Báo Công An Đà Nẵng

Khi Pháp bị ngó lơ

Thứ tư, 23/09/2015 10:42

(Cadn.com.vn) - Họ mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn ở Đức, Thụy Điển hay Hà Lan..., nhưng có một quốc gia thuộc hàng giàu có bậc nhất tại Châu Âu lại vắng mặt trong danh sách điểm đến đáng mơ ước trên hành trình gian khổ của người tị nạn: đó là Pháp.

Tại sao những người tị nạn đến từ Trung Đông và Châu Phi lại không chọn Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai Châu Âu và từng được xem là miền đất hứa cho người tị nạn - làm điểm đến trong hành trình đến lục địa già lần này? Pháp trong thời gian qua nổi lên là một quốc gia “rất khó khăn” cho người tị nạn. Hầu hết người tị nạn cho biết, đi đến Pháp có nghĩa là họ sẽ phải lang thang ngoài đường nhiều tháng trời và phải đối phó với những vị công chức khó chịu không muốn nói tiếng Anh. Nền kinh tế đang đi xuống của Pháp, nơi khoảng 3,5 triệu người thất nghiệp, cũng là một “điểm trừ” cho quốc gia này trong con mắt người tị nạn.

2 tuần trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande đề nghị tiếp nhận 1.000 người tị nạn để giúp Đức, quốc gia vốn là điểm đến mơ ước số 1 của người tị nạn khi có hàng ngàn lượt người đến đây mỗi ngày. Ngay lập tức, Paris cử một nhóm các quan chức nhập cư đến Munich để thuyết phục những người di cư xin tị nạn tại Pháp. Tuy nhiên, chỉ có hơn 500 người đồng ý đi đến Pháp. “Chúng tôi do dự vì chúng tôi đã nghe thông tin Paris không muốn nhận người tị nạn. Nhiều người Syria khác gặp rất nhiều khó khăn khi đến đây và việc xin giấy tờ cũng mất rất nhiều thời gian”, một người di cư cho biết.

Trên thực tế, mối quan hệ gia đình là điều quan trọng để người tị nạn quyết định đi đâu. Saleh Al-Moussa, 17 tuổi, muốn trở lại Đức, nơi người anh trai đã được đăng ký tị nạn. Cả hai anh em chạy trốn khỏi Syria để tránh nghĩa vụ quân sự bắt buộc của nhóm Hồi giáo IS ở tỉnh Deir Ezzor. “Tôi không có bất kỳ người thân nào ở đây (Pháp)”, Al-Moussa nói. Tuy nhiên, những người tị nạn vẫn biết ơn Paris vì đã tiếp nhận họ và cho họ một cuộc sống mới có việc làm.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra vào năm 2011, chỉ có 7.000 người Syria được cấp quy chế tị nạn tại Pháp, trong số 4 triệu người đã trốn chạy khỏi quốc gia Trung Đông này. Paris hứa sẽ nhận 31.000 người tị nạn khác trong 2 năm tới và đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình tiếp nhận người tị nạn và tăng số nhà ở có sẵn.

Sabreen Al-Rassace của tổ chức Revivre, người giúp đỡ người tị nạn Syria kể từ khi xung đột xảy ra, không ngạc nhiên khi Pháp không phải là điểm đến của người tị nạn. Cô cho biết, quá trình nhận được nhà ở tại Pháp là “rất, rất khó khăn” trong khi quy trình hành chính tiếp nhận ở đây cũng kéo dài và rất phiền phức.

Thanh Văn