Báo Công An Đà Nẵng

Khó khăn trong kiểm soát rượu "3 không"

Thứ tư, 13/09/2017 12:43

Hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện rất đa dạng và phong phú về chủng loại, từ rượu thủ công truyền thống đến rượu sản xuất công nghiệp, rượu nhập khẩu... Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết các cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn thành phố là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất bằng phương pháp thủ công, truyền thống nên các điều kiện về máy móc, trang thiết bị hiện nay đã lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng các yêu cầu về ATTP.

Rượu không rõ nguồn gốc bị Chị cục Quản lý thị trường TP thu giữ.

Rượu thủ công chưa đáp ứng yêu cầu về ATTP

Theo ông Nguyễn Đình Phúc - Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, Đà Nẵng hiện có 374 hộ sản xuất kinh doanh rượu thủ công, tuy nhiên con số được cấp phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh chỉ dừng lại ở 2 doanh nghiệp và 3 cơ sở, số còn lại là tự phát, nhỏ lẻ. Ngoài ra, thành phố hiện có 24 doanh nghiệp được Sở Công thương quản lý, cấp giấy phép kinh doanh bán buôn rượu, 428 tổ chức, cá nhân bán lẻ sản phẩm rượu do quận, huyện quản lý và cấp giấy phép. Các sản phẩm rượu kinh doanh rất đa dạng như rượu truyền thống: Bầu đá, rượu cần, rượu gạo,.. đến các loại rượu vang, rượu mạnh được sản xuất trong nước hay nhập khẩu với các thương hiệu nổi tiếng hàng đầu trên thế giới. Đến nay, trên địa bàn TP chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng methanol, cồn công nghiệp để sản xuất, pha chế rượu. Tuy nhiên, việc kiểm soát rượu "3 không" (không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phẩm) đang gặp không ít khó khăn. Do giá rẻ, nhiều người đã chọn sử dụng rượu "quê" không rõ nguồn gốc.

Điều đáng nói là hầu hết các cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn thành phố là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất bằng phương pháp thủ công, truyền thống nên các điều kiện về máy móc, trang thiết bị hiện nay đã lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng các yêu cầu về ATTP. Sản phẩm rượu được chứa  trong bao bì không có nhãn mác, không được công bố chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hàng hóa đi vào thành phố bằng nhiều con đường, thủ đoạn làm giả sản phẩm rượu ngày càng tinh vi nên công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh rượu giả, nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ còn gặp nhiều khó khăn... Đơn cử, trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường đã  kiểm tra, tịch thu 4.890 chai rượu các loại, 32 lít rượu không có nguồn gốc... Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra hàng chục cơ sở sản xuất rượu thủ công, tất cả đều không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cơ sở vật chất hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ...

Nói không với rượu không rõ nguồn gốc

Ông Phúc cho rằng, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP quy định: "Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép" và "Sản phẩm rượu là sản phẩm hàng hóa bắt buộc phải đăng ký bản công bố hợp quy". Tuy nhiên, trong thành phần hồ sơ để cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và hồ sơ đăng ký bản công bố hợp quy yêu cầu phải có "Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh". Đồng thời, theo quy định, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ rượu thủ công, để đươc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND của UBND TP nêu rõ: Ngành nghề sản xuất rượu thuộc danh mục ngành nghề không được phép cấp mới giấy chứng nhận kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư...

Như vậy, các hộ sản xuất rượu thủ công trên địa bàn thành phố không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dẫn đến không thể thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo đúng quy định. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý, cấp phép, đảm bảo ATTP. Trước tình hình đó, ông Phúc đề nghị UBND TP Đà Nẵng sớm ban hành văn bản bãi bỏ Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bảo vệ môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhỏ lẻ được đăng ký kinh doanh và thực hiện các thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy và giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp ngành, địa phương cần tăng cường quản lý độ tuổi người sử dụng, người sản xuất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng ý thức được tác hại của rượu, bia, thuốc lá đó không chỉ là ý thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà là của toàn xã hội. Đồng thời, cần phân cấp, phân loại để quản lý cho phù hợp với rượu thủ công. Chẳng hạn các hộ tự nấu rượu để uống thì chỉ cần báo với xã phường, còn sản xuất để bán thì phải đăng ký kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định. Ngoài ra, tất cả cửa hàng ăn uống khi đăng ký kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh rượu, kê khai rõ ràng nguồn gốc các loại rượu. Như vậy, khi kiểm tra, phát hiện nhà hàng nào bán rượu không đăng ký sẽ tiến hành xử lý.

Trong trường hợp loại rượu đã đăng ký gây ngộ độc sẽ dễ truy xuất nguồn gốc, tìm ra nguyên nhân. Nếu không đăng ký kinh doanh rượu mà vẫn bán thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Ông Phúc cho rằng: Ngoài việc phối hợp với cơ quan, đơn vị tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, các quận, huyện cần chỉ đạo phường, xã tổ chức cho các cửa hàng kinh doanh ăn uống ký cam kết không kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Đồng thời, các địa phương yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh phải công khai nguồn gốc rượu và giấy chứng nhận cam kết ATTP cho khách hàng được biết; cũng như, tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình về những tác hại của việc uống rượu, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. Song song với đó, các cấp, các ngành có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra, kết hợp với công tác tuyên truyền đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, góp phần nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong việc đảm bảo ATTP, đặc biệt không sử dụng methanol, cồn công nghiệp trong pha chế, sản xuất rượu, không uống rượu khi không biết nguồn gốc rượu...

TRÍ DŨNG