Khi thơ ca dậy sóng cùng biển Đông!
(Cadn.com.vn) - Như những con sóng biển khơi, từ ngàn năm nay tâm hồn thi ca nuôi dưỡng biết bao thế hệ con người vượt qua những khổ đau, bất trắc. Thi ca có khi dông bão, có khi bình yên, cũng có lúc ngọt ngào như đôi mắt người yêu, khi đầy hờn căm oán giận. Trong những đợt sóng muôn trùng hướng về biển Đông những ngày vừa qua ta đã nghe thấy biết bao nỗi niềm ưu tư hóa thân thành cát, thành gió, thành những lời ca hào sảng mà cũng rất mực đầm ấm, yêu thương. Không hẹn mà gặp, những tứ thơ của hội viên Hội VHNT TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã tề tựu về đây làm nên những con tàu dong mãi ra khơi xa.
Hình ảnh trưng bày tại triển lãm thơ ảnh về Hoàng Sa – Trường Sa. |
Tại Triển lãm thơ, ảnh về Hoàng Sa–Trường Sa vừa qua tại TP Tam Kỳ, những con chữ đen trên nền giấy trắng đã một lần nữa khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo của Việt Nam không chỉ bằng những cứ liệu lịch sử mà còn tồn tại cả trong tim, trong máu của những thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Những vần thơ thể hiện niềm tin yêu với biển đảo quê hương. |
Những văn nghệ sĩ đất Quảng nói riêng và văn nghệ sĩ cả nước nói chung luôn rạng ngời niềm tin, vững vàng trước những cơn biến động. Đó cũng chính là sự khảng khái, phong thái ung dung biết người biết ta của cha ông bao đời truyền lại: “Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo”. Cũng với những vần thơ đanh thép, nhà thơ Vũ Thiên Trường đã thốt lên:
“Hỡi bạo tàn!
Cớ sao không thể chịu được bình yên
Xua tàu chiến húc vào thiên hạ
Húc vào ngư dân vô tội
Húc vào bờ cõi lân bang”
(Gửi bạo tàn)
Giữa những cơn sóng bạc, lực lượng thực thi pháp luật của ta vẫn đêm ngày sát cánh cùng ngư dân vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách:
“Những con tàu giương cờ Tổ quốc
Tìm lại tọa độ đất nước
Giữa muôn trùng đại dương
Những con tàu trực chỉ Hoàng Sa
Lướt qua “mắt ma” vòi rồng
ầm ầm bủa sóng”
(Con tàu-Nguyễn Tấn Cả)
Những ngày này, hòa chung không khí sôi sục của cả nước, văn nghệ sĩ Tam Kỳ đã hòa những tiếng lòng thổn thức vào nhịp đập chung của triệu triệu trái tim đồng bào cả nước. Nhịp thơ có lúc sâu lắng, có lúc cuộn trào, có lúc tha thiết, lúc đớn đau. Bằng thể thơ lục bát như những lời ru từ thuở nhỏ, nhà thơ Huỳnh Trương Phát đã vẽ nên những vần thơ dịu ngọt, ấm nồng như tiếng mẹ đưa nôi trong bài thơ Lời ru khiến ta phải lắng lòng lại, nhìn một dải non sông chưa bao giờ ngừng dông tố nhưng vẫn luôn kiêu hãnh ngẩng cao đầu.
“À ơi tiếng sóng cuộn tròn
Ôm lời của biển vỗ chòng chành đêm
Vỗ vào đôi mắt của em
Dáng hình chữ S bên thềm đại dương”.
Những cánh thư gửi Hoàng Sa–Trường Sa thân yêu không thể thiếu tình yêu đôi lứa. Đó là hình ảnh những người chiến sĩ hải quân nắm chắc tay súng mà vẫn mơ về những mái nhà thơm mùi rạ, những con đường quê trong ánh nắng chiều, nơi có những người con gái, những người phụ nữ dịu dàng đang chờ đợi.
“Trường Sa máu thịt biên cương
Chở bao nỗi nhớ niềm thương quê nhà
Hải âu mang cánh thư xa
Đất liền em gửi Trường Sa ấm lòng
Đêm ngày em vẫn nhớ mong
Yêu anh sâu thẳm như lòng đại dương”
(Gửi Trường Sa-Bùi Thị Ánh Tuyết)
Có thể nói, trong những ngày biển Đông dậy sóng, thi ca cả nước đã kịp bùng lên dữ dội tạo nên một làn sóng kết nối tình yêu nước giữa hải đảo và đất liền. Trong đó có ngọn lửa đầy nhiệt huyết của văn nghệ sĩ Quảng Nam. Với trách nhiệm là người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, những cảm xúc chân thật gửi gắm qua những vần thơ sẽ sưởi ấm lòng triệu triệu trái tim đồng bào cả nước. Xin khép lại bài viết nhỏ này bằng tứ thơ chất chứa niềm tin yêu hy vọng của nhà thơ Nguyễn Tấn Cả.
“Mặc nắng–gió giao tranh
Mưa rạt đường sóng vỗ
Con tàu rời bến đỗ
Cuộc hải trình mênh mông”.
Hà Dung