Báo Công An Đà Nẵng

Khi ta về...già!

Thứ bảy, 18/10/2014 12:47

(Cadn.com.vn) - Với các bậc làm cha, làm mẹ, con cái là “của để dành” lúc về già. Tuy nhiên, thực tế đã, đang có nhiều thay đổi trong quan niệm về “của để dành”, bởi không phải ai cũng có phúc phần ấy!

NHỮNG CHUYỆN CHÉP Ở BỆNH VIỆN

Dạo mẹ tôi không may mắc bệnh nặng phải nhập viện 2 tháng, túc trực chăm sóc mẹ, bên cạnh hình ảnh về tấm lòng hiếu thảo của những người con dành cho cha mẹ, tôi còn chứng kiến không ít chuyện buồn về “của để dành” thời nay. Có một ông trên 60 tuổi, nhà ở Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), nằm viện trên một tháng mà chỉ thấy vợ chăm sóc, chẳng có con cái lên thăm, thay phiên trực cho bà được nghỉ ngơi. Hỏi con cháu đâu, người vợ lắc đầu chỉ nói, chồng bà mắc bệnh tim, thường xuyên ra vào bệnh viện. Thế thôi! Một lần,  trong bữa cơm trưa, tôi tình cờ thấy bà khóc khi gắp thức ăn cho chồng và khe khẽ than than, trách phận. Tranh thủ lúc bệnh nhân ngủ, tôi hỏi thăm chuyện con cái thì bà bảo: “Thôi, cô đừng hỏi làm chi. Vợ chồng tui không có phúc phần ấy! Có con mà cũng như không”...

Không riêng gì ông bà, phòng bên cũng có một ông trên 60 tuổi suốt hai tháng nằm viện chẳng thấy ai mang cơm. Những hôm bệnh phát nặng, ông phải nhờ người đi chăm bệnh ở giường bên cạnh mua thức ăn giúp. Hôm nào khỏe, ông lọ mọ ra ngoài hành lang ngồi hút thuốc, mắt buồn rười rượi. Cứ tưởng ông không có gia đình, nào ngờ ông cũng từng một thời có mái ấm, nhưng rồi tan vỡ. Vì hận ông không quan tâm gia đình nên sau khi bố mẹ chia tay, con cái không ngó ngàng gì đến ông. Cứ thế, ông vừa chống chọi với bệnh tật vừa chống chọi với sự cô đơn, vết thương trong lòng. Không lâu sau ông mất. Nhiều người trong viện quyên tiền ủng hộ cho họ hàng lo đám cho ông, chép miệng: “Dù ổng có là người như thế nào đi chăng nữa, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, con cái không về lo hậu sự cho cha là... không phải đạo”.

Người già neo đơn cần lắm sự sẻ chia về mặt tinh thần. Ảnh: P.T

GHI TRÊN ĐƯỜNG PHỐ

Mới đây, trên đường đi lấy tin từ Liên Chiểu về, tôi tình cờ gặp một bà già trạc 65 tuổi gánh quang gánh đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Liên Chiểu để thu gom phế liệu. Tôi dừng xe hỏi chuyện thì được biết bà tên N.T.L (64 tuổi), quê ở Thăng Bình (Quảng Nam). Bà có năm người con, bốn người đã lập gia đình, chỉ còn mỗi thằng út. Tuy đã lập gia đình, nhưng ai cũng khó khăn, chật vật mưu sinh từng ngày nên cũng chẳng thể đỡ đần được gì cho mẹ. Con trai út ra trường mới có việc làm vài ba tháng nay thì đã phải lo còng lưng trả nợ do trước đây vay ngân hàng để học đại học.

Tuy các con bảo mẹ cứ ở nhà làm mấy chuyện vặt trong vườn, nhưng bà luôn cảm thấy ấy náy, xót xa khi không thể giúp được gì cho con. Nghe nói ngoài Đà Nẵng đi thu mua ve chai cũng kiếm được tiền, thế là, một năm trước đây, bà ra Đà Nẵng buôn bán ve chai. Hàng ngày, bà chịu khó gánh đôi quang gánh đi quanh các con hẻm rao ở Liên Chiểu mua ve chai, ngày nhiều cũng kiếm được 100.000 đồng, ít thì được 50.000- 70.000 đồng. Sau khi chi phí ăn uống cả ngày, bà để dành được 40.000 đồng.

Tôi hỏi: “Thế tiền thuê trọ hết bao nhiêu bà?”, bà cười hiền: “Họ cho ở không đó mà kiếm tiền nuôi miệng ăn chưa xong, chứ nói chi đến chuyện thuê nhà trọ?”. Khi tôi biếu ít tiền ăn quà, bà ứa nước mắt, cầm lấy với thái độ biết ơn. Nhìn bà, tôi chợt nhớ đến ông cụ bán vé số thường gặp khi ngồi uống cà-phê ở góc phố Lê Lợi. Ông quê Quảng Nam, nhưng lưu lạc đi làm ăn xa nhiều năm, hiện đang ở thuê trọ tại địa bàn Q.Hải Châu với nghề bán vé số. Hỏi tuổi thì biết ông đã trên 75. Hỏi tên, ông ngạc nhiên: “Để làm chi cháu?”. Khi tôi hỏi ông có gia đình, con cái gì không?, ông nghi ngại rồi lắc đầu bỏ đi. Ông có lòng tự trọng rất cao.

Đôi lần, khi mua vé số giúp ông, tôi thường cố ý đưa nhiều hơn số tiền mua vé số và bảo ông đừng trả lại tiền thừa, thế nhưng, bao giờ ông cũng thối lại và nói “ông đi bán vé số kiếm tiền chứ không phải đi ăn xin”. Tôi lúng túng cho biết mình không có ý đó thì ông cảm ơn rồi bỏ đi. Bẵng đi một dạo không thấy ông quay lại quán, tôi lân la hỏi một số người thì được biết ông trở về quê vì bệnh già. Nghe đâu, ông có năm, sáu người con nhưng ai cũng cực khổ nên ông không muốn làm phiền con cháu...

Người già mưu sinh.

Trong cơn lốc xoáy đời sống cơ chế thị trường, có không ít người già cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của họ. Bởi lẽ, con cháu, người lo kiếm tiền làm giàu, người lo học hành..., ít quan tâm đến tâm trạng của người già. Nhiều người còn cho rằng, chỉ cần lo cho cha mẹ no đủ về vật chất là... đủ. Trong khi đó, không ít người già tôi gặp tâm sự rằng, nhiều lúc bưng bát cơm lên, họ chỉ muốn chảy nước mắt, đắng lòng với nỗi cô đơn vì không có con cái cùng ăn. Nhiều người già cho biết, vì không muốn mình là gánh nặng cho con cái, nên khi đau ốm vặt vãnh, họ ráng chịu đựng, không dám nói cho con cháu biết. Họ tâm sự, rất sợ trở thành người thừa, ăn bám trong mắt con cháu...!

P.Thủy