Báo Công An Đà Nẵng

Khi thiên đường "bị gọi tên"

Thứ ba, 10/11/2015 07:56

(Cadn.com.vn) - Thiên đường du lịch Maldives hiện đang ở trong tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 ngày sau khi Tổng thống Abdulla Yameen bất ngờ ban bố lệnh này, có hiệu lực từ hôm 4-11.

Biện pháp chính trị này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi quốc đảo này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau âm mưu ám sát tổng thống hồi tháng 9 vừa qua. Maldives, quốc gia gồm 26 đảo, hiện tồn tại hai phe phái riêng, một được cho là trung thành với Tổng thống Yameen và một trung thành với Phó Tổng thống Adeeb.

Theo tuyên bố của chính phủ, đây là biện pháp cần thiết trong bối cảnh an ninh quốc gia bị đe dọa. Tuy nhiên, lệnh tình trạng khẩn cấp này làm bùng nổ nhiều tranh cãi và bất đồng trên chính trường. Đối với công dân Maldives và những người vốn yêu thích thiên đường này, đây thật sự là cú sốc lớn. Quần đảo này không chứng kiến tình trạng khẩn cấp chính trị quy mô như thế này kể từ năm 2004. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2008, khi nền chính trị đa đảng ra đời ở đất nước này, các quy định pháp luật và quyền hiến pháp cơ bản đều bị treo.

Kể từ khi Tổng thống Yameen lên nắm quyền vào năm 2013 sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi, quốc đảo này rơi vào "vòng quyến rũ" của nhiều cuộc khủng hoảng khác. Ông Yameen bị cáo buộc độc đoán và trấn áp phe đối lập để củng cố quyền lực. Quốc gia Ấn Độ Dương càng rơi vào khủng hoảng sau khi xảy ra vụ nổ lớn trên thuyền cao tốc chở Tổng thống Yameen. Ông Yameen may mắn không hề hấn gì, nhưng vợ bị thương.

Phó Tổng thống Ahmed Adeeb sau đó bị bắt do bị tình nghi liên quan âm mưu ám sát này. Chính phủ quốc đảo này sau đó tuyên bố thu giữ kho vũ khí quy mô lớn và chất nổ trên một hòn đảo nghỉ mát. Tuy nhiên, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố báo cáo cho biết không có bằng chứng cho thấy vụ nổ trên là do một quả bom gây ra.  Không ai chắc chắn liệu tổng thống có kéo dài tình trạng khẩn cấp quá 30 ngày hay không. Nhưng xét theo bối cảnh mất an ninh chính trị như hiện nay, rất khó để Maldives trở lại trạng thái bình thường trong tương lai gần.

Vì quần đảo này phụ thuộc chủ yếu vào du lịch, bất ổn chính trị đe dọa sự ổn định kinh tế. Cuộc khủng hoảng xảy ra vào thời điểm khi Maldives đang chứng kiến sự ảnh hưởng ngày càng tăng của các nhóm Hồi giáo cực đoan IS trong nước. Số lượng thanh niên Maldives tham gia IS ở Iraq và Syria cũng đang gia tăng ở mức báo động. Người ta lo ngại, biến động chính trị hiện nay ở Maldives đang tạo không gian cho IS gieo rắc khủng bố, có thể kéo theo những bất lợi về an ninh nội bộ và gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng, cả trong ngắn và dài hạn.

Thanh Văn