tuồng nên các thành viên trong đoàn đều rất quyết tâm, ngoài khoản hỗ trợ nhỏ của địa phương, họ tự nguyện đóng góp kinh phí, chỉ để được vào Đà Nẵng diễn tuồng. "CLB chúng tôi diễn viên chủ yếu là nông dân, sau một ngày lao động trên đồng ruộng, đêm đến họ lại luyện tập, biểu diễn tuồng say mê. Mà người dân ở quê tôi yêu tuồng lắm, trong tất cả các lễ hội đều phải có tuồng. Mỗi lần đoàn chúng tôi biểu diễn người dân đến xem rất đông, chật kín cả sân đình. Chính điều này đã tạo động lực để CLB chúng tôi tham gia liên hoan lần này"-ông Tý nói.

Quả thật, nghệ thuật tuồng được bảo tồn và phát triển rất tốt ở tỉnh Bắc Ninh. Trong 14 CLB tuồng không chuyên tham gia liên hoan thì tỉnh Bắc Ninh có đến 4 đoàn. Tuồng được lưu truyền ở Bắc Ninh kể từ khi các cụ Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy và Nguyễn Thị Liệu, những người con Quảng Nam- Đà Nẵng tập kết ra Bắc. Và tại đây họ gieo mầm nghệ thuật tuồng trên mảnh đất này. "Khi tập kết ra Bắc, cụ Tống Phước Phổ ở trọ nhà ông Nguyễn Văn Kính ở thôn Phú Mẫn (TT Chờ, Yên Phong), tại đây cụ đã sáng tác và hiệu đính nâng cao nhiều vở tuồng nổi tiếng. Và chính cụ đã truyền dạy nghệ thuật tuồng cho người dân quê tôi" - ông Tý nói.

Không giống như đoàn Bắc Ninh, đến sát ngày liên hoan diễn ra, ông Phan Văn Hiến-Trưởng đoàn CLB Ánh Dương  (Bình Định) mới đưa đoàn ra Đà Nẵng. Ông  Hiến tâm sự: "Vì không xin được kinh phí nên anh em trong CLB góp tiền vào cùng đi. Diễn viên trong đoàn là nông dân, người buôn bán nhỏ, họ phải lo mưu sinh nên chỉ tập trung trong vài tháng tập tành, biểu diễn. Tuy nhiên anh em ai cũng yêu nghề nên nghe có liên hoan là đăng ký tham gia. Liên hoan này đoàn chúng tôi biểu diễn vở Tam Hạ Nam Đường, đã 2 lần đạt huy chương vàng tại các hội thi ở Bình Định, hy vọng lần này cũng có giải". Ông  Nguyễn Duy Đông (CLB Phú Mẫn), dù năm nay đã 70 tuổi vẫn tham gia biểu diễn, tâm sự: "Từ ngày được thầy Nguyễn Nho Túy truyền dạy hát tôi đã đam mê tuồng. Bây giờ còn sức khỏe ngày nào là tôi còn hát tuồng ngày đó".

Khi xem họ biểu diễn, các giám khảo thật sự thích thú và ngạc nhiên về khả năng trình diễn tuồng một cách chuyên nghiệp. Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Ngọc Phương đánh giá: "Nhiều vở diễn của các đoàn không thua kém gì  đơn vị chuyên nghiệp. Thế mới biết nghệ thuật tuồng vẫn còn chỗ đứng trong lòng người xem".

Một cảnh trong vở Trưng Nữ Vương do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.

Tôn vinh Tống Phước Phổ

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều nghệ sĩ nói rằng, họ đến Đà Nẵng tham dự liên hoan không chỉ để thi tài, mà còn muốn đến thăm quê hương của một trong những cây đại thụ của nghệ thuật tuồng-tác giả Tống Phước Phổ. Quả vậy, sinh ra ở mảnh đất Quảng Nam- Đà Nẵng, Tống Phước Phổ đã góp công rất lớn cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng. Hơn 60 năm gắn bó với nghề soạn tuồng, thành công của tác giả Tống Phước Phổ là sáng tác về đề tài lịch sử, mà nhiều người gọi ông là nhà viết tuồng lịch sử chuyên nghiệp.

Ông viết hơn trăm kịch bản, trong đó có hệ thống tuồng tiểu thuyết chuyển thể từ các truyện của Trung Quốc hay các tiểu thuyết lãng mạn. Là học trò của tác giả Tống Phước Phổ, NSND Nguyễn Ngọc Phương bảo rằng, mình đã may mắn khi được học người thầy giàu tâm huyết với tuồng như tác giả Tống Phước Phổ. Ông kể, ngày trước cuộc sống rất vất vả, viết kịch bản tuồng chẳng có một đồng nhuận bút nhưng cụ Tống Phước Phổ vẫn say sưa làm việc và tận tâm với nghề. "Cụ Tống Phước Phổ là người sáng tác chủ lực, là cây đại thụ của ngành tuồng  nhưng cụ rất giản dị và khiêm tốn, luôn truyền dạy hiểu biết của mình cho thế hệ sau. Những kịch bản mà cụ viết đều rất hay ví như vở Trưng Nữ Vương, Ngọn lửa Hồng Sơn, Ngô Vương Quyền, Thoại Khanh- Châu Tuấn... Nhưng tôi cho rằng, vở Sơn Hậu mới thể hiện hết tài năng soạn tuồng của cụ Tống Phước Phổ, mà ngày nay vở diễn này vẫn luôn là kịch bản kinh điển được nhiều CLB tuồng trên cả nước biểu diễn"-NSND Nguyễn Ngọc Phương nói.

Với vốn nghề phong phú, bút pháp điêu luyện và kinh nghiệm viết tuồng lâu năm,  những tác phẩm của tác giả Tống Phước Phổ thấm đẫm nội dung giá trị nhân văn sâu sắc. Không chỉ vậy, ông còn có những đóng góp nghiên cứu lý luận về nghệ thuật tuồng, để lại cho thế hệ sau những công trình nghiên cứu công phu, đầy tâm huyết. Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ đang diễn ra ở Đà Nẵng những ngày qua là một thông điệp tri ân sự cống hiến lớn lao của ông cho nghệ thuật tuồng.

Hoàng Anh