Khổ như xây trạm BTS
(Cadn.com.vn) - Hiện nay vùng phủ sóng di động ở Đà Nẵng đang có vấn đề, nhiều nơi sóng rất phập phù. Nguyên nhân vì mật độ sử dụng điện thoại lớn, trong khi số lượng trạm phát sóng (BTS) lại mỏng. Việc tăng cường các trạm BTS là cần thiết, thế nhưng lại đang vướng phải những trở ngại không đáng có.
Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng, ông Phạm Trung Kiên cho biết, theo kế hoạch năm 2009, đơn vị sẽ triển khai xây dựng 45 trạm, thế nhưng đến giờ phút này vẫn chưa có trạm nào được xây. Nguyên nhân do thủ tục cấp phép chậm, do vướng quy hoạch và do sự phản ứng vô lý của người dân. Tại địa điểm xây trạm BTS mà đơn vị thuê của gia đình ông Lê Hồng Việt ở khu dân cư mới nam Cẩm Lệ thuộc địa phận xã Hòa Châu–H. Hòa Vang, mặc dù đã được Sở Xây dựng cấp phép, thế nhưng khi đơn vị tiến hành lắp đặt thì bị phản ứng dữ dội từ phía người dân.
Nhiều người ngăn cản nhân viên, không cho kéo dây lắp đặt, vì thế trạm đã không thể tiến hành lắp đặt được. Ông Kiên bảo, chúng tôi đã thuê đất của gia đình ông Việt, có sổ đỏ đàng hoàng, có giấy phép của Sở Xây dựng, có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương thế nhưng đành bó tay bởi “phép vua thua lệ làng”. Có nhiều lý do khiến người dân phản đối việc xây trạm BTS. Nhưng chủ yếu nhất là họ lo sợ sức khỏe bị ảnh hưởng từ sóng của trạm phát ra. Thực tế khoa học chứng minh, sóng phát ra từ các trạm BTS có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng ở mức độ rất nhẹ. Nhẹ hơn sóng vô tuyến tivi mà nhà nào cũng có. Vì vậy người dân sống chung với sóng tivi được từ bao năm nay thì hoàn toàn có thể sống chung với sóng ĐTDĐ mà không lo sợ hề hấn gì đến sức khỏe.
Việc phát triển các trạm BTS như thế này tại vùng ven đô Đà Nẵng đang gặp nhiều trở ngại không đáng có.
Ở các nước tiên tiến, việc phát triển trạm BTS đã đi trước chúng ta vài chục năm, và dường như không có phản ứng nào về phía người dân. Một phần do người dân nhận thức đầy đủ về tác hại của sóng từ trạm BTS không đáng ngại, mặt khác ở đó các doanh nghiệp (DN) viễn thông có điều kiện mạnh về kinh tế nên họ làm những trạm BTS siêu nhỏ, đặt ở cột điện ven đường, ở thân cầu... Hoặc như ở Trung Quốc, do nhà cao tầng nhiều, thế nên đặt trạm BTS trên nóc nhà 10 tầng, chỉ cần cao 2m là phát sóng rất mạnh. Còn ở ta, do ít nhà cao tầng, nên phải xây trụ cao. Mà trụ cao thì đập ngay vào mắt người dân. Họ lo sức khỏe đã đành, nhưng họ còn lo mưa bão sợ cột gãy đổ, ảnh hưởng.
Thế nhưng các DN viễn thông khi đăng ký thủ tục xây trạm phải được sự kiểm tra độ bền, chắc cùng các điều kiện kết cấu an toàn khác mới cho xây. Nên việc lo gãy, đổ cũng khó xảy ra. Ông Phạm Trung Kiên cho biết, cái khó của DN viễn thông khi xây trạm BTS là phải xây đúng tọa độ, chỉ cần xây lệch một chút là không được. Vì vậy mới có chuyện vì sao cứ phải xây ở nhà này mà không xây ở nhà kia. Có nhiều nhà ở góc kiệt, không kinh doanh buôn bán được gì bỗng dưng được thuê với giá 3 - 4 triệu đồng chỉ để đặt trạm diện tích vài mét vuông. Trong khi nhiều nhà khác địa thế tốt hơn, rất muốn được thuê, thậm chí cho thuê giá rẻ hơn, nhưng DN viễn thông không thể thuê vì không đúng tọa độ. Thế nên ông Kiên bảo cũng không loại trừ khả năng nhiều người phản ứng chẳng qua vì “ghen ăn tức ở”.
Việc xây trạm BTS tại khu quy hoạch giải tỏa, chỉnh trang đô thị cũng là vấn đề nan giải. Tại tổ 39, Hòa Phát, Cẩm Lệ, VNPT Đà Nẵng đã thuê đất của gia đình bà Trương Thị Kim Anh để xây dựng nhà vỏ trạm tổng đài CSND Lê Độ. Hiện nay nhà đã xây xong chỉ còn việc sơn vôi để nghiệm thu đưa vào sử dụng. Nhà được xây dựng có giấy phép của Sở Xây dựng với quy mô 3 tầng, bê-tông cốt thép, tổng mức đầu tư hơn 677 triệu đồng. Nhà tổng đài này có ý nghĩa rất lớn, góp phần giảm tải tổng đài An Khê đang bị quá tải, đồng thời nâng cấp phát sóng cho một vùng rộng lớn, phục vụ thông tin liên lạc, phát triển kinh tế địa phương.
Thế nhưng, trong suốt quá trình xây dựng cả tháng trời không gặp bất cứ phản ứng nào, đến khi chỉ sơn vôi đưa vào sử dụng nữa là xong thì đùng đùng lại bị đình chỉ. Nguyên nhân vì nằm trong vùng quy hoạch. Ông Kiên cho biết, so với năm 2008, thời gian cấp phép cho xây trạm BTS năm nay chậm hơn. Cụ thể, trong số 10 hồ sơ mà VNPT Đà Nẵng gửi, mới có 1 hồ sơ được cấp phép đồng ý cho xây trạm. Lý do vì UBND thành phố quy định Sở Xây dựng phải lấy ý kiến của quận, huyện, có một số nơi trả lời kịp thời nhưng cũng có nơi đến nay chưa trả lời.
Với tiến độ phát triển trạm BTS như vậy quả là đáng lo ngại. Thế nên VNPT Đà Nẵng đã đưa ra một số giải pháp đề xuất thành phố. Cụ thể, với các trạm tại vùng quy hoạch, đề xuất thành phố cho cấp phép tạm thời, VNPT Đà Nẵng cam kết khi thành phố có yêu cầu tháo dỡ sẽ tiến hành ngay mà không có bất cứ điều kiện gì. Việc tháo dỡ các trạm BTS rất đơn giản, chỉ cần vài giờ đồng hồ sau khi có lệnh giải tỏa của thành phố, VNPT Đà Nẵng lập tức di dời ngay và chuyển thành trạm phát sóng di động ứng cứu, phục vụ trực tiếp các thuê bao đang hoạt động ở khu vực đó. Về thủ tục cấp phép, để giản tiện, đề xuất thành phố bớt thủ tục lấy ý kiến của địa phương.
Bởi thực tế tại các các quận, huyện lại lấy ý kiến phường, xã rồi từ phường, xã lấy ý kiến tổ dân phố, thôn. Thế nên việc xây trạm được hay không lại phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người dân nơi có vị trí xây dựng trạm BTS, trong khi quy định chỉ cần có giấy phép của Sở Xây dựng là được. Việc phát triển các trạm BTS tại các vùng ven đô, ngoại ô hiện nay là rất cần thiết nhằm đảm bảo phủ sóng, phục vụ tốt thông tin liên lạc. Qua đó giúp chính quyền địa phương, người dân có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn. Thế nhưng, đáng tiếc là việc phát triển các trạm BTS đang gặp phải những trở ngại không đáng có.
Bài, ảnh: Hải Hậu