Báo Công An Đà Nẵng

Khó như xử phạt hút thuốc nơi công cộng

Thứ bảy, 15/02/2014 11:30

(Cadn.com.vn) - Dù Nghị định quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế đã có hiệu lực, trong đó có quy định xử phạt đối với những người hút thuốc nơi công cộng. Thế nhưng, trên thực tế nhiều người vẫn vô tư hút thuốc ở bệnh viện, bến xe và việc xử phạt dường như là chuyện bất khả thi.

Vẫn vô tư hút

Một vòng quanh các bệnh viện ở Đà Nẵng, chúng tôi không khó phát hiện rất nhiều người  vô tư hút thuốc phì phèo, dù bên cạnh đó là biển cấm hút thuốc được được in to, rõ. Khi được hỏi, không ít người hút thuốc tỏ ra “bất ngờ” về nghị định phạt tiền khi hút thuốc nơi công cộng.

Anh H. (Điện Bàn – Quảng Nam) ra chăm người thân điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết: “Hút cho tỉnh người để chăm người thân. Mình biết hút thuốc trong bệnh viện là sai nhưng không nhịn được. Còn chuyện bị xử phạt thì chưa nghe nói”. Anh V. (Thanh Khê) thì đưa ra một lý do khác – “Mình hút ở dưới này, xa khu bệnh nhân nên chắc không ảnh hưởng gì mấy. ở đây có nhiều người hút, mà có thấy ai nói chi đâu”...

Đó là những lý do quen thuộc mà những người hút thuốc trong bệnh viện hay những nơi công cộng khác đưa ra. Chẳng riêng gì ở Bệnh viện Đà Nẵng, ở nhiều bệnh viện khác việc hút thuốc cũng chẳng giảm khi Nghị định xử phạt của Chính phủ được ban hành. Theo Nghị định số 176/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá, cá  nhân hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng như trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.

Quy định là vậy, nhưng thực tế từ ngày Nghị định 176/NĐ-CP ban hành, trên cả nước chỉ mới xử phạt được một vài trường hợp, gọi là để răn đe. Chính vì vậy mà nhiều người vẫn vô tư nhả khói thuốc nơi công cộng, dù luật đã được ban hành.

Nhiều người vẫn hút thuốc trong bệnh viện dù Nghị định quy định xử phạt
trong lĩnh vực y tế đã có hiệu lực.

Khó xử phạt

Theo Nghị định 176/NĐ-CP thì những người có quyền được phạt gồm: Chủ tịch UBND các cấp: xã, phường, thị trấn; tỉnh/thành phố. Thanh tra y tế: thanh tra viên, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ; Chánh thanh tra Sở Y tế và chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế; Chánh thanh tra thuộc Bộ và Tổng Cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình...

Nhiều lực lượng như vậy, nhưng xem ra việc xử phạt hút thuốc nơi công cộng gặp rất nhiều khó khăn, bởi không có lực lượng nào chuyên trách. Trong khi đó, nhân viên ở các bệnh viện, bến xe lại không có thẩm quyền xử phạt, khi phát hiện người hút thuốc nơi công cộng.

Một bảo vệ ở Bệnh viện Đà Nẵng nói: “Khi phát hiện người hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện chúng tôi chỉ nhắc nhở, nhưng khi chúng tôi quay lưng đi là họ tiếp tục hút. Mà lực lượng bảo vệ ở bệnh viện không nhiều, nên không thể nhắc nhở tất cả mọi người hút thuốc”.

Hiện ở các bệnh viện hay bến xe chỉ  dừng lại ở việc lắp đặt biển cấm hút thuốc, yêu cầu bảo vệ theo dõi, nhắc nhở..., còn việc bắt giữ, xử phạt người hút thuốc ở những nơi công cộng, thì những đơn vị này lại không có thẩm quyền vì thế rất khó dẹp tình trạng hút thuốc ở nơi đây.

Bác sĩ Hồ Lai Dũng– Thanh tra Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, từ ngày Nghị định 176/NĐ-CP có hiệu lực đến nay trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa xử phạt trường hợp nào hút thuốc trong bệnh viện và chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Dù các bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng người hút thuốc vẫn làm ngơ.

Theo nhiều chuyên gia, để xử phạt được người vi phạm phải bắt tận tay, trong khi những người có quyền xử phạt người hút thuốc lá không đúng nơi quy định thì lực lượng rất mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể theo dõi, xử phạt được. Điều này khiến người dân thờ ơ với quy định. Đến lúc cần phải có cách làm mạnh tay để xử lý người hút thuốc nơi công cộng.

H.A