“Khổ” như kinh doanh cổ thụ
(Cadn.com.vn) - Cận Tết, nhu cầu chơi hoa kiểng của người dân Đà thành tăng mạnh. Trái lại, thú chơi đại thụ lại lâm vào cảnh ế ẩm. Nhiều nhà vườn chuyên kinh doanh phải nằm chờ... thời.
Những năm gần đây, nhu cầu chơi cây cảnh đại thụ nở rộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Các loại cây như xanh, si, lộc vừng được các nhà vườn xem như “hết thời” vì sức mua giảm sút nghiêm trọng. Họ phải đối mặt với thua lỗ vì bao năm chăm chút mà chả ai ngó ngàng gì. Chủ vườn Nguyễn Văn Nhẫn (40 tuổi) làm nghề kinh doanh đại thụ hơn 7 năm, cho biết: “Chơi cây kiểu đại thụ thì khó hơn nhiều các loại khác. Vì chi phí để đưa được cây từ nơi khác về, chăm sóc là rất đáng kể nên giá thành cao. Mà đại thụ thì chỉ có những người đứng tuổi mới chơi, còn thanh niên trai trẻ thì ít lắm. Khuôn viên phải rộng rãi mới dám tìm đến loại này”.
Với số vốn hơn 1 tỷ đồng đầu tư cho khu vườn của mình nằm trên đường Lê Đại Hành, hiện nay anh Nhẫn có hơn 100 cây đại thụ đủ các loại. Anh tâm sự: “Làm cái nghề này cũng may rủi lắm, người chơi thì theo phong trào, nhiều lúc mình mua về một mớ cây mà chả bán được gốc nào, cầm chắc thua lỗ. Nhưng đã theo nghề thì phải chấp nhận, có lúc này lúc khác”.
Khâu chăm sóc cây cũng cực kỳ quan trọng, chủ vườn phải mua xơ dừa xay mịn từ Bình Định chuyển ra, thuê xe cẩu dựng lên rồi bắt đầu bôi thuốc, tưới tắm. Nếu cây khỏe thì ba bốn tháng là nảy chồi sinh rễ, còn cây yếu thì lâu hơn. Thậm chí những cây do quá trình đào bới, vận chuyển bị hư hại nên không tỉ lệ sống không cao lắm. Vì thế, khi mua cây chủ vườn phải tự tay mình cùng với công nhân đào bới, vận chuyển.
Hết thời lộc vừng, sanh, si... nhiều chủ vườn tìm đến cây ăn quả đại thụ để kinh doanh. |
Những năm trước, anh Nhẫn thường lặn lội đi khắp các tỉnh miền Trung để tìm đại thụ cho vườn của mình. Sanh, si thì mua ở Huế, lộc vừng thì tìm ở Quảng Trị... căn cứ vào nhu cầu của người chơi mà tìm cây. Anh Nhẫn ngán ngẩm nói về vườn cây của mình rằng còn rất nhiều lộc vừng loại đại thụ không bán được, vì người chơi cây chuyển sang loại khác. Sanh, si cũng chả ai ngó ngàng nên một số vườn cây cảnh tựa hồ rừng rú vậy. Đến thời điểm này thì phải mò mẫm vào Quảng Nam để tìm sưa trắng vì đây là loại cây đang được ưa chuộng.
Theo phân tích của những chủ vườn đại thụ ở Đà Nẵng thì thời điểm thích hợp nhất để mua cây là vào đầu xuân, vì thời điểm này tiết trời phù hợp, nhưng người chơi lại chọn thời điểm đầu hè để mua. Khi đó việc chăm sóc để cây sống sót cũng khó khăn hơn. Vì cái họ cần ở đại thụ là tán cây, bóng mát vào những ngày nóng nực. Nhưng cũng ít người chơi hiểu được điều đó nên dịp Tết nhứt các nhà vườn đứng ngồi không yên vì cả trăm cây đại thụ đủ chủng loại chả ai ngó ngàng.
Đại thụ không bán được vì nhu cầu người chơi cây “mỗi thời một khác”, nhiều chủ vườn đành chuyển sang kinh doanh cây ăn quả đại thụ như me, khế, vối, vú sữa... Mỗi cây được mua với giá từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng, có khi lớn hơn nhiều tùy thuộc vào thế cây. Cây ăn quả được mua ở các nhà dân ở Hòa Vang (Đà Nẵng) hay các tỉnh khác đưa về. Sau quá trình chăm sóc mỗi cây ăn quả đại thụ có giá từ 30 đến 40 triệu đồng. Vì chi phí vận chuyển những cây này là rất lớn, quá trình chăm sóc phải thuê người từng ngày.
Việc kinh doanh đại thụ không như hoa Tết, có khi chủ vườn ba bốn năm mới bán được một cây là chuyện thường tình. Trong khi đó để thuê đất, nhân công, mua cây, vận chuyển... nhiều người phải vay mượn cầm cố nhà cửa để nuôi sống vườn cây của mình. Đó là chưa kể đến hệ lụy từ thời thú chơi đại thụ lên cơn sốt, nhiều vựa cây các thành phố lớn đầu tư lớn, lập nhiều “chi nhánh” ở các vùng nông thôn, đặt mua và tích trữ đại thụ hàng loạt. Để rồi, khi các nhà buôn chuyến đột ngột ngừng mua, không ít vựa lao đao vì “chết” vốn, lâm nợ kiểu dây chuyền...
Bùi Đức Tú