Khổ sở vì xe “ma”, vé ảo
(Cadn.com.vn) - Khi đợt cao điểm vận tải hành khách sau Tết bắt đầu cũng là lúc các nhà xe dịch vụ không đăng ký hoạt động trong bến tại Đà Nẵng “đua khách” với nhiều chiêu “bẩn” mà không ai khác, hành khách là người chịu thiệt. Nhiều người không chỉ trễ hành trình, lỡ việc, phơi nắng chờ xe theo hẹn ở dọc đường mà còn khổ sở để chờ chực đòi lại tiền và chạy đôn chạy đáo tìm cách “nhảy dù” các chuyến xe khác với hành trình gian nan sau Tết.
Lại dính đòn với "siêu xe... ma" Xuân Tùng
Nhà xe Xuân Tùng của Cty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Phát Xuân Tùng (địa chỉ tại 130-Điện Biên Phủ, Đà Nẵng) tiếp tục là một nỗi ám ảnh đối với hành khách đi vào Nam khi tái diễn chiêu bán vé, thu tiền trước nhưng không có xe cho hành khách.
Giữa cái nắng chang chang trưa 7-2, hàng chục người dân tại Đà Nẵng, Quảng Nam phải vạ vật bao vây phòng vé của đơn vị này để hỏi cho ra nhẽ vì sao nhà xe lặn mất tăm khi đã thu tiền triệu của họ mà không bố trí xe chạy theo đúng hẹn. Anh Tài, một hành khách bức xúc: "Tôi đến mua vé cho 3 người vào TP Hồ Chí Minh thì được người bán ở đây xuất cho cái phiếu 3 chỗ ngồi và thu 2.250.000 đồng. 11 giờ chúng tôi đến để xuất phát cho kịp lịch làm việc của cơ quan nhưng chờ mãi đến trưa vẫn không thấy bóng dáng xe như đã hẹn. Vào hỏi người của Cty thì được biết họ đã trốn, không ra mặt để giải quyết". Vé của anh Tài chỉ là một mẫu giấy tựa như phiếu tính tiền tại các siêu thị với những thông tin ít ỏi, không có con dấu hay cùi lưu gì cả. Tương tự, nhiều hành khách đi lẻ cũng đã mua "vé" vào TP Hồ Chí Minh với giá trung bình 700 nghìn đồng/người nhưng cho đến giờ hẹn là 11 giờ thì không biết mình đi bằng cái gì.
Giữa trưa nắng, hàng chục hành khách vạ vật chờ xe tại phòng vé Xuân Tùng vì “xe ma, vé ảo”. |
Đây là kiểu làm ăn bất tín có tính hệ thống của nhà xe Xuân Tùng vào mỗi dịp Tết. Thời gian này năm ngoái, chính đơn vị này cũng đã bán vé ảo cho rất nhiều hành khách khiến họ phải chờ cả ngày tại phòng vé cũng như dọc QL1A từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi nhưng cuối cùng không có xe để vào Nam như đã hẹn. Tiếp xúc với hành khách, chúng tôi được biết mỗi vé lại được ghi một khung giờ khác nhau, “Giờ tôi mới hiểu vì sao họ không ghi BKS xe trên vé và mỗi vé là một khung giờ. Điều này là để nhà xe có thời gian đi quần đảo và bắt khách dọc đường”, một hành khách cho biết.
Khi nhận thông tin nhiều người dân tập trung tại phòng vé của Cty này cãi cọ, lời qua tiếng lại với nhà xe, ảnh hưởng đến tình hình ANTT, CAP Chính Gián (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) đã có mặt để phối hợp giải quyết vụ việc. Sau đó, Đội kiểm tra liên ngành gồm cơ quan CA, QLTT, Thanh tra Giao thông đã có mặt tại đây để ghi nhận và giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy vậy, việc duy nhất họ làm được cũng chỉ là lập biên bản mà không có chữ ký của lãnh đạo Cty bởi vì họ đã... trốn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đại diện hợp pháp của Cty này là ông Nguyễn Xuân Tùng (trú P. Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng). Nhưng cũng giống như năm ngoái, vào những lúc như thế này ông luôn luôn không có mặt. “Trước mắt chúng tôi kiểm tra lại xem doanh nghiệp có thực hiện kê khai giá hay không, có đăng ký vé theo đúng mẫu đã quy định hay không chứ bây giờ chưa thể xử lý gì vì giám đốc Cty không có mặt”, ông Hoàng Châu Phương- Đội trưởng Đội QLTT số 3 (Q. Thanh Khê) cho biết.
Đến đầu giờ chiều cùng ngày, chỉ có 7 hành khách nhận lại được tiền mua vé, còn hàng chục hành khách mua “vé hẹn” sáng 7-2 vẫn chưa nhận được câu trả lời nào của nhà xe về tiền bạc cũng như cam kết bố trí xe khác hay không và lúc nào thì đi.
Phiếu đặt chỗ cho 3 người trị giá 2.250.000 đồng của nhà xe Xuân Tùng. |
Cơ quan chức năng bó tay hay nhà xe “có chân”?
Không chỉ Xuân Tùng mà mỗi dịp Tết đến một số nhà xe không đăng ký hoạt động trong bến như C.V, Đ.N... vẫn đậu xe dọc đường để bán chỗ cho khách đi vào Nam. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi có một số doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động trong bến một nửa phương tiện, nửa còn lại dùng để “nhảy dù” với việc đón trả khách ở một vài địa điểm như đường Điện Biên Phủ, đường Nguyễn Văn Huề (gần bến xe Đà Nẵng). Nhà xe N.C có 2 loại vé, một loại màu đỏ do Cục Thuế phát hành, một loại màu xanh thì giá trị của nó tương tự như phiếu đặt chỗ của Cty Phát Xuân Tùng.
Những người có kinh nghiệm đi xe dù và đã từng “dính đòn” vì kiểu bán vé này cho biết, cùng một chặng đường từ Đà Nẵng đi TP Hồ Chí Minh nhưng những người mua vé trước thì giá rẻ hơn những người mua sau. Nếu càng nhiều người mua họ sẽ “bỏ tép bắt tôm”, đón người mua vé cao, chạy làng người mua vé thấp. Nghĩa là rất có thể những khách bị hành trong chuyến xe hẹn ngày 7-2 đã bị “phá hợp đồng” khi nhà xe đã bán cùng những chỗ ngồi của họ cho người mua sau với giá cao hơn. Hoặc chiếc xe ảo đó đã chạy một hành trình khác với mối lợi cao hơn.
Vấn nạn “xe ma, vé ảo” đã tồn tại dai dẳng, cơ quan chức năng cũng không ít lần vào cuộc xử lý nhưng cứ đến Tết lại nóng lên. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Nghĩa- Chánh thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng, cho biết: “Về vụ việc liên quan đến nhà xe Xuân Tùng chúng tôi đã lập biên bản xử phạt hành chính. Trước mắt, cơ quan chức năng phát hiện việc phát hành vé của Cty không đúng quy định. Về lâu dài, chúng tôi đã cấp phép và định hướng cho doanh nghiệp vào hoạt động theo tuyến cố định”. Chúng tôi hỏi lại là liệu có xử lý được dứt điểm hiện tượng này thì ông Nghĩa trả lời là “Đang vừa xử lý vừa định hướng”.
12 giờ ngày 7-2, chúng tôi có mặt tại phòng vé của Xuân Tùng để chứng kiến vụ việc thì ông Hoàng Châu Phương- Đội trưởng Đội QLTT số 3 cho biết, chưa thể xử lý vì không có mặt ông Nguyễn Xuân Tùng. Còn ông Nghĩa nói lúc kiểm tra, ông Tùng vẫn có mặt. Đem chuyện nhiều người dân trên đường Điện Biên Phủ bị ảnh hưởng bởi việc bắt khách, vận chuyển hàng bởi xe của Xuân Tùng nói rằng “sở dĩ không xử lý được dứt điểm vì Xuân Tùng là người nhà của chính cơ quan chức năng” thì ông Nghĩa khẳng định: “Không có chuyện đó”!
Bài, ảnh: Đông A