Khó kiểm soát thịt, nội tạng bẩn
(Cadn.com.vn) - Dù biết vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nhưng vì món lợi lớn nên những đối tượng giết mổ, kinh doanh thịt, nội tạng, mỡ gia súc vẫn bất chấp để bơm nước trước khi giết mổ, dùng chiêu thức vận chuyển, kinh doanh tinh vi hơn để thoát khỏi sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Một vụ vận chuyển thịt không rõ nguồn gốc bị Cảnh sát Môi trường Quảng Nam bắt giữ. |
BẨN TỪ LÒ MỔ ĐẾN VẬN CHUYỂN
Lúc 21 giờ 00 ngày 1-6, tại cơ sở giết mổ gia súc của gia đình ông Nguyễn Đắc Nga (thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, H. Quế Sơn) lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Quảng Nam đã bắt quả tang ông Đặng Dư (trú xã Mỹ Châu, Phù Mỹ, Bình Định) đang bơm nước vào 4 con bò trước khi giết mổ. Ngoài 4 con bò của ông Đặng Dư, tại cơ sở giết mổ này còn có 5 con bò của ông Nguyễn Văn Trúc (trú xã Mỹ Lộc, Phù Mỹ, Bình Định) và 1 con bò của ông Nguyễn Hải (trú xã Bình Quý, Thăng Bình) cũng đang chờ bơm nước cưỡng bức trước khi giết thịt. Khi lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vụ việc, ông Nguyễn Tuất, cha ruột ông Nga, cho biết: “Cơ sở của con tôi chỉ cho thuê mặt bằng chứ không tổ chức giết mổ bò. Khi những người thuê mặt bằng chuẩn bị giết mổ số bò họ mang tới, gia đình tôi đã đi ngủ nên không biết việc bơm nước vào bò”.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt quả tang 5 cơ sở giết mổ có hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ. Ngoài cơ sở giết mổ bò của hộ ông Nguyễn Đắc Nga, 4 sơ sở vi phạm khác gồm: cơ sở giết mổ tại xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) do ông Phạm Dũng làm chủ; cơ sở giết mổ tại xã Duy Thành (Duy Xuyên) do ông Lê Trung Bình làm chủ; cơ sở giết mổ trâu bò tại thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) do ông Văn Công Đoan làm chủ và cơ sở giết mổ trâu, bò tại xã Điện Thọ (Điện Bàn) do ông Lê Ngọc Dũng làm chủ. Mỗi cơ sở vi phạm đã bị Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam ra quyết định xử phạt 5,5 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam, bơm nước vào gia súc là hành vi gây mất an toàn thực phẩm, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vào thịt và bị pháp luật nghiêm cấm.
Liên tiếp các vụ thịt, mỡ bẩn vận chuyển trên xe tải, ô-tô khách và đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý. Lúc 3 giờ ngày 1-7, trên QL1A qua đoạn ngã ba Kỳ Lý, xã Tam Đàn (Phú Ninh), Tổ công tác Phòng CSGT CA Quảng Nam đã dừng, kiểm tra phát hiện xe tải BKS 92K-4740, do tài xế Sơ Ngọc Dũng (trú TT Tiên Kỳ, Tiên Phước) điều khiển đang vận chuyển trái phép hơn 200kg sản phẩm động vật gồm thịt, nội tạng được đựng trong nhiều bao tải giấu dưới gầm xe. Toàn bộ số sản phẩm động vật trên không có giấy tờ kiểm dịch theo quy định. Tang vật được giao cho Cảnh sát Môi trường CA tỉnh xử lý. Trong 2 ngày 18 và 19-5, Cảnh sát Kinh tế CATP Tam Kỳ và Cảnh sát Môi trường CA tỉnh đã bắt giữ hai vụ xe tải và xe khách chở mỡ và thịt chưa qua kiểm dịch, bốc mùi hôi thối...
Những con bò bị bơm nước tại cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Đắc Nga. |
Các vụ bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ khi bị phát hiện và xử lý, chủ bò và chủ cơ sở đều cho rằng, bơm nước cho bò... dễ uống và dễ mổ, còn họ không biết tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Còn những vụ vận chuyển thịt, mỡ bẩn bằng xe tải, ô-tô khách thì cả quản lý xe và tài xế đều thừa nhận nhiều lần nhận vận chuyển cho khách hàng nhưng không biết đã kiểm dịch hay chưa, thậm chí không biết tên chủ hàng và người nhận (?!).
Ông Đoàn Ngọc Sơn - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cho biết, tình trạng vận chuyển thực phẩm bẩn có thể nói là đáng báo động. Quảng Nam là địa bàn rộng, đường quốc lộ đi qua khá dài, nên số lượng vụ phát hiện thời gian gần đây khá lớn... “Khó khăn hiện nay với công tác này là một số trường hợp cụ thể lực lượng quản lý thị trường không thể chủ động xử lý. Ngoài ra, để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, nhiều vụ vận chuyển đã chọn phương tiện vận chuyển khác như đường thủy, tàu hỏa...; nếu không có thẩm quyền thì rất khó kiểm tra” - ông Sơn nói. Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cũng cho biết, hiện nay, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ công tác kiểm định, xét nghiệm thực phẩm, hàng hóa ở Quảng Nam còn nhiều yếu kém. Ông Văn dẫn chứng, để xét nghiệm những sản phẩm có chứa kim loại nặng, tỉnh không thực hiện được mà phải gửi mẫu đi Đà Nẵng, TPHCM và tốn thời gian chờ đợi kết quả.
Kết quả giám định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh thời gian qua do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) công bố tại cuộc họp ngày 24-5 không khỏi khiến dư luận giật mình. Cụ thể, tất cả cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm tra hầu hết chưa đủ điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Chỉ có 16/147 cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y và chỉ có hơn 2% số cơ sở này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong giết mổ. Kết quả giám định 48/195 mẫu thịt heo phát hiện nhiễm vi sinh vật vượt mức giới hạn cho phép. Trước báo động về tình trạng thực phẩm bẩn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị, yêu cầu tất cả các Sở, Ban ngành và địa phương vào cuộc, kiểm tra, kiểm soát và thực hiện đúng quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
Thạch Hà