Báo Công An Đà Nẵng

Khó khăn cho cánh cửa đối thoại với Triều Tiên

Thứ sáu, 15/12/2017 06:30

Nhà Trắng lại khẳng định không thể đàm phán với Triều Tiên cho tới khi nào Bình Nhưỡng cải thiện hành vi, dù trước đó Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington sẵn sàng đàm phán mà “không cần điều kiện tiên quyết” nào.

Nhiều hoạt động đang diễn ra tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: Newsapi

“Do Triều Tiên vừa thử tên lửa, bây giờ rõ ràng không phải thời điểm dành cho thương lượng”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng nói hôm 13-12 (giờ địa phương). Theo quan chức này, Mỹ chỉ đàm phán với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng “về cơ bản cải thiện hành vi của họ”. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chính sách của nước này đối với Triều Tiên “không hề thay đổi”.

Bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 12-12 cho biết, Washington “sẵn sàng đối thoại bất cứ lúc nào Triều Tiên muốn đối thoại” và “không cần điều kiện tiên quyết”. Phát biểu này rõ ràng không đá động đến yêu cầu chính yếu của Mỹ rằng Bình Nhưỡng trước tiên phải chấp nhận là bất kỳ cuộc thương lượng nào cũng sẽ xoáy vào việc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho rằng, điều cần có trước tiên là một “giai đoạn yên tĩnh”, tức Triều Tiên đình chỉ mọi cuộc thử nghiệm để đối thoại có thể bắt đầu, nhưng không nêu rõ trong bao lâu. Bà Nauert cũng nhấn mạnh, Ngoại trưởng Tillerson không thiết lập chính sách mới về Triều Tiên. Mỹ thường yêu cầu Triều Tiên phải chấp thuận rằng mọi cuộc đàm phán là về xóa bỏ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hiện chưa rõ, liệu Tổng thống Donald Trump, người có quan điểm chống Triều Tiên cứng rắn hơn Ngoại trưởng Tillerson, có chấp thuận tuyên bố này hay không. Ông Tillerson nói tổng thống “khuyến khích nỗ lực ngoại giao” trong khi ông Trump hồi tháng 10 tuyên bố, Ngoại trưởng Tillerson đang mất thời gian khi tìm cách thương lượng với Triều Tiên.

Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song-nam hôm 12-12 cho biết, Bình Nhưỡng sẽ đàm phán với Washington nếu các điều kiện được đáp ứng nhưng không nêu cụ thể. Triều Tiên từng khẳng định không hứng thú đàm phán với Mỹ cho đến lúc Bình Nhưỡng phát triển khả năng tấn công Washington bằng tên lửa hạt nhân.

Sắp thử tên lửa mới?

Trong khi đó, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Mỹ nhận định Triều Tiên có thể sẽ phóng thử một tên lửa mới vào cuối tuần này để tưởng niệm ngày mất của cố lãnh đạo Kim Jong-Il.

CSIS cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ phóng thử tên lửa đạn đạo vào ngày 17-12 tới, trùng với ngày mất của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il - cha đương kim lãnh đạo Kim Jong-Un. Triều Tiên thường chọn những sự kiện quan trọng của đất nước như kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các nhà lãnh đạo hay ngày thành lập quân đội để phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân. Theo CSIS, trong vòng 5 năm qua, tháng 12 cũng là khoảng thời gian Triều Tiên thường có các hoạt động thử nghiệm tên lửa. Dữ liệu thống kê cho thấy Bình Nhưỡng trung bình thử nghiệm khoảng 2 tên lửa hoặc hạt nhân trong tháng 12 kể từ năm 1984.

Những hình ảnh vệ tinh mới được công bố gần đây cho thấy, có nhiều hoạt động diễn ra tại cổng phía tây của bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên - nơi diễn ra vụ thử hạt nhân mạnh nhất của nước này hồi tháng 9. Điều này làm dấy lên nghi vấn rằng Bình Nhưỡng có thể đang đào một đường hầm mới để chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7.

Cắt nguồn cung dầu

Đó là đề xuất cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ SCMP trước chuyến thăm Hồng Kông (Trung Quốc) 3 ngày. Ông Ban cho rằng, Bắc Kinh cần khẩn cấp cân nhắc cắt giảm xuất khẩu dầu cho Triều Tiên, ít nhất là 1/2, để ép Bình Nhưỡng thay đổi chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. 

Quan điểm của ông Ban cũng tương tự lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ hôm 12-12, rằng lệnh cấm vận dầu mỏ đơn phương của Trung Quốc là cách hữu hiệu nhất buộc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, cựu Tổng Thư ký LHQ cũng ý thức, một lệnh trừng phạt hoàn toàn là điều không thể với Trung Quốc, bởi nước này luôn lo ngại sự sụp đổ của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un sẽ kéo theo sự bất ổn và làn sóng người tị nạn tràn sang biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Ban bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ “đóng vai trò thiết yếu một cách khôn ngoan nhằm tận dụng sức mạnh của nước này để đảm bảo sự an toàn của cộng đồng quốc tế trước mọi mối đe dọa an ninh cận kề”.

AN BÌNH